Giá USD tăng tác động không nhỏ đến nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hay có dư nợ ngoại tệ lớn.

Giá USD tăng tác động không nhỏ đến nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hay có dư nợ ngoại tệ lớn.

Doanh nghiệp ứng phó với tỷ giá tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển các hợp đồng vay ngoại tệ sang vay VND là cách mà một số doanh nghiệp thực hiện nhằm hạn chế tác động bởi diễn biến tăng gần như liên tục của tỷ giá từ tháng 2/2022 đến nay.

Tác động từ sự biến động của tỷ giá

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh và mạnh, giúp USD tăng giá, chỉ số USD Index (DXY) từ mức hơn 96 điểm cuối năm 2021 tiến lên 108,6 điểm ngày 14/7/2022 (gần đây dao động trên mức 106 điểm), cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Châu Âu chậm trễ trong việc nâng lãi suất, còn Nhật Bản duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nên đồng Euro và yên Nhật có giá trị giảm sâu so với USD (2 đồng tiền này lần lượt chiếm tỷ trọng 56,6% và 13,6% trong rổ 6 loại ngoại tệ dùng để tính chỉ số DXY). Từ đầu năm 2022 đến nay, đồng Euro mất giá khoảng 10%, yên Nhật mất giá khoảng 16%, một loạt đồng tiền khác cũng mất giá mạnh so với USD như bảng Anh, bath Thái, won Hàn Quốc, nhân dân tệ Trung Quốc, ringgit Malaysia...

Tính đến ngày 28/7, giá mua - bán USD tại Vietcombank là 23.210 - 23.520 đồng/USD, tăng 2,6% so với đầu năm 2022.

Đối với đồng Việt Nam (VND), mức độ mất giá so với USD thấp hơn nhiều. Tính đến ngày 28/7, giá mua - bán USD tại Vietcombank là 23.210 - 23.520 đồng/USD, tăng 3,2% so với cuối tháng 2, còn so với đầu năm 2022 tăng 2,6%.

Tuy nhiên, giá USD tăng có tác động không nhỏ đến nhóm doanh nghiệp nhập khẩu hay có dư nợ ngoại tệ lớn.

Theo đó, tỷ giá tăng khiến các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại dư nợ gốc ngoại tệ. Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, xuất khẩu có lợi, nhưng nhập khẩu bất lợi, nhưng cũng tùy từng doanh nghiệp.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành thép niêm yết trên HOSE cho biết, công ty xuất khẩu 10.000 tấn thép mỗi tháng, nhưng phải nhập khẩu 30.000 tấn phế liệu, quặng để sản xuất. Nếu tỷ giá tiếp tục tăng, doanh nghiệp buộc phải phải tính đến phương án tăng giá bán để bù đắp chi phí.

“Nếu USD tiếp tục tăng giá thì không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên nói và cho rằng, giá nguyên liệu tăng sẽ đẩy giá hàng hóa thành phẩm đến tay người tiêu dùng tăng theo. Rất ít doanh nghiệp có đủ vốn để nhập nguyên liệu dự trữ và chủ động trong sản xuất, xuất khẩu các đơn hàng lớn.

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đà tăng của USD cùng với việc Fed đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để quay trở lại thị trường Mỹ, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái ở các quốc gia bị rút vốn ròng.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND tăng sẽ tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp có nhiều nợ vay bằng USD cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng.

Báo cáo tài chính cho thấy, không ít doanh nghiệp ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá. Chẳng hạn, quý I/2022, tỷ giá tháng 1 giảm, nhưng 2 tháng sau đó tăng, khiến Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai phải hạch toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 68 tỷ đồng.

Trong quý II/2022, Công ty Đầu tư Cao su Đắk Lắk ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá 50,5 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ lỗ chênh lệch tỷ giá 380.000 USD do mua nguyên liệu đầu vào và thanh toán nợ ngắn hạn bằng USD, bởi tỷ giá USD/VND tăng 2%.

Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng. Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh lỗ chênh lệch tỷ giá 24,2 tỷ đồng...

Nỗ lực giảm dư nợ ngoại tệ và chuyển sang vay VND

Theo lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), doanh nghiệp lường trước được khả năng tỷ giá sẽ tăng nên nỗ lực giảm các khoản vay bằng ngoại tệ, dư nợ hiện giảm xuống dưới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động nên nhiều khoản thu của PTSC bằng ngoại tệ, bù đắp vào khoản vay.

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) cho biết, dư nợ vay bằng ngoại tệ của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 7/2022 khoảng 50 triệu USD (tương đương 1.160 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 30 - 40% trong cơ cấu vay tài chính.

So với thời kỳ đỉnh điểm (vay 250 triệu USD) vào năm 2013, PVTrans đã thực hiện chuyển nhiều các hợp đồng vay ngoại tệ sang vay VND khi lãi suất vay nội tệ thấp, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng từ chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, nguồn thu từ một số hợp đồng vận tải với các đối tác nước ngoài bằng USD giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí khi ngoại tệ biến động.

“Với dư nợ hiện tại, PVTrans có thể xoay xở nếu tỷ giá biến động lên đến 3%, dù chi phí tỷ giá sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng”, ông Việt Anh nói và cho hay, đối với một số hợp đồng, doanh nghiệp tham gia các sản phẩm phái sinh để hạn chế rủi ro tỷ giá.

Tương tự, ông Lê Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc chia sẻ, Công ty có khoản dư nợ ngoại tệ không lớn, nhưng chịu thiệt hại khi tỷ giá USD/VND tăng. Doanh nghiệp đã trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá 2% nên vẫn đang trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, hiện một số ngân hàng cho các doanh nghiệp chuyển đổi khoản vay từ ngoại tệ sang nội tệ, giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Liên quan đến vay nợ, một số doanh nghiệp muốn vay ngân hàng bằng VND ngay, vì lo ngại khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.

Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ xuất hiện vào những tháng cuối năm 2022, đặc biệt khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm từ 37% về 34%, có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

“Lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng theo”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp ngành vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân ở mức cao, trong đó có dư nợ bằng USD. Trong nhóm dầu khí và nhiệt điện, đa số doanh nghiệp có khoản nợ vay gốc USD như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau…

Tin bài liên quan