Kịch bản của tỷ giá tháng 2

Kịch bản của tỷ giá tháng 2

(ĐTCK) Sau khoảng nửa cuối năm 2019 tương đối bình lặng, thị trường ngoại hối liên ngân hàng đã xuất hiện con sóng đầu tiên trong năm 2020.

Trong 3 phiên giao dịch sau nghỉ Tết Canh tỷ 2020, tỷ giá VND/USD bất ngờ tăng mạnh khoảng 100 điểm, từ 23.170 đồng/USD lên khoảng 23.270-23.280 đồng/USD.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng khoảng 60-70 điểm, từ 23.190 đồng/USD lên 23.250-23.270 đồng/USD. Lần gần nhất tỷ giá có biến động tương tự là từ đầu tháng 8/2019 với sự kiện Mỹ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Kịch bản của tỷ giá tháng 2 ảnh 1

Biểu đồ 1: Diễn biến tỷ giá USD/CNH trong tháng 1.

Việc tỷ giá tăng ngay từ đầu năm chủ yếu do áp lực từ thị trường quốc tế với việc dịch bệnh viêm phổi Corona bùng phát tại Trung Quốc (ngày 20/1/2020) và nhanh chóng lan rộng ra khắp các châu lục.

Tâm lý lo ngại đã lan tỏa khắp thị trường tài chính toàn cầu và kích hoạt làn sóng bán tháo đối với nhân dân tệ (CNY), khiến đồng tiền này mất giá khoảng 2% so với USD.

Song song với đó, một yếu tố khác có tác động cộng hưởng làm gia tăng tình trạng căng thẳng của thị trường ngoại hối là xu hướng kém dồi dào của thanh khoản ngoại tệ trong nước.

Mặc dù nguồn cung ngoại tệ trong nửa đầu tháng 1 là rất dồi dào từ lượng tiền kiều hối chuyển về nước, song gần như toàn bộ lượng dư thừa này đã được đẩy về Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giai đoạn trước khi nghỉ Tết.

Đồng thời, với tâm lý tự tin vào xu hướng ổn định của tỷ giá và chênh lệch lãi suất VND/USD vẫn duy trì ở mức cao, các ngân hàng đã không duy trì “bộ đệm” dự trữ ngoại tệ dồi dào như giai đoạn trước, mà chuyển sang đẩy mạnh bán ngoại tệ.

Thị trường mở cửa trở lại trong tình trạng thanh khoản mỏng, khiến tỷ giá trở nên nhạy cảm hơn đối với những biến động bất thường trên thị trường quốc tế.

Kịch bản của tỷ giá tháng 2 ảnh 2

Biểu dồ 2: So sánh biến động tỷ giá trước và sau khi nghỉ Tết qua các năm.

Nhìn vào lịch sử, tỷ giá từng biến động tương tự vào thời điểm sau Tết của các năm 2017 và 2018, song các điều kiện cơ bản của thị trường năm nay có sự khác biệt theo hướng thuận lợi hơn.

Cụ thể, cung ngoại tệ vẫn thặng dư khoảng 0,5 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 1/2020, cho dù đã kém thuận lợi hơn thời điểm trước Tết.

Kịch bản của tỷ giá tháng 2 ảnh 3

Biểu đồ 3: Diễn biến chênh lệch lãi suất VND/USD kỳ hạn 1 tuần.

Chênh lệch lãi suất VND/USD kỳ hạn 1 tuần có xu hướng đi ngang ở mức khoảng 1,5%, thay vì thường giảm mạnh 2-3% xuống khoảng 0,5% trong các năm trước.

Vào thời điểm trước khi nghỉ Tết, NHNN đã chủ động gọi thầu tín phiếu trở lại nhằm hút bớt tiền đồng trên thị trường, đồng thời nâng lãi suất phát hành từ 2,25% lên 2,65%, tránh để chênh lệch lãi suất VND/USD giảm mạnh, có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện chưa có dấu hiệu được kiểm soát hiệu quả, cùng với tâm lý thị trường vẫn đang trong trạng thái thận trọng, việc tỷ giá sớm hạ nhiệt là tương đối khó khăn, trừ khi có một yếu tố đủ mạnh để làm “hạ nhiệt” như nguồn cung ngoại tệ được gia tăng rõ nét, hay NHNN tiến hành can thiệp kéo lãi suất VND tăng mạnh.

Bước vào tháng 2, thị trường ngoại hối nhìn chung sẽ chưa cởi bỏ được áp lực từ cuối tháng 1.

Cân đối cung - cầu ngoại tệ trong nước nhiều khả năng chưa thể được bổ sung dồi dào trở lại khi các hoạt động kinh tế có thể sẽ bị đình trệ do tác động của dịch Corona và việc sớm kiểm soát cũng khó có thể diễn ra ngay lập tức trong thời gian tới.

Yếu tố được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tỷ giá là mức độ chênh lệch lãi suất VND/USD, dự báo duy trì ở mức 1-1,5%/năm kỳ hạn ON-1 tuần khi NHNN vẫn sẽ chủ động sử dụng các công cụ phù hợp, tránh để lặp lại tình trạng chênh lệch lãi suất âm như các năm trước.

Theo đó, tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng, lên mức 23.300-23.350 đồng/USD, sau đó giảm trở lại, dao động quanh mức 23.200-23.250 đồng/USD trong tháng này.

Trong kịch bản xấu hơn, khi dịch bệnh tiếp tục trầm trọng và các yếu tố trong nước kém thuận lợi hơn, tỷ giá có thể chịu áp lực lớn hơn và tạo mặt bằng giá mới ở mức 23.300-23.350 đồng/USD.

Tin bài liên quan