Độc đáo thư viện không cho mượn sách, mà cho mượn người

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Càng hiện đại, tiện nghi, con người ta lại càng muốn tìm lại những giá trị truyền thống, đơn cử như trò chuyện với nhau...
"Thư viện con người" đem đến cơ hội học hỏi trải nghiệm từ người khác tốt hơn từ một cuốn sách.

"Thư viện con người" đem đến cơ hội học hỏi trải nghiệm từ người khác tốt hơn từ một cuốn sách.

Theo ý nghĩa truyền thống, một thư viện là kho sưu tập sách, báo và tạp chí. Hiểu theo cách khái quát nhất, thư viện là nơi tàng trữ và tổ chức sử dụng tài liệu có tính chất tập thể và xã hội. Trong thời đại mới, thư viện vẫn luôn luôn được coi là tòa lâu đài trí tuệ của nhân loại, nơi lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của loài người, là một bộ phận văn hóa và mang thêm sắc thái mới – là trung tâm thông tin, là một bộ phận cấu thành trong hệ thống thông tin tư liệu của các nước, là nơi thu thập và thỏa mãn nhu cầu thông tin cho quảng đại quần chúng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển như vũ bão về mọi mặt của cuộc sống như kinh tế, văn hóa, ngày nay con người ta có thể đến thư viện để "mượn người" thay vì mượn sách. Tại Đan Mạch, vùng đất nổi tiếng với các câu chuyện cổ Andersen, có một nơi được gọi là "thư viện con người".

Những vị khách khi có nhu cầu đến với thư viện đặc biệt này sẽ có thể mượn người trong 30 phút để trò chuyện cùng họ, kể hoặc lắng nghe những câu chuyện trong đời sống từ những người hoàn toàn xa lạ.

Không phân biệt màu da, tôn giáo, khiếm khuyết... tất cả mọi người đều có thể trở thành một "cuốn sách" tại đây.

Không phân biệt màu da, tôn giáo, khiếm khuyết... tất cả mọi người đều có thể trở thành một "cuốn sách" tại đây.

Các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này được tài trợ bởi một tổ chức phi lợi nhuận có tên là "thư viện con người". Tôn chỉ hoạt động ở đây đó là mỗi cá nhân trong thư viện đại diện cho một nhóm người phải đối mặt với định kiến bởi phong cách sống, niềm tin, chủng tộc hoặc do khiếm khuyết của mình.

Tất cả mọi người đều có thể trở thành một phần của thư viện theo 2 hình thức. Cách đầu tiên, đó là biến mình thành một cuốn sách. Hiểu một cách đơn giản, bạn sẽ là người chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm của bản thân mình cho những người khác.

Nếu không thích làm người kể chuyện, bạn có thể lựa chọn làm người nghe chuyện. Độc giả sẽ lựa chọn một tiêu đề hứng thú và đến khu vực trò chuyện nhóm hoặc cá nhân. Tại đây, họ sẽ được trao đổi với những người đang sẵn sàng kể lại câu chuyện của mình trong vòng 30 phút. Độc giả được khuyến khích “đặt các câu hỏi khó” mà họ luôn thắc mắc từ trước đến nay. Thực tế là hầu hết các buổi nói chuyện đều kéo dài quá 30 phút.

Ronni Abergel, người sáng lập ra "thư viện con người" tại Đan Mạch năm 2000.

Ronni Abergel, người sáng lập ra "thư viện con người" tại Đan Mạch năm 2000.

Được biết, hình mẫu của "thư viện con người" được một nhà báo kiêm nhà hoạt động nhân quyền người Đan Mạch, Ronni Abergel thành lập cách đây 22 năm. Sau quãng thời gian sinh sống trong bầu không khí chính trị nặng nề tại Mỹ, Abergel đã có ý tưởng về một thư viện con người, nơi có thể gắn kết và đem mọi người đến gần với nhau hơn giống như trước đây. Ông mong ước có thể tạo ra một địa điểm, nơi mà những người khác thường, dị biệt, khiếm khuyết, giàu hay nghèo, người nhiều chữ hay ít chữ... được đối xử như những cuốn sách. Độc giả đến đây có thể thoải mái đối thoại, đặt câu hỏi, khám phá những điều mà họ chưa từng biết.

Dần dần, ý tưởng của Abergel đã được xã hội chấp thuận và trở nên nổi tiếng. Ngày nay, "thư viện con người" đã tổ chức các sự kiện ở trên 80 quốc gia, ở các thư viện, bảo tàng, trường học và đã có hơn 1.000 “cuốn sách” nói được hơn 50 thứ tiếng.

Tin bài liên quan