Gia đình một công nhân đã ở trọ hơn 10 năm tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Gia đình một công nhân đã ở trọ hơn 10 năm tại Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn

Đọc nhu cầu nhà ở công nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện nay, nhiều địa phương khu vực phía Nam có lượng công nhân lên đến hàng triệu người, những khu lưu trú cho công nhân hiện hữu chỉ như “muối bỏ biển”...

Làm hàng chục năm không đủ tiền mua nhà

Tan ca chiều khi trời đã nhá nhem tối, chị Thạch Thị Hồng Sa, 35 tuổi, quê Trà Vinh, đang làm việc tại Công ty TBS Group, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vội vàng ghé chợ cóc ven đường mua thực phẩm để kịp nấu cơm tối cho gia đình.

Căn phòng chị thuê nằm trong một khu nhà trọ tuềnh toàng ở sâu trong hẻm nhỏ, lối đi ngoằn ngoèo, bề rộng chỉ hơn một thân xe, mỗi khi có xe ra vào là chật vật tránh nhau. Diện tích căn phòng cũng chẳng rộng hơn bề rộng ngõ là mấy, chỉ hơn 10 m2. Dù đang là mùa mưa nhưng không khí trong nhà rất ngột ngạt, cây quạt máy treo trên tường luôn trong tình trạng hết công suất cũng chỉ giúp giảm phần nào sự oi bức với ba người chen nhau nằm. Chỗ nấu ăn cũng là sàn rửa ở ngay trước phòng vệ sinh, trên tường gắn tấm ba-rem bằng bê-tông để đựng bếp gas và nồi cơm điện.

Chị Sa kể, hai vợ chồng rời quê lên Bình Dương làm việc được hơn 15 năm, thu nhập mỗi tháng gộp lại chỉ khoảng 15 triệu đồng mà bao nhiêu khoản phải chi tiêu nên chẳng tích cóp được bao nhiêu.

“Mỗi tháng, tiền nhà, điện, nước, gas hết hơn 2 triệu đồng, tiền gửi con nhỏ gần 1 triệu đồng, tiền gửi về quê cho con gái lớn ở với ông bà 3 triệu đồng, chi phí sinh hoạt, ăn uống hàng ngày khoảng 6 triệu đồng…, co kéo mãi cũng chỉ dư được chừng 3 triệu đồng/tháng, đó là sức khỏe bình thường, chứ ốm đau tiền thuốc men vào là hết, thế nên chẳng biết tiết kiệm đến bao giờ mới đủ tiền mua nhà”, chị Sa than thở.

Hiện nay, trường hợp người ngoại tỉnh lên thành phố làm việc phải thuê trọ ở ngoài khu dân cư như chị Sa không hề hiếm. Điểm chung của những căn phòng này là không đáp ứng các tiêu chí “sống” mà cơ quan chức năng hướng dẫn, ấy vậy mà tìm được cũng không phải chuyện dễ.

Như trường hợp của anh Trần Văn Nhân (công nhân một doanh nghiệp tại TP. Thủ Đức, TP.HCM), đã hơn 16 năm rời quê nhà ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định vào TP.HCM sinh sống, nhưng anh cùng vợ con vẫn đang phải thuê trọ tại khu giãn dân phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức.

Anh Nhân cho biết, tổng thu nhập của 2 vợ chồng vào khoảng 20 triệu đồng/tháng kể cả làm thêm, nhưng vì nuôi hai con nhỏ đang ăn học, cộng thêm giá cả sinh hoạt tăng cao và gửi thêm chút tiền về quê cho cha mẹ nên không tích lũy được nhiều.

“Chưa bao giờ chúng tôi dám nghĩ đến việc mua nhà ở TP.HCM, chỉ mong được thuê nhà trong khu lưu trú của doanh nghiệp là tốt lắm rồi”, anh Nhân nói và giải thích thêm rằng, khu lưu trú tại nơi anh làm việc có sức chứa 1.000 người, trong khi lượng công nhân của công ty cao gấp 4 lần nên chẳng khi nào có chỗ trống, chưa kể điều kiện được vào thuê trong khu lưu trú là chưa có gia đình.

“Có lẽ chúng tôi làm thêm một thời gian nữa rồi vợ chồng lại dắt díu nhau về quê, chứ ở thành phố mãi trong điều kiện như thế này cũng không ổn”, anh Nhân buồn bã nói.

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 2,2 triệu công nhân, nhưng chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, số còn lại phải thuê phòng trọ.

Đồng Nai có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp, song đa số công nhân cũng phải thuê nhà trọ trong khu dân cư để ở.

Tương tự, Bình Dương có khoảng 1,6 triệu lao động, đa số là người ngoại tỉnh nhưng chỉ khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng nhu cầu cho gần 50.000 người.

Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ mạnh tay

Là doanh nghiệp có khu lưu trú cho công nhân, ông Nguyễn Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng sản xuất dịch vụ du lịch Thiên Phát cho hay, nhu cầu thuê nhà ở lâu dài của công nhân là rất lớn.

“Cách đây 10 năm, khi nghe Thiên Phát được cấp phép dự án nhà lưu trú cho công nhân, chủ tịch một tập đoàn của Nhật Bản đang đầu tư vào khu công nghệ cao gần đó đã đề nghị trả trước 15 năm tiền thuê để giữ chỗ cho người lao động của mình”, ông Lợi nói và cho biết thêm, sau gần 7 năm hoạt động, khu lưu trú của Công ty luôn kín chỗ, lúc nào cũng có vài chục công nhân đăng ký trong danh sách chờ phòng trống để thuê.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen Việt Nam cho biết, vừa qua, doanh nghiệp này làm hồ sơ cho hơn 22.000 người lao động được hưởng hỗ trợ tiền nhà trọ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Chính phủ và nguyện vọng chung là đều mong muốn có được nơi ở ổn định để an tâm làm việc, song với mức thu nhập và giá cả sinh hoạt hiện nay thì công nhân rất khó mua được nhà. Theo ông Nghiệp, việc xây nhà ở xã hội cho công nhân được đề cập tới từ rất lâu và lần họp Quốc hội nào cũng được đưa ra bàn thảo, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.

“Với thu nhập hiện nay, một căn chung cư giá khoảng 500 triệu đồng thì công nhân có thể tiết kiệm và vay mượn thêm để mua, chứ cao hơn thì không mua nổi. Bởi vậy, nếu Nhà nước không vào cuộc thật quyết liệt, có chính sách hỗ trợ mạnh tay như cấp đất nhưng miễn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân… thì những đối tượng lao động phổ thông này khó có thể sở hữu nhà”, ông Nghiệp nêu quan điểm.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Kinh Trung 1, TP. Thủ Đức) chia sẻ, doanh nghiệp có gần 2.000 công nhân, nhưng khu nhà lưu trú chỉ đủ cho khoảng 1.000 người, nên số còn lại phải thuê trọ bên ngoài. Tuy nhiên, hàng tháng, doanh nghiệp đều có hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, kể cả người ở trong khu lưu trú, tối thiểu từ 300.000 đồng/người/tháng.

“Với thu nhập của công nhân và giá nhà đất ở TP.HCM như hiện nay, khả năng sở hữu nhà ở là rất thấp”, bà Vân nhấn mạnh, đồng thời đưa ra kiến nghị, trong khi Nhà nước chưa xây được nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua thì cần có chính sách tốt hơn nữa để khuyến khích doanh nghiệp làm khu lưu trú, chẳng hạn doanh nghiệp nào làm khu lưu trú cho công nhân thì được giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 diễn ra ngày 3/8/2022, đến nay, thống kê sơ bộ các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giải ngân khoảng 48.000 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm là 6.941 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 690 tỷ đồng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 1.420 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 111 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất khoảng 60.229 tỷ đồng.

Đến ngày 22/7/2022, đã thực hiện giải ngân 196,7 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 344.000 người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Tin bài liên quan