Đổi chủ ở IFS, giá cổ phiếu chạy marathon!

Đổi chủ ở IFS, giá cổ phiếu chạy marathon!

(ĐTCK-online) Trước khi thông tin về thương vụ nêu trên Kirin mua toàn bộ 57,25% cổ phần của IFS từ TOH được công bố, giá cổ phiếu IFS đã có một cuộc marathon khá ấn tượng khi tăng trần 9/11 phiên vừa qua.

Cổ đông sáng lập CTCP Thực phẩm Quốc tế (IFS) vừa hoàn tất thương vụ bán 57,25% cổ phần tại IFS cho đối tác Kirin Holdings Company Limited (Kirin).

Theo thông báo của IFS gửi Sở GDCK TP. HCM (HOSE), cổ đông sáng lập và cổ đông lớn của IFS là Trade Ocean Holding Sdn Bhd (TOH), nắm giữ 57,25% cổ phần của IFS, đã bán toàn bộ cho Kirin. Kirin cũng đã mua lại 100% cổ phần tại Wonderfamrm Biscuits & Confnectionery (WBC) - đơn vị giữ bản quyền thương hiệu của IFS.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, IFS là doanh nghiệp FDI được thành lập năm 1991, bởi TOH có trụ sở tại Penang (Malaysia), vốn đầu tư ban đầu 1,14 triệu USD. Tháng 8/2005, IFS được chuyển thành công ty cổ phần và thực hiện niêm yết tại HOSE vào tháng 10/2006.

Cổ phiếu IFS bị đưa vào diện kiểm soát và ngừng giao dịch từ ngày 17/8/2010 do Công ty thua lỗ hai năm liên tiếp. HOSE cho phép IFS được giao dịch trở lại dưới dạng bị kiểm soát kể từ ngày 26/1/2011. Thời gian giao dịch của cổ phiếu IFS chỉ được thực hiện trong 15 phút của đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa. Nguồn tin của IFS cho biết, cổ phiếu sẽ được giao dịch bình thường sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 với điều kiện có lãi. Dự kiến, tháng 4/2011, IFS sẽ hoàn tất báo cáo này.

Sau khi CPH và lên niêm yết, IFS có vốn 18 triệu USD, trong đó chỉ có 23% vốn được niêm yết. 57% vốn do cá nhân Chủ tịch IFS và các thành viên trong gia đình nắm giữ thông qua TOH, phần còn lại do các cổ đông khác sở hữu. Việc cổ đông sáng lập TOH bán lượng lớn cổ phần cho Kirin là kết quả của quá trình tái cấu trúc IFS sau thời gian kinh doanh khó khăn tại Việt Nam. Theo kết quả kinh doanh năm 2009, IFS lỗ sau thuế 27,73 tỷ đồng, năm 2008 lỗ thêm 262,35 tỷ đồng. Năm 2010, IFS "dính" vào cuộc chiến pháp lý với Ngân hàng ANZ trong việc tranh chấp hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu. Trong cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, IFS đều bị TAND Hà Nội xử thua.

Tình hình với IFS đã sáng sủa hơn khi Công ty xác định lại việc mở rộng đầu tư, tái cấu trúc công ty. Sản phẩm của IFS hiện được bán tại 110.000 đại lý bán lẻ trên cả nước. Kết quả kinh doanh năm 2010, IFS đã có lãi (báo cáo tài chính chưa kiểm toán).

Nguồn tin từ IFS cho biết, đến thời điểm này, hoạt động của Công ty vẫn bình thường, các chức danh chủ chốt được giữ nguyên.Tuy nhiên, có thể sẽ có thay đổi tại ĐHCĐ IFS diễn ra vào cuối tháng 4/2011. Bởi khi đã nắm cổ phần chi phối, Kirin sẽ tham gia vào HĐQT, vạch ra chiến lược phát triển mới của Công ty. Kirin là tập đoàn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và y tế. Với việc mua cổ phần tại IFS, Kirin muốn củng cố nền móng cho hoạt động kinh doanh nước giải khát tại Việt Nam. Trước đó, Kirin đã hiện diện tại Việt Nam bằng việc liên doanh cùng Acecook.

Giá cổ phiếu của thương vụ trên đến nay vẫn được cả hai bên giữ kín. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về M&A, việc cổ đông TOH bán cổ phần cho Kirin là bán phần vốn tại Malaysia (57,2% trong tổng số 18 triệu USD) nên cũng không ảnh hưởng gì đến lượng cổ phần niêm yết tại Việt Nam. Nếu hai bên mua bán với giá cao có thể tác động tốt đến tâm lý NĐT. Trên thực tế, trước khi thông tin về thương vụ M&A nêu trên được công bố, giá cổ phiếu IFS đã có một cuộc marathon khá ấn tượng khi tăng trần 9/11 phiên vừa qua.