Đón chu kỳ đầu tư mới vào năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
Nhu cầu nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước, phát triển các nguồn năng lượng mới xanh, sạch để tự chủ năng lượng là cơ hội để Việt Nam đón chu kỳ đầu tư mới vào lĩnh vực này.
Một trong các nhiệm vụ quan trọng cần đặt ra là thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh. Ảnh: Đức Thanh

Một trong các nhiệm vụ quan trọng cần đặt ra là thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh. Ảnh: Đức Thanh

Tự chủ năng lượng đem lại ưu thế cho nền kinh tế

Giá dầu là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu đầu vào khác, trực tiếp tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế. Biến động giá xăng dầu ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp, do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm.

Trao đổi tại Tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức hôm qua (ngày 8/9), ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…

Khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao, sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hóa và dịch vụ không thể tăng tương ứng, vì trong và sau đại dịch, sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm. Ông Lê Tuấn Anh dự báo, giá dầu thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.

Theo các chuyên gia tại Tọa đàm, trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể giải quyết, giá xăng dầu từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán trước đó. Mặc dù hiện tại, giá nhiên liệu có phần giảm, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung - cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng, giá dầu sẽ dao động bình quân 100-115 USD/thùng năm 2022, cao hơn 40-60% so với năm 2021 và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023 và 80 USD/thùng vào năm 2024. Theo đánh giá của các ngân hàng Mỹ là BoA và Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng, nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh.

Trước sức ép của giá dầu, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt. Nhưng qua khảo sát, các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng Chính phủ có giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, đồng thời nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng dầu thế giới, để ổn định và phát triển nền kinh tế trong nước.

Chia sẻ câu chuyện của đất nước Nhật Bản, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu của Công ty Idemitsu Kosan cho biết, Nhật Bản từng phụ thuộc vào việc nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ. Tuy nhiên, kể từ những năm 1950, nước này đã đưa ra những chính sách về việc chuyển sang phương pháp lọc dầu tại các khu vực và cho đến những năm 1970, các nhà máy lọc dầu mới đã được xây dựng trên nhiều địa phương.

“Việc lọc dầu trong nước giúp giảm chi phí vận tải, bởi dầu thô được chở bằng các tàu lớn (280.000 tấn dầu thô/tàu), trong khi chỉ có thể chở 30.000 tấn xăng/tàu. Hơn nữa, lọc dầu trong nước có ưu thế hơn hẳn về mặt kinh tế so với nhập khẩu, góp phần hạn chế dòng ngoại tệ đổ ra nước ngoài”, ông Kenya Maeda nói.

Đại diện Idemitsu Kosan cũng cho biết, Công ty có kế hoạch dài hạn trong việc đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành năng lượng Việt Nam, thông qua việc là 1 trong 4 nhà đầu tư tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất chế biến 10 triệu tấn/năm và hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Dự án Phát triển mỏ khí Sao Vàng - Đại Nguyệt.

“Dù chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, như cho ra mắt và thúc đẩy sự phát triển của xe chạy bằng năng lượng điện, sử dụng nhiên liệu xanh..., nhưng điều quan trọng vẫn là phải đảm bảo ổn định nguồn cung, cùng lúc giám sát điều kiện thị trường”, ông Kenya Maeda nhấn mạnh.

Đón dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng

Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, để nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy đến trong tương lai, ngoài việc xây dựng chính sách bình ổn giá, ổn định thị trường..., một trong các nhiệm vụ quan trọng cần đặt ra là thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh.

Đồng tình quan điểm này, ông Kenya Maeda cho biết, cả Nhật Bản và Việt Nam đều đang hướng tới mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Idemitsu Kosan đã công bố mục tiêu không phát thải CO2 trong các hoạt động của mình vào năm 2050. Các phát động này đang được thực hiện song song với hành động thực tế.

“Năm 2019, chúng tôi đã vận hành nhà máy điện mặt trời với công suất 49,5 MW tại tỉnh Khánh Hòa, đóng góp cho sứ mệnh mang đến sự tự chủ về năng lượng cũng như cung cấp nguồn năng lượng tái tạo trong nước”, ông Kenya Maeda nói.

Nêu quan điểm từ góc nhìn là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của Đảng và Chính phủ, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp cho rằng, trước mắt, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát thế giới và biến động cung - cầu các mặt hàng chiến lược để kịp thời có giải pháp điều hành phù hợp. Đồng thời, điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, đi đôi với sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu, quản lý điều hành và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý, bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam cần sớm đầu tư xây dựng các kho dự trữ chiến lược quốc gia về dầu mỏ để chủ động ứng phó với các biến động bất thường về giá dầu thế giới có thể tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.

“Cần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí duy trì, mở rộng hoạt động của các dự án, nhất là các dự án có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam ở Biển Đông, nghiên cứu khả năng khai thác băng cháy ở Biển Đông”, ông Tuấn Anh nói.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng sạch, tái tạo, ông Tuấn Anh cho rằng, cần ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để giảm dần sự phụ thuộc vào dầu khí truyển thống, tạo mọi điều kiện ưu đãi, thu hút, khuyến khích các dự án sản xuất, sử dụng năng lượng xanh, sạch, công nghệ hiện đại, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Đồng bộ các quy định pháp luật về dầu khí

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Hoạt động dầu khí có nhiều rủi ro, có tính quốc tế, cần quan tâm đến thông lệ quốc tế. Luật Dầu khí (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí - hoạt động thượng nguồn dầu khí, còn các hoạt động trung nguồn và hạ nguồn của ngành dầu khí, như lọc hóa dầu, sản xuất phân bón và sản xuất điện, được điều chỉnh bằng các luật khác.

Bối cảnh thị trường và điều kiện đất nước cho thấy, việc đồng bộ Luật Dầu khí (sửa đổi) với các quy định của luật khác là cần thiết. Ví dụ, để xây dựng một đường ống dẫn khí, phải chiểu theo nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… Do đó, các quy định trong dự án luật nên theo hướng cho phép thực hiện các dự án thăm dò, khai thác dầu khí theo chuỗi, tránh một việc phải trình nhiều cơ quan, bộ ngành, tránh xung đột về pháp lý.

Tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế

- TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng

- Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu của Công ty Idemitsu Kosan

Nhu cầu dầu thô toàn cầu trong trung và dài hạn sẽ tăng. Dựa trên các kế hoạch mở rộng hoặc đóng cửa từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực châu Á, chúng tôi dự đoán, khả năng cung cấp các sản phẩm từ xăng dầu trong trung và dài hạn sẽ không đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng.

Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng.

Tin bài liên quan