Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để hiểu rõ hơn về biến động giá xăng dầu tác động như thế nào đến kinh tế trong nước và kịch bản hữu hiệu ứng phó với những biến động này, Báo Đầu tư tổ chức cuộc Toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”.

Dù đã điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian gần đây, nhưng áp lực tăng giá với xăng dầu là hiện hữu, nhất là khi thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa đông khắc nghiệt sắp tới, cần tăng cường dự trữ xăng dầu.

Giá dầu đã từng tăng vọt lên mức 120 USD/thùng, vượt xa mọi dự đoán được đưa ra trước đó và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tạo đỉnh mới trong thời gian tới. Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI.

Tại thị trường Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn về biến động giá xăng dầu tác động như thế nào đến kinh tế trong nước và kịch bản hữu hiệu ứng phó với những biến động này, nhằm giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững, Báo Đầu tư tổ chức cuộc Toạ đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” vào ngày 08/09/2022 tại Hội trường Báo Đầu tư, số 47 Quán Thánh, Hà Nội.

Toạ đàm sẽ có sự tham gia của đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức và hiệp hội, cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Các diễn giả khách mời tham dự Tọa đàm:

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

- Ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);

- Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan;

- Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logisitics Việt Nam;

- Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Tại đây, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia - đơn vị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp trên phạm vi cả nước sẽ đánh giá thực trạng hoạt động doanh nghiệp trước ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Trong khi đó, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường Toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan sẽ đưa ra những bài học kinh nghiệm ứng phó trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung và về giá xăng dầu.

Nội dung tường thuật

08:57 08/09

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết, trong bối cảnh các nền kinh tế đang tăng tốc mạnh mẽ, cộng thêm những bất ổn địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể giải quyết, giá xăng dầu đã từng tăng lên mức cao vượt xa mọi dự đoán trước đó. Mặc dù hiện tại giá nhiên liệu có phần giảm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Tính riêng chỉ trong hơn 10 ngày qua, giá xăng dầu thế giới có biến động mạnh, đặc biệt tại thị trường Singapore. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước, nếu tham chiếu trên thị trường Singapore, giá xăng RON95 tại Việt Nam đang thấp hơn từ 500-800 đồng/lít; xăng E5RON92 đang thấp hơn khoảng 400-700 đồng/lít và đặc biệt giá dầu đang thấp hơn từ 1.900 - 2.450 đồng/lít.

Trước diễn tiến thị trường xăng dầu quốc tế bất ổn gia tăng, giá trong nước sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Ban tổ chức mong muốn qua lăng kính và góc nhìn chuyên nghiệp của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trong ngành cả Việt Nam và quốc tế sẽ mang tới những góc nhìn đa chiều, đa dạng hơn về các giải pháp ứng phó với biến động về giá và nguồn cung dầu khí.

Các nội dung thảo luận trong Tọa đàm hôm nay cũng sẽ là thông tin tham khảo trong việc xây dựng chính sách bình ổn giá, ổn định thị trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, xanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trước các cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy đến trong tương lai.

09:01 08/09

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo giá dầu thời gian tới dự báo duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung-cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng, giá dầu sẽ đạt dao động bình quân 100 - 115 USD/thùng năm 2022, cao hơn khoảng 40 - 60% so với năm 2021 và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023, 80 USD/thùng vào năm 2024.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Dũng Minh
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Dũng Minh

Theo đánh giá của Bank of America (BoA) và Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh.

Giá dầu leo dốc sẽ gia tăng rủi ro, cản trở sự phục hồi kinh tế thế giới, đẩy lạm phát và nợ công nhiều nước tăng; chi tiêu cho tiêu dùng, đầu tư sẽ giảm và chi tiêu cho năng lượng sẽ tăng. Giá dầu sẽ tác động tiêu cực với các nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ, khí đốt để phục vụ phát triển kinh tế, song sẽ có tác động tích cực với các nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trên thế giới.

Đối với Việt Nam, từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng với mức nhập khẩu tăng 30,2%/năm đối với dầu thô và 51,2%/năm đối với than trong giai đoạn 2016-2020. Do vậy, giá nhiên liệu, đặc biệt là dầu thô thế giới tăng cao sẽ gây áp lực tăng giá xăng dầu trong nước.

09:03 08/09

Cũng theo ông Lê Tuấn Anh, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế. Chẳng hạn, trong tổng chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu chiếm 76,73% đối với hoạt động khai thác thuỷ sản; chiếm 63,36% đối với hoạt động vận tải; 45,18% đối với khai thác than…

Khi giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, trong khi giá bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ không thể tăng tương ứng vì trong và sau đại dịch sức mua của nền kinh tế yếu, tổng cầu tiêu dùng suy giảm.

Giá xăng dầu tăng trong thời gian vừa qua đã làm chi phí của doanh nghiệp vận tải tăng. Điều này đang ảnh hưởng rất mạnh đến doanh nghiệp khi mà chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4-5% làm cho chi phí nguyên vật liệu đầu vào và giá bán sản phẩm đầu ra đều bị đội lên do giá cước vận tải tăng.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản… đang chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3-5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Ngư dân đánh bắt thủy sản không ra khơi do doanh thu không đủ bù chi phí xăng dầu, làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo…

Qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp, mặc dù có sự gia tăng về doanh thu, mức độ tăng các chi phí của doanh nghiệp trong quý II/2022 so với quý liền kề và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so với mức độ tăng doanh thu quý II/2022.

09:20 08/09

Ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm, theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44-2,7%.

Trước sức ép của giá dầu, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc điều hành giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế tối đa mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển ảnh 4

Hiện nay, nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức, thì tỷ trọng thuế, các chi phí trong mỗi lít xăng dầu khoảng 35% giá thành. Trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường (giảm xăng từ 4.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít, giảm dầu từ 2.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít); Chính phủ đang xem xét phương án đề xuất Quốc hội giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi; đồng thời kiểm soát tình trạng buôn lậu xăng dầu khu vực biên giới…

Xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát, đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp và linh hoạt (tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu, cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước).

Tăng cường sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (Việt Nam có tiềm năng lớn), khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí duy trì, mở rộng hoạt động của các dự án, nhất là các dự án có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam ở Biển Đông, nghiên cứu khả năng khai thác băng cháy ở Biển Đông.

Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng sạch, tái tạo, chú trọng phát triển công nghiệp xanh, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này để giảm dần sự phụ thuộc vào dầu khí truyền thống.

09:25 08/09
Sở hữu nhà máy lọc dầu sẽ là chìa khoá để đảm bảo nguồn cung ổn định

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan chia sẻ, Idemitsu Kosan Co.,Ltd (IKC) là doanh nghiệp có lịch sử hoạt động lâu đời tại Việt Nam, bắt đầu với các hoạt động khảo sát tính khả thi trong lĩnh vực thăm dò khai thác từ năm 1989 và mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1994. Kể từ đó, IKC đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như: thăm dò và sản xuất dầu khí, lọc hóa chất, dầu nhờn, phân phối nhiên liệu, kỹ thuật và năng lượng tái tạo.

Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Triển vọng đối với thị trường dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ chưa bình ổn do sự biến động mạnh trong giá cả, gây nên bởi đại dịch Covid và những tác động từ địa lý - chính trị. Nhiều sự kiện đặc biệt đã diễn ra tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ, bao gồm đại dịch, diễn biến giá dầu âm lần đầu tiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine…

Dầu mỏ tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong danh mục năng lượng của tất cả các quốc gia. Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng (ngay cả trong thị trường mà không có triển vọng ổn định trong tương lai), cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng.

Việc sở hữu nhà máy lọc dầu sẽ là chìa khoá để đảm bảo nguồn cung ổn định. Nhật Bản vẫn nhất quán với chính sách lọc dầu tại thị trường tiêu thụ và điều này sẽ không thay đổi trong tương lai.

Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển biến của quá trình chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn như cho ra mắt và thúc đẩy sự phát triển của xe chạy bằng năng lượng điện, sử dụng nhiên liệu xanh. Điều quan trọng là phải đảm bảo ổn định nguồn cung, cùng lúc giám sát điều kiện thị trường. Quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực của cả doanh nghiệp và Chính phủ các quốc gia.

09:37 08/09
4 lý do giá dầu giảm trong thời gian gần đây

Trong phiên thảo luận, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, biến động giá dầu trong năm 2022 là rất phức tạp, liên tục tăng, lập đỉnh trên 120 USD/thùng.

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Dũng Minh

Các diễn giả trao đổi tại phiên thảo luận. Ảnh: Dũng Minh

Mặc dù vậy, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính tới ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh gần nhất. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD / thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD / thùng. Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang ở mức cao so với những năm trước.

Giá dầu thế giới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ OPEC, Nga, Iran…; Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trên thế giới; Biến động địa chính trị thế giới; Biến động giá của các đồng tiền mạnh trên thế giới.

Xét về nguồn cung, nguồn cung dầu đang được cải thiện. Mỹ hiện đang gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Công suất lọc dầu cũng đang tăng lên ở Trung Đông, châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.

Các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới đã đồng ý tăng sản lượng khai thác để giúp kìm đà tăng cao của giá dầu. Cụ thể, các thành viên của OPEC + (OPEC và các đồng minh, bao gồm cả Nga) đã tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8/2022, đồng thời thỏa thuận tăng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9. Tuy nhiên, mới đây tổ chức này đã quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Thứ hai, về triển vọng tăng trưởng kinh tế: Triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống. Các số liệu tăng trưởng kinh tế thế giới quý II/2022 cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ và Nhật Bản suy giảm, Trung Quốc tăng trưởng chậm, thắt chặt biện pháp phòng dịch…

Thứ ba, ngân hàng trung ương các nước lớn như Mỹ, EU… tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể khiến giá dầu thế giới giảm. Nền kinh tế của các nước lớn có xu hướng suy giảm, nhu cầu về dầu sẽ giảm.

Thứ tư, có khả năng Mỹ và Iran khôi phục thoả thuận hạt nhân năm 2015, gia tăng nguồn cung đáng kể, có thể tăng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày…

Những yếu tố trên cho thấy giá dầu vẫn có khả năng giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm.

09:42 08/09

Cũng theo ông Lương Văn Khôi, khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý IV/2024 cũng khá cao do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nhu cầu có thể tăng vào mùa Đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu.

Thứ hai, Trung Quốc đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại, từ đó làm tăng nhu cầu.

Thứ ba, nguồn cung đang tăng chậm lại. Bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600.000 thùng/ngày vào tháng 7 và 8/2022, rồi lại cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Arab Saudi mới đây cho biết, OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu vẫn đang vật lộn giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Điều này cho thấy OPEC+ đang quyết tâm bảo vệ mức giá khoảng 100 USD/thùng.

Tọa đàm thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn trong nước, quốc tế và các cơ quan truyền thông. Ảnh: Dũng Minh
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo tập đoàn trong nước, quốc tế và các cơ quan truyền thông. Ảnh: Dũng Minh

Thứ Tư, số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, nguồn cung có khả năng thu hẹp.

Thứ Năm, căng thẳng Nga - Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh. Châu Âu là đối tác năng lượng chính của Nga.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và Anh đã cấm các tàu thuộc sở hữu của Nga hoặc mang cờ Nga ghé cảng của các nước này. Điều này khiến tàu Nga phải gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vận chuyển dầu trên biển. Lý do là vì các chuyến tàu phải trải qua một hành trình dài hơn, khiến chi phí vận chuyển và nguy cơ tràn dầu tăng cao.

Nga đóng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn và tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước EU áp đặt giá trần. Các nước châu Âu phải chạy đua nhập khí từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Như vậy có thể nhận thấy, từ nay đến cuối năm, có cả những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm, song cũng có những yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể có thể thấy giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng nhẹ vào cuối năm. Đối với năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch.

09:48 08/09

Ông Khôi chia sẻ thêm, giá xăng dầu trong nước, về cơ bản sẽ biến động theo xu hướng của giá dầu thế giới. Trong 8 tháng đầu năm, giá xăng trong nước trải qua 12 lần tăng giá và lập đỉnh lịch sử vào cuối tháng 6 ở mức gần 33.000 đồng/lít đối với xăng RON 95-III. Sau đó giá xăng đã có 5 lần giảm liên tiếp, xuống mức 24.660 đồng/lít với xăng RON95-III và 23.720 đồng/lít với xăng E5RON92.

Sau kỳ điều hành giá ngày 5/9, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh, đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước. Việc tăng giá dầu diesel là do hiện nay các nước châu Âu chuyển đổi thay thế nhiên liệu khí đốt của Nga sang sử dụng dầu diesel, khiến nhu cầu tăng cao. Mỹ đang xuất khẩu ngày càng nhiều dầu diesel sang châu Âu, nhưng khó có thể tăng thêm nguồn cung vì tồn kho trong nước hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, trong khi các nhà máy lọc dầu đã hoạt động gần 100% công suất. Đây là những nguyên nhân khiến giá dầu cao hơn giá xăng.

Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng dầu đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%). Trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức tương đương đầu tháng 1.

Hiện giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa lên 25.440 đồng/lít. Trong khi giá xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít.

Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển ảnh 9
10:05 08/09

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, về cơ bản, giá xăng dầu tại thị trường Việt Nam được điều chỉnh theo giá tham chiếu Platts Singapore, và giá Platts thường có chung xu hướng với giá dầu ít lưu huỳnh đang niêm yết trên sở ICE.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, giá dầu rõ ràng đang ở trong xu hướng giảm. Giá dầu WTI và Brent đã giảm khoảng 25% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6 và đang có dấu hiệu sẽ tiếp tục giảm thêm, sau khi dầu WTI đã ở dưới 90 USD/thùng và dầu Brent cũng chuẩn bị giảm dưới mốc này.

Thị trường dầu có quy mô giao dịch rất lớn, thanh khoản lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày tại mỗi sàn giao dịch. Biên độ dao động tăng giảm 5 USD/thùng/phiên trong thời gian gần đây, cho thấy biến động giá dầu lớn và có sự giằng co. Không có cơ chế giá trần/sàn trong một phiên, do đó biến động giá dầu là rất mạnh.

Xét về cung cầu, giá dầu đang chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi các thông tin liên quan tới nhu cầu. Lo ngại về tình trạng lạm phát tại Mỹ và châu Âu, sau khi các Ngân hàng trung ương tăng lãi suất, đang khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu các sản phẩm dầu mỏ - tiếp tục duy trì chính sách phong tỏa các thành phố lớn bị Covid-19, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ, khiến giá dầu liên tục giảm trong thời gian gần đây. Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc 2 tháng liên tục ở dưới 50, cho thấy hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp lại, là dấu hiệu đáng báo động về kinh tế vĩ mô.

Xét về nguồn cung, nhìn chung các động thái thay đổi tăng sản lượng 100.000 thùng/ngày rồi lại giảm 100.000 thùng/ngày của OPEC+ không có nhiều ý nghĩa thực tiễn đối với thị trường. Điều này chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng cho thấy nhóm này sẽ không để giá dầu trượt dốc trong 1 thời gian dài, ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên trong nhóm.

Đồng thời, dù sản lượng bán tới phương Tây giảm đi, nhưng Nga vẫn đẩy mạnh bán hàng sang Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường khác. Mặt bằng giá với sản phẩm năng lượng từ Nga tới các khách hàng này thấp hơn, từ đó kéo thấp hơn giá mặt bằng chung trên thị trường.

Việc tăng sản lượng của các nhà máy là không dễ dàng và không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế. Do đó, nỗ lực tăng cung của chính phủ Mỹ không được như kỳ vọng mục tiêu của quốc gia này.

10:06 08/09

Ông Nguyễn Đức Dũng chia sẻ thêm, theo nhiều nguồn đánh giá đáng tin cậy từ các bên thứ ba, từ giờ tới cuối năm giá dầu sẽ vẫn suy yếu, nhưng không thể giảm quá nhiều. Khi giá thế giới giảm đến vùng 60 - 70 USD/thùng, các nước xuất khẩu dầu mỏ như nhóm OPE+, đặc biệt là Nga sẽ có những động thái cứng rắn để hỗ trợ giá.

Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu từ Nga chủ yếu đến từ dầu thô, nên giá dầu thấp sẽ tạo ra những căng thẳng địa chính trị và qua đó gián tiếp hỗ trợ giá không giảm sâu hơn.

Theo đó, giá dầu có thể sẽ ở vùng giá 60 - 90 USD/thùng trong quý IV năm nay.

Một điểm đáng chú ý khác là tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Ngày 18/7, tỷ giá tăng khá mạnh, sau đó có xu hướng giảm và đi ngang. Tuy nhiên, tỷ giá lại được điều chỉnh tăng mạnh ngay sáng nay 8/9.

Điều này sẽ khiến các ngân hàng và nhà xuất nhập khẩu cần công cụ phòng hộ liên quan tới tỷ giá. Nhà xuất nhập khẩu dầu mỏ sẽ quan tâm tới phòng hộ tại cả thị trường quốc tế và trong nước.

10:17 08/09

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logitics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ: Giá dầu và giá năng lượng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp logistic.

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logitics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logitics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Đối với các dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển, thì chi phí dành cho logistic là 16,8% giá trị hàng hoá – đây là con số rất lớn. Với doanh nghiệp, chi phí logistic có thể lên tới 60-65%. Chi phí nhiên liệu với doanh nghiệp vận tải chiếm 30-40% trong cơ cấu giá thành. Khi giá nhiên liệu tăng 10-15%, giá vận tải sẽ phải gia tăng tương ứng.

Rõ ràng, biến động giá nhiên liệu sẽ tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của chúng tôi. Dù trong hợp động có điều khoản liên quan tới giá vận tải, nhưng chúng tôi không thể thay đổi giá vận tải nhanh chóng như biến động giá nhiên liệu trên thị trường. Thực tế, biến động giá dầu đặt ra thách thức với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Logistics.

Trong giai đoạn mà giá cước vận tải quốc tế tăng 5-6 lần, cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, chúng tôi thực hiện 2 giải pháp chính.

Thứ nhất, liên quan tới vấn đề kỹ thuật, khi giá nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải phải nỗ lực điều chỉnh lại công tác quản trị và định mức. Trong một số trường hợp, chúng tôi phải sử dụng tới việc điều chỉnh tốc độ tàu để giảm tiêu thụ nhiên liệu.

Thứ hai, các biện pháp thương mại, các đơn vị doanh nghiệp logistic ngoài tìm kiếm lợi nhuận, còn có vai trò hỗ trợ hàng hoá lưu thông và không để xuất nhập khẩu quá mạnh. Chúng tôi sử dụng các phương án kinh doanh linh hoạt hơn, tìm kiếm giải pháp thay thế như kết nối đường sắt, nỗ lực xây dựng các tuyến đường kết nối trực tiếp.

Trong xu thế chuyển đổi số, chúng tôi tính toán chi phí vận tải và các phương án hữu hiệu khác với hàm lượng cộng nghệ cao hơn.

10:35 08/09
Cần giải pháp đồng bộ trên toàn chuỗi cung ứng để giảm giá thành

Ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại & Cung ứng dầu thô, Thị trường toàn cầu, Công ty Idemitsu Kosan chia sẻ: “Idemitsu là công ty dầu mỏ tư nhân, không thể tác động tới giá cả, nhưng trong thị trường đầy biến động, chúng tôi tin rằng chiến lược của mình là duy trì cung cầu ổn định với một chuỗi cung ứng mạnh mẽ.

Ông Kenya Maeda chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: Dũng Minh

Ông Kenya Maeda chia sẻ tại phiên thảo luận. Ảnh: Dũng Minh

Chúng ta cần giải pháp đồng bộ trên toàn chuỗi cung ứng, từ đó giảm chi phí, giảm giá thành. Vận dụng toàn bộ chuỗi cung ứng một cách hiệu quả. Tháng 3/2011, có thảm hoạ động đất lớn tại miền Đông Nhật Bản, toàn bộ hạ tầng kinh tế - xã hội bị phá huỷ tại khu vực này, khiến nguồn năng lượng tại đây bị gián đoạn. Trong giai đoạn đó, nhờ phát huy thế mạnh về chuỗi cung ứng mà chúng tôi đã khắc phục và xây dựng lại kinh tế sau thảm hoạ”.

10:46 08/09

Trước câu hỏi về việc cần phải có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế trước biến động giá dầu, chia sẻ kinh nghiệm về cách ứng phó đối với giá sản phẩm xăng dầu tăng vọt tại Nhật Bản, ông Kenya Maeda cho biết, từ cuối tháng 1/2022, để giảm bớt tác động tiêu cực do giá dầu tăng, Chính phủ Nhật đã có chính sách trợ cấp giá xăng dầu. Nếu giá xăng vượt mức 170 yên/lít thì chính phủ sẽ tiến hành trợ cấp. Nếu không có chính sách hỗ trợ này, giá xăng có thể vượt 200 yên/lít.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh
Ông Bùi Ngọc Bảo, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung cho biết, Hiệp hội đánh giá rất cao trong giai đoạn giá dầu thế giới tăng mạnh, Chính phủ đã có ngay giải pháp hỗ trợ, bình ổn giá nguyên liệu. Đây là giải pháp đã giúp các doanh nghiệp trong Hiệp hội Logistic rất nhiều. Chúng tôi mong muốn các chính sách về xăng dầu hiện tại sẽ được duy trì hết quý II/2023, để các doanh nghiệp tiếp tục có thời gian cải thiện hiệu quả hoạt động bằng nhiều biện pháp và dự phòng được rủi ro cho các hoạt động liên quan tới biến động giá nhiên liệu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nỗ lực trong việc chuyển dịch năng lượng, sử dụng các thế hệ tàu mới ecoship – đáp ứng các yêu cầu năng lượng xanh, giảm thiểu phát thải. Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ, đầu tư tàu ecoship đòi hỏi chi phí ban đầu cao. Do đó, cần phải có các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển bền vững và dài hạn.

10:52 08/09

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, chuyển dịch năng lượng là hướng tới một nền kinh tế hiệu quả hơn, xanh hơn.

Câu chuyện chuyển dịch cần được tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ cung năng lượng. Khó khăn của doanh nghiệp như chưa sẵn sàng để thay đổi, khó có thể đầu tư chuyển dịch. Chưa kể, việc sử dụng năng lượng hoá thạch trong trung hạn nếu vẫn mang lại lợi ích thì cần tập trung vào việc nâng chất lượng, sạch hơn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia phiên thỏa luận tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia phiên thỏa luận tại Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Khi có nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng thay thế thì người tiêu dùng sẽ chuyển dịch như thế nào? Chẳng hạn, khi dầu diesel tăng rất mạnh, tại sao không sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể mất tiền đầu tư và xác định 3-4 năm nữa vẫn chưa có lãi. Họ băn khoăn về việc có nên đầu tư hay không, nhất là khi còn nhiều biến động.

Theo đó, cần giải pháp ở cả 2 đầu, cần chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, đa dạng hoá nguồn năng lượng. Đồng thời, cần khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và có cơ chế hỗ trợ phù hợp.

Vai trò của Chính phủ chỉ có thể giúp hỗ trợ bình ổn giá trong một mức độ nhất định. Trong khi đó, rất khó để dự đoán được giá dầu, bởi các yếu tố cơ bản dựa vào để dự báo đều khó đoán định. Theo đó, điều cần làm là ứng phó với biến động.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định giá nhiên liệu. Hiện đang giao Bộ Tài chính rà soát các chính sách về thuế với sản phẩm năng lượng, xăng dầu… Ngoài các giải pháp hỗ trợ các chi phí cấu thành, còn đề cập tới việc đảm bảo năng lượng dự trữ, xây dựng các kho dự trữ năng lượng, nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới…

11:01 08/09

Chia sẻ về những giải pháp kiến nghị để ổn định thị trường xăng dầu, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố bất định và xu hướng của giá dầu có thể nhích hơn một chút kể từ nay tới đầu năm 2023.

Tạo đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Ảnh: Dũng Minh

Tạo đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Ảnh: Dũng Minh

Giá dầu thô thế giới tăng mạnh có tác động hai chiều tới thu - chi ngân sách nhà nước. Trong đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ dầu thô, khí thiên nhiên và chế biến dầu khí, hoạt động xuất nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, giá xăng tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, làm suy giảm sức mua và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới thu NSNN và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường cũng làm giảm thu NSNN.

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu hoá thạch tăng cao cũng tác động rất lớn tới chính sách dịch chuyển năng lượng của các quốc gia.

11:19 08/09

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logisitics Việt Nam chia sẻ 2 kiến nghị.

Thứ nhất, tăng tính kết nối trên nền tảng công nghệ và phát triển các trung tâm logistics, từ đó phát huy vận tải đa phương thức. Điều này sẽ giúp hoạt động lưu thông, vận tải hiệu quả hơn, từ đó tiết kiệm năng lượng hơn.

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logisitics Việt Nam

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch hiệp hội Logisitics Việt Nam

Thứ hai, giải pháp căn cốt liên quan tới phát triển thương hiệu đội tàu biển. Giá dầu năm 2021 từng có thời điểm rất thấp, thậm chí âm, nhưng giá cước 1 container từ Việt Nam sang Mỹ thường từ 4.000 USD nhảy vọt lên 14.000 USD. Theo đó, cần chính sách kết nối trực tiếp trong các tuyến vận tải, từ đó giảm chi phí cũng như tiết kiệm năng lượng.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc, Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam chia sẻ thêm, có một số kênh phòng vệ giá cho doanh nghiệp. Đây có thể là công cụ hiệu quả đối với các doanh nghiệp trên thị trường để bảo vệ kết quả kinh doanh trước các biến động của giá cả.

Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về chính sách liên quan tới việc ghi nhận các chi phí và hoạt động này của doanh nghiệp.

11:25 08/09

Sau thời gian hơn 3 tiếng, Toạ đàm “Biến động giá dầu và Kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển”, đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế từ các tổ chức và hiệp hội, cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã chia sẻ những nhận định về cuộc khủng hoảng năng lượng, về tác động của biến động giá dầu tới phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh với các diễn giả tham gia Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh với các diễn giả tham gia Tọa đàm. Ảnh: Dũng Minh

Các diễn giả đã đưa ra nhiều giải pháp thực tế và các đề xuất hữu ích nhằm chung tay vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh vận chuyển theo hướng phát triển bền vững, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh nhằm tăng cường khả năng độc lập về năng lượng và giúp tránh được các cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.

Tin bài liên quan