Đón những phiên giao dịch tỷ đô

Đón những phiên giao dịch tỷ đô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 75 triệu cổ phiếu STB được giao dịch trong phiên cuối tuần không chỉ giúp cổ phiếu này “thoát sàn” ngoạn mục mà còn đẩy thanh khoản chỉ riêng sàn HOSE lên mức gần 21.000 tỷ đồng.

Có vẻ như những phiên giao dịch tỷ đô đang quay trở lại!

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chứng khoán Việt Nam là thị trường tốt nhất Đông Nam Á với mức tăng 11,2% của VN-Index tính theo tiền Đồng (tương đương 11,5% tính theo USD). Theo nhận định chung của các công ty chứng khoán, triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2023 rất khả quan, với mục tiêu VN-Index sẽ quay lại mốc 1.200 - 1.250 trong năm 2023 và dự kiến có thể tăng lên mốc 1.300 - 1.500 cho năm 2024. Dự báo này dựa trên khả năng phục hồi của các doanh nghiệp từ 6 tháng cuối năm 2023 kéo dài đến năm 2024 và Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất hoặc bắt đầu giảm lãi suất trong giai đoạn này.

Việc TTCK đang được định giá thấp, kết hợp với mặt bằng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn có xu hướng giảm thời gian gần đây đang giúp chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Thị trường đã ghi nhận lượng tài khoản mở mới tăng mạnh và lượng tiền mới nộp vào các tài khoản cũng tăng lên đáng kể. Không sôi động và bốc đồng như thời điểm 2021 nhưng dòng tiền vẫn thấm dần từ kênh tiền gửi tiết kiệm qua kênh chứng khoán một cách từ từ như cách phục hồi của các ngành hàng, của nền kinh tế nói chung trong vài tháng qua.

Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ cuối cùng cũng tăng kể từ cuối tháng 6 khi ngành bán lẻ có dấu hiệu chạm đáy và một vài tín hiệu phục hồi. Trong báo cáo mới đây, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý IV/2023.

Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện và các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần cũng như tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý II/2023.

Mặc dù phục hồi sau các nhóm ngành hàng khác, song nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ như DGW, FRT, MWG, PNJ… đi lên rất mạnh mẽ. Điều đó cho thấy khi dòng tiền nhìn thấy cơ hội sẽ rất nhanh lấp vào chỗ trũng trên mặt bằng định giá của thị trường.

Diễn biễn thị trường trong gần 1 tháng qua gần như biến động trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, nhìn lại biểu đồ tăng thị tăng giá của nhiều cổ phiếu cho thấy giá đã đi lên dần đều, để sau 1-2 tháng nhìn lại, tỷ suất sinh lời không phải là nhỏ. Chẳng hạn như cổ phiếu SSI tăng từ 20.000 đồng/CP thời điểm tháng 4 lên 28.000 đồng/CP hiện nay khi thanh khoản của TTCK cải thiện. Nhóm cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG… cũng từ từ tiến, nhưng cũng khiến nhà đầu tư “ngạc nhiên” đáng kể nếu vài tuần không theo dõi bảng điện tử.

Diễn biến này tương đồng với cảm nhận của giới đầu tư về nền kinh tế, không quá lạc quan nhưng nhận thấy mọi thứ đang được cải thiện dần. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong các tháng cuối năm song hành với quá trình giảm lãi suất và phục hồi của nền kinh tế.

TTCK sẽ còn đi lên một cách chậm rãi bởi tâm lý nghi ngờ, chờ đợi và quan sát diễn biến thực tế phản ánh vào thị trường. Lòng kiên nhẫn của nhà đầu tư sẽ còn bị thử thách khi tìm điểm mua bán, chốt lời hay cắt lỗ, nhưng khi lãi suất giảm, kinh tế phục hồi, tiền vẫn thấm sang chứng khoán ngày một nhiều hơn bởi chứng khoán vẫn đang là kênh đầu hấp dẫn nhất và đó cũng là chủ đề Tiêu điểm “Ngấp nghé dòng tiền lớn” của Đầu tư Chứng khoán trong số báo này.

Rất có thể phương châm “tiền mặt là vua” duy trì trong gần một năm qua trên TTCK sẽ chuyển thành “đồng tiền mua trước là đồng tiền khôn”!

Tin bài liên quan