Đồng loạt thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát OGC từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ

Đồng loạt thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát OGC từ nhiệm trước thềm ĐHCĐ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) vừa cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm của 3 thành viên HĐQT, 2 người tại Ban kiểm soát theo nguyện vọng cá nhân.

Cụ thể, các thành viên HĐQT xin từ nhiệm gồm ông Mai Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Thành Trung, Phó chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Mai Phương, thành viên HĐQT.

Hai thành viên Ban kiểm soát cũng từ nhiệm vì lý do tương tự là bà Nguyễn Hương Nga, trưởng ban Ban kiểm soát và ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên Ban kiểm soát.

Đồng thời, OGC cũng thông báo miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lò Hồng Hiệp từ ngày 15/4, theo nguyện vọng cá nhân. Miễn nhiệm vị trí Người phụ trách quản trị công ty đối với bà Lê Thị Ánh Tuyết .

Song song đó, OGC đã bổ nhiệm bà Phạm Thị Hồng Nhung giữ chức vụ Tổng giám đốc - đại diện pháp luật của Công ty.

Được biết, trước đây, bà Nhung là Trưởng Ban kiểm soát tại Công ty cổ phần Fecon (FCN) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải Tedi. Bà đã nộp đơn từ nhiệm tại 2 công ty trên.

Diễn biến đáng chú ý khác là các lãnh đạo OGC cũng lần lượt bán hết cổ phần trước khi rút khỏi HĐQT, Ban kiểm soát. Cụ thể, ông Nguyễn Thành Trung đã bán 13,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,5% vốn OGC, bà Nguyễn Hương Nga và người thân bán hơn 14,5 triệu cổ phiếu, ông Hiệp cũng bán 3 triệu cổ phiếu.

Diễn biến này rất đáng chú ý, bởi chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là tới ĐHCĐ thường niên của OGC. Nhiều ý kiến trên thị trường cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy việc thay máu, đổi chủ đang diễn ra tại OGC.

Nhìn lại ĐHCĐ năm 2021, OGC cũng tổ chức bất thành 2 lần đầu khi số lượng cổ phần biểu quyết không đủ tỷ lệ, còn lần 2 thì chương trình họp không được cổ đông thông qua.

Trong khi đó, vào cuối năm 2020, nhóm cổ đông mới xuất hiện, chia sẻ với truyền thông đã sở hữu trên 51% tại OGC, đó là IDS Equity Holdings, công ty quản lý tài sản rủi ro và chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp bị định giá thấp tại Việt Nam được giới thiệu là đại diện cho các cổ đông này. Đồng thời, nhóm này cũng sở hữu 22,3% cổ phần tại công ty con là OCH.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ông Mai Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT OGC cho rằng, qua xác minh trong danh sách cổ đông do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cung cấp cho thấy IDS không sở hữu cổ phần của OGC. Còn trong thư IDS gửi có danh sách ủy quyền của nhóm cổ đông với khoảng 51% cổ phần, ngày chốt danh sách rải rác từ tháng 10 đến tháng 11/2020, không cùng một thời điểm. Điều này khiến Ban lãnh đạo OGC chưa xác minh được chính xác tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm nhà đầu tư ủy quyền cho IDS.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, trên danh sách cổ đông lớn của OGC cũng chưa xuất hiện tên tuổi IDS, mà cổ đông khác chiếm đến 95,5%. Trong khi đó, các cổ đông lớn ở hồi đầu năm cũng đã hạ tỷ lệ sở hữu tại cuối năm, như Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo tỷ lệ 5,33% giảm về 0%; ông Nguyễn Thành Trung từ 5% về 4,5%, Cục thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội đại diện sở hữu hơn 36 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,02% cũng về 0% cuối năm.

Hiện OGC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán 2021, và đã xin gia hạn lần 2. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo bán niên 2021, 100% OGC được nắm giữ bởi các cổ đông có tỷ lệ sở hữu dưới 5%, không có cổ đông lớn.

Theo tài liệu ĐHCĐ 2022, OGC có tờ trình đổi tên thành CTCP Tập đoàn OGC (OGC Group), đồng thời chuyển trụ sở từ số 4 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội về 138B Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Về kế hoạch kinh doanh, OGC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất tăng mạnh 80% lên gần 940 tỷ đồng (so với năm 2021 là 519 tỷ đồng), nhưng lãi giảm chỉ còn 18 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu OGC giai đoạn qua tăng mạnh từ khoảng 11.000 đồng lên đỉnh 20.500 đồng/cp ngày 5/4 trước khi điều chỉnh về mức quanh 16.000 đồng/cp hiện nay.

Tin bài liên quan