Động lực hạ nhiệt, giới đầu tư thận trọng xả hàng

Động lực hạ nhiệt, giới đầu tư thận trọng xả hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall quay đầu giảm điểm ngày thứ Ba (9/2) sau một phiên giao dịch khá hỗn loạn, khi động lực của thị trường trong những phiên vừa qua “nguội” bớt.

Đà tăng mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong liên tiếp 6 phiên gần đây gãy mạch vào thứ Ba. Giới phân tích nhận định, thị trường chứng khoán đang lặp lại giai đoạn 2009. 2010 và điều đó có nghĩa là một đợt điều chỉnh có thể sắp xảy ra.

Giới đầu tư phố Wall đang chờ đợi thêm các thông tin tích cực.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ tại Nhà Trắng để thảo luận về gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD và triển vọng sắp tới của nền kinh tế.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông dự định sẽ viện trợ 1.400 USD tiền mặt cho những hộ gia đình có thu nhập đến 75.000 USD/năm.

Ông Biden và các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội cũng đang chuẩn bị thúc đẩy một gói kích thích tài chính khác tại Thượng viện thông qua quy trình được gọi là điều chỉnh ngân sách, ngoài gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD.

Trong khi đó, Mỹ ghi nhận trung bình 111.190 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày trong tuần qua, giảm 36% so với mức trung bình hai tuần trước. Ghi nhận hôm 6/2 Có 80.055 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện Mỹ, mức thấp nhất kể từ ngày 18/11.

Về dữ liệu kinh tế, khảo sát hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ về tốc độ tạo việc làm và bỏ việc của lao động (JOLTS) cho thấy, cơ hội việc làm đã tăng lên 6,65 triệu trong tháng 12 từ mức 6,57 triệu một tháng trước đó. Trong khi đó, số lượng việc làm tuyển dụng thành công giảm gần 400.000 trong tháng, xuống còn 5,5 triệu.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Dow Jones giảm 9,93 điểm (-0,03%), xuống 31.375,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,36 điểm (-0,11%), xuống 3.911,23 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 20,06 điểm (+0,14%), lên 14.007,70 điểm.

Chứng khoán Châu Âu ảm đạm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba sau giai đoạn thị trường hưng phấn nhờ những kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu nhanh hơn và việc triển khai vắc-xin.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 8,03 điểm (+0,12%), lên 6.531,56 điểm. Chỉ số DAX tại giảm 48,11 điểm (-0,34%), xuống 14.011,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 5,51 điểm (+0,1%), lên 5.691,54 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Á phiên ngày thứ Ba đa số tăng điểm khi tâm lý lạc quan bao trùm thị trường nhờ động lực đến từ gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Kết thúc phiên 9/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 117,43 điểm (+0,40%), lên 29.505,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 71,04 điểm (+2,01%), lên 3.603,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 156,72 điểm (+0,53%), lên 29.476,19 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 6,57 điểm (-0,21%), xuống 3.084,67 điểm.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba do đồng USD suy yếu và hy vọng vào việc có thêm các gói kích thích tài chính tại Mỹ làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý.

Kết thúc phiên 9/2, giá vàng giao ngay tăng 7,40 USD (+0,40%), lên 1.837,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 tăng 3,20 USD (+0,17%), lên 1.836,20 USD/ounce.

Giá dầu kéo dài đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp, đạt mức cao nhất 13 tháng trong bối cảnh nhà đầu tư đặt cược rằng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong khi OPEC+ tiếp tục kiềm chế nguồn cung.

Theo dữ liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3, thời điểm trước khi đại dịch tấn công toàn bộ các thị trường, trong đó có dầu mỏ.

Chính phủ Mỹ hôm thứ Ba cũng hạ triển vọng sản xuất dầu thô năm 2021 xuống 11,02 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó là 11,1 triệu thùng/ngày.

Kết thúc phiên 9/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+0,7%), lên 58,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,53 USD (+0,9%), lên 61,06 USD/thùng.

Tin bài liên quan