Động lực tăng năng suất lao động

0:00 / 0:00
0:00
Nếu không có gì thay đổi, kể từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 200.000 - 280.000 đồng/tháng (tùy từng vùng) và là lần tăng lương thứ hai kể từ ngày 1/1/2020 đến nay, thay vì tăng đều hàng năm như trước đây.
Động lực tăng năng suất lao động

Như vậy, qua 2 lần tăng lương tối thiểu, thu nhập từ lương của người lao động sẽ tăng tổng cộng 12%, từ 380.000 đồng đến 540.000 đồng/tháng. Mức tăng này dù chưa đủ bù đắp lạm phát (tăng 13,66% tính đến đầu tháng 12/2023), nhưng trên 17,2 triệu lao động làm công ăn lương ở khu vực chính thức cũng cảm thấy ấm lòng.

Trước đây, mỗi lần tăng lương, Hội đồng Tiền lương quốc gia phải họp đi họp lại nhiều lần mới “chốt” được tỷ lệ tăng. Một trong những lý do chính là bởi, bên đại diện cho chủ sử dụng lao động (Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - VCCI) không muốn tăng lương tối thiểu hoặc đề xuất mức tăng rất thấp, trong khi đại diện cho người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) muốn tăng cao hơn.

Cũng bởi vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia thường phải nhóm họp nhiều lần trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, vì bên nào cũng có lý do xác đáng, lập luận có lý, có tình. Song lần này, mọi việc diễn ra suôn sẻ, bên nào cũng thấy phấn khởi với mức tăng 6%.

Người lao động cảm nhận rất rõ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì thế cũng thấy ấm lòng khi doanh nghiệp sẵn sàng chịu giảm lợi nhuận để tăng lương.

Mức tăng lương lần này chỉ 6%, song với những lĩnh vực thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, máy tính, điện thoại..., việc tăng lương tạo áp lực vô cùng lớn.

Lương tối thiểu vùng dự kiến tăng từ ngày 1/7/2024 không phải là lần tăng cuối cùng, mà có khả năng còn tăng tiếp, vì sau nhiều lần tăng, lương tối thiểu của Việt Nam mới bằng 82,3% Thái Lan; 81,3% Philippines; tương đương Campuchia; bằng 59,7% Trung Quốc... và vẫn thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực. Do vậy, ngoài tiền lương, doanh nghiệp có thể áp dụng chế độ tiền thưởng và các phúc lợi xã hội khác bằng tiền, vật chất, chế độ nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, từ đó giúp nâng cao hơn nữa năng suất lao động.

Vẫn biết, tăng lương sẽ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận, song giới chủ doanh nghiệp vui vẻ, bởi lạm phát đã tăng 13,66% và nếu không tăng lương, thì hàng loạt lao động có thể sẽ bỏ việc, chuyển sang khu vực kinh tế phi chính thức. Khi đó, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng do thiếu lao động. Thực trạng hàng triệu lao động trong ngành dệt may ở Bangladesh đình công tập thể dài ngày, bỏ việc do lương tối thiểu quá thấp, khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, sản xuất đình đốn, mất đơn hàng xuất khẩu có lẽ là bài học nhãn tiền, rất thời sự cho giới chủ doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nhưng được hưởng lợi nhiều nhất khi tăng lương tối thiểu chính là nền kinh tế, chứ không riêng gì đối tượng được thụ hưởng chính sách, bởi 2 trong số 8 nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động là tiền lương (tiền công, tiền thưởng) và nhu cầu tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, năng suất lao động lại chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Thực tế chứng minh, tiền lương, tiền công là yếu tố quan trọng, góp phần tạo động lực để người làm công nâng cao năng suất lao động. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, vì vậy, nỗ lực để tăng thu nhập từ tiền lương là yêu cầu hiển nhiên của mỗi lao động và tất yếu, việc tăng lương tối thiểu cũng nhằm tạo động lực giúp mỗi lao động phát huy tốt hơn năng lực của chính mình.

Việc đưa ra chính sách tiền lương tối thiểu phù hợp còn giúp tăng hiệu quả đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, Chính phủ có điều kiện tăng tích lũy, tăng đầu tư phát triển và nâng cao phúc lợi, an sinh xã hội cho người dân. Thu nhập của người lao động tăng nhờ tăng lương còn tác động tích cực tới cầu tiêu dùng nội địa, đến sản xuất, kinh doanh trong nước do tuyệt đại đa số người được tăng lương là người lao động có mức thu nhập từ trung bình trở xuống, nên chủ yếu sử dụng hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Tiêu dùng càng nhiều càng kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Về lâu dài, quyết định tăng lương tối thiểu ở mức phù hợp vừa giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, vừa giúp cải thiện năng suất lao động và là một trong những yếu tố góp phần đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.

Tin bài liên quan