Tập trung nâng cao năng suất lao động

0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đạt được tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) năm 2024 từ 4,8% đến 5,3% như Nghị quyết Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, cần phải tập trung đào tạo, đào tạo lại lao động.
TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Quốc hội đặt mục tiêu, năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD. Thưa bà, để đạt được mục tiêu này, cần phải tập trung vào điểm nào?

Để đạt được mục tiêu phát triển cho năm tới và những năm tiếp theo, cần thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó phải giải quyết được một trong 3 điểm nghẽn là chất lượng nguồn nhân lực thì mới có thể tăng được NSLĐ. Nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu cho năm tới là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%. Muốn phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thì phải có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, Quốc hội cũng đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm tới đạt khoảng 69%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 28,5%.

Trong thời đại kỷ nguyên số, NSLĐ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng NSLĐ là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Ý nghĩa của tăng NSLĐ đối với tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn, khi các yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, tài nguyên trở nên khan hiếm, nguồn lao động đang bị ảnh hưởng do xu thế già hóa dân số trong tương lai.

NSLĐ của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, nhưng thực tế ra sao?

Công cuộc đổi mới gần 40 năm qua đã đạt những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển; NSLĐ thấp và có khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực.

Dường như ở dưới địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tăng NSLĐ. Để phát triển kinh tế, bên cạnh khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế là đầu tàu dẫn dắt, thì vai trò của cụm công nghiệp do địa phương quản lý cũng rất quan trọng. Thế nhưng, mới đây chúng tôi liên hệ với Bộ Công thương để cập nhật số liệu lao động trong cụm công nghiệp thì chỉ nhận được thông tin rất sơ sài là hiện có tổng số 1.084 cụm công nghiệp do các địa phương quản lý, tỷ lệ lấp đầy vào khoảng 65%. Thông tin về số lượng lao động, trình độ, năng lực đào tạo thế nào thì hầu như không có.

Nhìn từ quản lý lao động ở các cụm công nghiệp, có thể thấy chất lượng nguồn nhân lực cụ thể thế nào chưa rõ, thưa bà?

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm bao giờ cũng đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó “ấn định” tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ và hầu như năm nào cũng đạt kế hoạch đặt ra. Nhưng thực tế thì sao?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng nhiều lần phát biểu, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đang giữ công nghệ nguồn, sản xuất máy móc, thiết bị hiện đại, điện tử, máy tính, chip bán dẫn... khi đến Việt Nam đều đánh giá rất cao môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách..., nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã “một đi không trở lại”, bởi chất lượng lao động, nhất là lao động trong lĩnh vực công nghệ cao không đáp ứng.

Đây là một thực tế, vì nhà đầu tư nước ngoài không thể vừa sản xuất, vừa đào tạo lao động. Chính vì vậy, để trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Là cơ quan thống kê quốc gia, Tổng cục Thống kê làm gì để góp phần tăng NSLĐ?

Cải thiện và thúc đẩy nâng cao NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, là điều kiện tiên quyết để đưa Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài. Để có thêm thông tin hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách nhằm nâng cao NSLĐ, Tổng cục Thống kê thực hiện Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp. Chúng tôi đã phân tích, đánh giá về thực trạng, các yếu tố ảnh hưởng và chuyển dịch NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020, đồng thời đề xuất các giải pháp chủ yếu nâng cao NSLĐ thời gian tới.

Ở Việt Nam, NSLĐ là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, được quy định trong Luật Thống kê, được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Một nền kinh tế có NSLĐ cao nghĩa là nền kinh tế có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào, hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn. Từ đó, đời sống của người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy và phát triển xã hội.

Đối với doanh nghiệp, tăng NSLĐ tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư để mở rộng sản xuất. Đối với người lao động, tăng NSLĐ dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Về lâu dài, tăng NSLĐ có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm cho người lao động. Đối với Chính phủ, tăng NSLĐ giúp tăng nguồn thu từ thuế, có điều kiện để tăng tích lũy, mở rộng phát triển sản xuất và nâng cao phúc lợi của nhân dân.

Thưa bà, nghiên cứu của Tổng cục Thống kê đã chỉ ra những điểm gì?

Muốn tăng được NSLĐ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhu cầu tiêu dùng của xã hội; vốn sản xuất; tiền lương, tiền công, tiền thưởng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thể chế, chính sách; cơ cấu sản xuất; các yếu tố gắn liền với điều kiện tự nhiên và chất lượng lao động. Trong đó, chất lượng lao động giữ vai trò then chốt, quyết định tăng trưởng NSLĐ.

Khoa học kỹ thuật, công nghệ càng phát triển, máy móc thiết bị càng hiện đại, đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng. Người lao động có trình độ học vấn cao có khả năng tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất. Nghiên cứu cho thấy, có một mối quan hệ tích cực giữa số năm đi học, đào tạo của người lao động với năng suất. Vì vậy, năm nào Quốc hội cũng coi lao động qua đào tạo là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng quan trọng là phải đào tạo thực, người được đào tạo phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải là số liệu báo cáo.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trong đó có nội dung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao NSLĐ, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải thiện và thúc đẩy nâng cao NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, là điều kiện tiên quyết để đưa Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài.

Tin bài liên quan