Dòng tiền chính là “cái van” tạo biến động

Những biến động trên thị trường sẽ chuyển động theo hình răng cưa dày hơn, do độ “lướt sóng” của NĐT ngắn hạn cao hơn.

Cũng như nhiều cuộc hội thảo của các CTCK đã tổ chức, hội thảo “Sóng và gió trên thị trường” do CTCP Chứng khoán HSC vừa tổ chức là cuộc gặp mặt của nhiều NĐT với CTCP Đầu tư La Ngà. Nhưng điều khác biệt dễ nhận thấy ở đây là, nếu như trước đây, diễn giả thường là các chuyên gia phân tích của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thì những diễn giả trong cuộc gặp gỡ này lại là những NĐT có nhiều năm kinh nghiệm. Có lẽ vì thế mà cuộc hội thảo trở nên cởi mở hơn, gần gũi hơn, trở thành diễn đàn của các NĐT trên sàn giao dịch.

Tại cuộc hội thảo này, không chỉ có người diễn thuyết và NĐT là những người nghe, người hỏi, mà các NĐT đã trở thành những diễn giả nói lên quan điểm đầu tư của mình. Qua đó, nhiều người tự vỡ ra nhiều vấn đề và học hỏi được khá nhiều từ những NĐT có kinh nghiệm đi trước. Thực tế, 10 năm phát triển của TTCK đã hình thành một tầng lớp NĐT vừa có kinh nghiệm lại vừa có chuyên môn. Không dễ gì một số chuyên gia phân tích trẻ tuổi có thể vượt qua được họ.

Các dự đoán về thị trường tại hội thảo cho thấy, có rất nhiều quan điểm khác biệt về thị trường, nhưng cơ sở đưa ra khá thuyết phục. Vì vậy, nhiều NĐT hiểu rằng, để đưa ra một quyết định mua bán cổ phiếu, tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK, không thể chỉ bằng cảm tính, mà phải có kiến thức và kinh nghiệm.

Theo quan điểm của Nhóm tư vấn đầu tư tài chính La Ngà thì dòng tiền chính là “cái van” để tạo ra những biến động trên TTCK. Dòng tiền mạnh thì thị trường sẽ tăng giá, dòng tiền yếu thì thị trường sẽ giảm giá.

Tăng trưởng tín dụng trong hoạt động của các ngân hàng luôn tỷ lệ thuận với sự luân chuyển của dòng tiền. Các chỉ số như GDP, CPI sẽ ảnh hưởng đến chính sách tín dụng của Nhà nước. Nếu lạm phát gia tăng thì dòng tiền sẽ giảm, do các ngân hàng thắt chặt tín dụng; dòng tiền vào thị trường bất động sản và TTCK sẽ giảm.

Nhóm đầu tư này dự báo, trong năm 2010, TTCK sẽ có 2 - 3 con sóng lớn và độ điều chỉnh vào khoảng 20 - 30%. Những biến động trên thị trường sẽ chuyển động theo hình răng cưa dày hơn, do độ “lướt sóng” của NĐT ngắn hạn cao hơn. Độ biến động của các sóng trung khoảng 15 - 20%. Nếu đầu tư dài hạn thì NĐT có thể yên tâm, từ nay đến cuối năm sẽ có kết quả khả quan.

Ngoài ra, có rất nhiều ý kiến về tình hình TTCK hiện nay của NĐT được nêu ra trong hội thảo, nhưng tựu trung có hai quan điểm. Một là, thị trường đang chuyển động theo quy luật cung cầu, thông tin không đóng vai trò quyết định, mà chỉ mang tính hỗ trợ cho những biến động trên thị trường.

Điều đó có nghĩa là, khi thị trường trong xu thế lên giá, những thông tin tốt sẽ làm cho giá cổ phiếu lên nhanh hơn, mạnh hơn. Nếu gặp mức điều chỉnh, giá cổ phiếu vẫn rớt như thường. Khi gặp thông tin xấu, giá cổ phiếu sẽ dừng lại hoặc tăng chậm, nhưng xu thế vẫn là đi lên.

Ngược lại, khi thị trường trong xu thế giảm thì giá cổ phiếu chỉ bị tác động trong một thời gian, sau đó sẽ lại chuyển động theo xu thế chung.

Theo một số nhận định, hiện có 70 - 80% là NĐT cá nhân, chỉ dùng đòn bẩy tài chính khi thị trường lên giá. Trong khi đó, lượng tiền đầu tư gián tiếp của các tổ chức đầu tư nước ngoài trên TTCK chiếm khoảng 15 - 20% trong tổng lưu lượng tiền trung bình. Trong bối cảnh hiện nay, chính sách tín dụng của Nhà nước đối với các ngân hàng không ảnh hưởng nhiều đến lực cầu trên TTCK, không phải là yếu tố quyết định cho xu thế chính trên thị trường.

Quy luật chung trên TTCK Việt Nam vẫn là cung cầu, khi thị trường tăng thì tiền đổ vào, khi thị trường giảm thì tiền bị rút ra. Do đó, không ai có thể tính được lượng tiền luân chuyển trung bình trên thị trường một cách chính xác và không ai có thể đoán được đỉnh và đáy trên thị trường.

Quan điểm thứ hai là, thị trường biến động không chỉ phụ thuộc vào thông tin, vào quy luật cung cầu, mà còn phụ thuộc vào hành vi giao dịch nội gián, hành vi thao túng thị trường của các tổ chức...

Nếu cơ quan quản lý không tạo dựng một hệ thống pháp lý minh bạch, công bằng về thông tin, về giao dịch, phương thức thanh toán… thì nhiều NĐT nhỏ lẻ có nguy cơ chịu tổn thất cao mà không phải do quyết định của họ mang lại.