Dự án của Sun Group tại Bà Rịa - Vũng Tàu được tiếp thị tới từng khách hàng ở các quán cà phê. Ảnh: Lê Toàn.

Dự án của Sun Group tại Bà Rịa - Vũng Tàu được tiếp thị tới từng khách hàng ở các quán cà phê. Ảnh: Lê Toàn.

Dòng tiền len lỏi đón lõng hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không quá ồn ào, dòng tiền khắp nơi đang len lỏi chảy vào các dự án bất động sản tốt, các khu vực tiềm năng. Đặc biệt, sự đột phá của hạ tầng kết nối dự báo sẽ có những đợt “sóng” lớn đổ về thị trường địa ốc phía Nam.

Bung hàng trước giờ “G”

Sau thời gian “chạy đua” hoàn thiện thủ tục, tiến độ đầu tư, hàng loạt dự án bất động sản khu vực phía Nam bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường.

Cuối tuần qua, Sun Group chính thức “ráp cọc” sản phẩm dự án Blanca City Vũng Tàu. Đây là dự án khu đô thị nghỉ dưỡng biển quy mô lớn nhất tại trung tâm TP. Vũng Tàu, thu hút hàng trăm sàn giao dịch bất động sản trong Nam ngoài Bắc tham gia bán hàng.

Với giá bán trung bình từ 94 triệu đồng/m2 căn hộ biển, theo thông tin từ các đơn vị môi giới, dự án ghi nhận lượng đăng ký đặt mua lớn ngay trong ngày đầu tiên công bố sản phẩm.

Cũng trong tuần qua, Công ty Bất động sản DKRS và các sàn giao dịch liên kết mở bán sản phẩm dự án căn hộ Fiato Airport City. Với giá bán trung bình 39 triệu đồng/m2, dự án nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường nhờ mức giá cạnh tranh, lại có vị trí liền kề sân bay Long Thành và tọa lạc ngay mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, một trong những tuyến đường quan trọng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Dự kiến, dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2026.

Cũng tại Đồng Nai, dự án căn hộ Fresia Riverside Tân Vạn của Công ty cổ phần Địa ốc Tân Vạn (TV Holdings) đang lên kế hoạch bán hàng từ đầu tháng 7 tới...

Tại TP.HCM, Tập đoàn Đất Xanh dự kiến ngày 10/7/2025 sẽ tiến hành “ráp căn” dự án The Privé ở TP. Thủ Đức với giá bán dự kiến khoảng 120 triệu đồng/m2. Dự án có quy mô 6,7 ha, cung cấp 3.175 sản phẩm căn hộ, duplex, penthouse, trước đó từng mang tên là Gem Riverside có giá bán trung bình chỉ từ 38 triệu đồng/m2.

Một dự án căn hộ khác tại Thủ Đức quy mô 507 sản phẩm là Happy One Sora do Vạn Xuân Group làm chủ đầu tư đang được chào bán với giá từ 50 triệu đồng/m2.

Hay tại Bình Dương, Tập đoàn Bcons đã bắt tay với Tân Đông Hiệp giới thiệu ra thị trường dự án Bcons Solary (TP. Dĩ An) quy mô gần 2 ha, cung cấp ra thị trường 1.812 căn hộ để ở và 850 căn hộ dịch vụ. Mức giá dự kiến của dự án từ 31 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng cho một căn hộ 2 phòng ngủ.

Ngoài ra, nguồn cung bất động sản phía Nam còn đến từ nhiều dự án khác như The Gió Riverside (Bình Dương), Lan Anh Avenue (Bình Dương), Eco Retreat Long An (Long An)…

Khảo sát của Công ty Bất động sản SG Holdings cho thấy, chỉ từ giữa tháng 6/2025 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận khoảng 10 dự án bất động sản tung sản phẩm ra thị trường, trong đó nhiều dự án có quy mô nguồn cung lên đến hàng ngàn sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Sang - Tổng giám đốc SG Holdings đánh giá, việc nhiều dự án tung sản phẩm ra thị trường cùng thời điểm khiến sự cạnh tranh càng tăng cao.

“Hiện là thời điểm chín muồi để các dự án ra hàng, cạnh tranh thị phần trong bối cảnh sức cầu còn hạn chế. Lợi thế trước tiên nghiêng về các nhà phát triển dự án có uy tín và thương hiệu tốt trên thị trường, kế đến là vị trí sản phẩm, giá cả và phương thức thanh toán”, ông Sang nói và cho rằng, đây là giai đoạn giao thời của thị trường nên rất khó đoán định. Song, có một thực tế là dù nguồn cung gia tăng nhưng giá bán không giảm, mà đều có xu hướng đi lên.

Kỳ vọng từ những động lực mới

Từ ngày 1/7/2025, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức được sáp nhập. Với nhiều thay đổi tích cực, đặc biệt là sự phát triển mang tính đột phá của hạ tầng kết nối - yếu tố liên quan mật thiết với thị trường bất động sản, sẽ tạo ra nhiều động lực mới cho các vùng miền trong thời gian tới.

Sân bay Quốc tế Long Thành đang trong giai đoạn tăng tốc đầu tư xây dựng, kế hoạch trong năm 2026 sẽ chính thức đưa vào sử dụng…, tất cả đều mở ra cơ hội hội mới cho mục tiêu phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam nói chung và thị trường bất động sản khu vực này nói riêng.

Sau thời gian dài chờ đợi, ngày 29/6/2025, tỉnh Lâm Đồng chính thức khởi công xây dựng dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Đà Lạt, kết nối liên vùng từ TP.HCM với Đồng Nai và Lâm Đồng. Đây là tuyến đường được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới mà giới đầu tư trông đợi nhiều năm qua, sẽ đánh thức vùng đất nhiều tiềm năng Tây Nguyên đang “ngủ quên”.

Ông Nguyễn Quang Minh - Giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Lâm Đồng cho biết, trong vài tháng trở lại đây, nhất là là sau khi có thông tin chính thức khởi công dự án cao tốc, giao dịch bất động sản tại nhiều khu vực như Đà Lạt, Bảo Lộc hay Bảo Lâm… đã tăng lên thấy rõ và giá cũng bắt đầu nhích lên. Tuy nhiên, động thái đáng chú ý là nhiều chủ đất có dấu hiệu “quay xe” không muốn bán sản phẩm, dù trước đó không lâu liên tục chào bán ra thị trường.

Về phía doanh nghiệp, trải qua giai đoạn khó khăn, thanh lọc kéo dài, thị trường bất động sản bắt đầu định hình, nhiều chủ đầu tư đã vượt qua cơn bĩ cực, từng bước cơ cấu lại hoạt động để quay trở lại thị trường.

Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét và chấp thuận được tiếp tục nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch chi tiết, sau đó thực hiện đầu tư dự án.

Trước đó, năm 2021, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã được tỉnh giao nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch khu du lịch, phim trường, đô thị... trên diện tích hơn 4.300 ha tại xã Xuân Thọ.

Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh đề xuất triển khai nghiên cứu ý tưởng tổng thể toàn bộ khu vực rộng 5.985 ha từng được chấp thuận khảo sát trước đó tại Lâm Đồng để phát triển thành khu đô thị du lịch đa chức năng…

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2025-2026 được xác định là thời điểm về đích của nhiều công trình kết nối hạ tầng phía Nam. Từ TP.HCM có thể thấy chiến lược kết nối mạng lưới giao thông được phủ kín, từ việc khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối với Tây Ninh, xây dựng cao tốc TP.HCM - Chơn Thành kết nối với Bình Phước, cho đến cao tốc TP.HCM - Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Đà Lạt kết nối với Đồng Nai và Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, TP.HCM gấp rút đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3, thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4. Đồng thời, mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thiện thông xe cao tốc Bến Lức - Long Thành, hoàn chỉnh một số khu vực trung tâm TP.HCM kết nối với các vùng miền hay các dự án đường sắt nối TP.HCM với các địa phương phía Nam…

Đặc biệt là sân bay Quốc tế Long Thành đang trong giai đoạn tăng tốc đầu tư xây dựng, kế hoạch trong năm 2026 sẽ chính thức đưa vào sử dụng…, tất cả đều mở ra cơ hội hội mới cho mục tiêu phát triển kinh tế các tỉnh phía Nam nói chung và thị trường bất động sản khu vực này nói riêng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, dù thị trường còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng trong mắt giới đầu tư, bất động sản luôn là kênh tích lũy tài sản được ưa chuộng, vấn đề chỉ là chọn thời điểm phù hợp.

“Gần đây, dòng tiền từ các nhà đầu tư phía Bắc đổ vào thị trường bất động sản phía Nam ngày một rõ nét, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường là rất lớn”, ông Sang nói và cho rằng, thị trường đang tích tụ nhiều yếu tố thuận lợi, từ câu chuyện phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối, tới các chính sách về đất đai ngày càng hoàn thiện, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản ngày càng trở nên minh bạch..., những yếu tố này sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Tin bài liên quan