Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán một phần là do tâm lý sợ bị “nhỡ tàu”.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán một phần là do tâm lý sợ bị “nhỡ tàu”.

Dòng tiền tự tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền trên thị trường chứng khoán trở nên chủ động hơn khi tâm lý nhà đầu tư đã tự tin trở lại, giúp VN-Index duy trì đà hồi phục.

“Chợ” lại đông vui

Thị trường chứng khoán trong 3 tháng qua có diễn biến giao dịch sôi động, hiện tại vẫn đang ghi nhận sự chủ động của dòng tiền, giúp VN-Index hồi phục từ vùng 1.040 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE nhận xét, các nhà đầu tư đang trong giai đoạn hưng phấn khi đón nhận những thông tin tích cực về nền kinh tế, trong đó tiêu điểm là Chính phủ chỉ đạo về việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 1,5 - 2%/năm, đồng thời giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% trong năm nay theo Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 8/7/2023.

Theo bà Linh, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm từ cuối quý I/2023 đến nay, khiến gửi tiết kiệm dần trở thành một kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn so với một số kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Thị trường bất động sản đòi hỏi vốn đầu tư lớn và mới manh nha hồi phục, vẫn còn không ít khó khăn, nên kênh đầu tư chứng khoán là lựa chọn phù hợp hơn, thu hút được nhiều dòng tiền nhàn rỗi.

Tính riêng tháng 6/2023, thanh khoản bình quân trên thị trường chứng khoán đạt 19.829 tỷ đồng/phiên, tăng 27,2% so với tháng 5 và tăng 64,8% so với tháng 1. Sang tháng 7, thanh khoản duy trì ở mức cao và VN-Index tiếp tục tăng điểm, không điều chỉnh như một số ý kiến lo ngại trước đó.

Ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock nhìn nhận, lãi suất tiết kiệm giảm giúp dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Việc thị trường khởi sắc trở lại giúp nhà đầu tư tin tưởng, an tâm hơn, từ đó bỏ tiền nhiều hơn vào kênh đầu tư chứng khoán.

“Qua tiếp xúc tôi nhận thấy niềm tin đã trở lại với các nhà đầu tư, họ bớt bi quan, sẵn sàng tham gia và đang tìm kiếm cơ hội từ thị trường. Tiền rẻ cũng là động lực khiến dòng tiền tìm về chứng khoán nhiều hơn”, ông Chương nói và cho biết, thị trường hiện tại có nhiều nét giống giai đoạn 2020 - 2021, trong đó đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư mới. Các nhà đầu tư tham gia thị trường từ trước cũng nạp thêm tiền vào tài khoản và thực hiện giải ngân.

Tiền sẽ tiếp tục chảy vào kênh chứng khoán

Theo Công ty Chứng khoán AIS, các quyết định giảm lãi suất điều hành cũng như giảm mức trần lãi suất huy động tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước đã mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường, khiến một lượng tiền lớn dịch chuyển từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán.

Thêm vào đó, động thái thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lan tỏa trên thị trường. Dữ liệu của Kho bạc Nhà nước cho thấy, giá trị giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng hơn 60.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

VN-Index liên tục vượt các ngưỡng kháng cự, giúp thu hút cả dòng tiền đầu cơ ngắn hạn cũng như dòng tiền đầu tư, tích lũy dài hạn.

Bình luận về diễn biến thị trường chứng khoán, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS cho rằng, thị trường đang vận động theo chiều hướng tích cực và VN-Index liên tục vượt các ngưỡng kháng cự, giúp thu hút cả dòng tiền đầu cơ ngắn hạn cũng như dòng tiền đầu tư, tích lũy dài hạn.

Tuy nhiên, dòng tiền từ đầu năm 2023 đến nay duy trì trạng thái phân hóa và liên tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Trong đó, kể từ tháng 6, lực cầu hướng đến nhóm cổ phiếu blue-chip, vốn hóa lớn, tập trung vào một số mã có khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý II cũng như nửa cuối năm như HPG, VCB, STB, BID, VNM.

Ngoài ra, dòng tiền đầu cơ vẫn được đẩy mạnh ở một số nhóm cổ phiếu có độ nhạy giá cao và có thông tin hỗ trợ như chứng khoán, hóa chất, bán lẻ, dầu khí.

“Chúng tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục hướng tới nhóm vốn hóa lớn trong quý III khi nhiều cổ phiếu đang cho kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực. Các quỹ ETF có xu hướng đẩy mạnh mua ròng trở lại sẽ giúp nhóm này giao dịch sôi động hơn”, ông Kiên nhấn mạnh.

Về câu chuyện tài khoản mở mới, ông Kiên cho biết, trong tháng 6/2023, toàn thị trường có thêm gần 146.000 tài khoản chứng khoán cá nhân trong nước, tăng khoảng 45% so với tháng 5 và là mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội tăng mạnh sau nhiều tháng sụt giảm, cho thấy tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện tích cực, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ với 4 lần hạ lãi suất điều hành kể từ giữa tháng 3/2023.

Ở một góc nhìn khác khi quan sát diễn biến thị trường, ông Đỗ Nam Khoa, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, dòng tiền cá nhân gần đây chảy mạnh vào thị trường chứng khoán không chỉ bởi tác động của lãi suất giảm, mà còn đến từ tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) của nhiều nhà đầu tư.

Theo ông Khoa, thị trường chứng khoán có đặc điểm là khi giá vốn thấp thì ít nhà đầu tư quan tâm. Lúc thị trường sôi động trở lại, tiền sẽ chảy mạnh vào, nhưng đa phần là do tâm lý sợ bị “nhỡ tàu”. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư bị cuốn theo đám đông, tranh mua khi giá cao và hững hờ khi giá thấp.

Ông Khoa dự báo, vĩ mô chưa thể tốt ngay được, nền kinh tế có thể cần vài năm để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Điều này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán. Nhưng với các nhà đầu tư dài hạn, hiện tại vẫn có nhiều cổ phiếu hấp dẫn để giải ngân, nhất là các cổ phiếu bluechip.

Còn theo bà Linh, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư lúc này cần có sự tinh tế, đặc biệt trong giai đoạn thị trường bước vào mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II, các yếu tố nội tại của doanh nghiệp về khả năng tăng trưởng, hấp thụ vốn, phục hồi… sẽ được phản ánh, dẫn đến tình trạng phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu rõ nét hơn. Điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán đó là tín dụng còn nhiều dư địa tăng trưởng và các doanh nghiệp khi tận dụng được điều này sẽ là bước đệm quan trọng để nền kinh tế khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023, củng cố nền tảng cho thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan