Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô: Ai đã chôn vùi những “bí ẩn”? (Bài 2): Hợp thức hóa đất lấn biển trái phép

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi Công ty Hoàn Cầu lấn biển trái phép với diện tích 11,6 ha, UBND tỉnh Khánh Hòa đã hợp thức hóa diện tích đất này vào dự án.
Khu du lịch và giải trí Sông Lô sẽ tiếp tục bị cơ quan chức năng “bóc mẽ” nhiều vấn đề liên quan. Ảnh: Phước Tín

Khu du lịch và giải trí Sông Lô sẽ tiếp tục bị cơ quan chức năng “bóc mẽ” nhiều vấn đề liên quan. Ảnh: Phước Tín

Ít có dự án nào tại Việt Nam mà những vướng mắc, tồn tại khiến nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương mất đến… 2 thập kỷ xử lý vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, như Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Điều khó hiểu và trăn trở nhất là “sự thật” tại dự án này sáng - tối đan xen, khiến người dân thêm hoài nghi, bất bình.

Bài 2: Hợp thức hóa đất lấn biển trái phép

11,6 ha lấn biển đã được hợp thức hóa ra sao?

Ngày 20/4/2022, Thanh tra Chính phủ có Báo cáo số 541/BC-TTCP về kết quả kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tại xã Phước Đồng (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) theo chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vào ngày 15/6/2020.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2004 đến năm 2010, Công ty Hoàn Cầu đã lấn biển 11,6 ha.

UBND tỉnh Khánh Hòa hợp thức hóa thành đất dự án và cho Công ty Hoàn Cầu thuê 40.305,6 m2 đất, Công ty Vịnh Kim Cương thuê 26.890,5 m2 đất, thu tiền thuê đất thay cho việc thuê mặt biển; còn lại 48.873,9 m2 đất lấn biển thuộc phân khu công viên và sân tập golf, Công ty Hoàn Cầu sử dụng từ năm 2010 đến nay chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo mục đích sử dụng.

“Công dân phản ánh, việc UBND tỉnh Khánh Hòa hợp thức hóa cho Công ty Hoàn Cầu diện tích lấn biển cần phải được xem xét, rà soát kỹ nội dung này”, Thanh tra Chính phủ nêu.

Đáng chú ý, trên diện tích mặt biển được thuê theo Quyết định số 3635/QĐ-UB ngày 23/10/2002, Công ty Hoàn Cầu có văn bản xin lập dự án đầu tư Khu đô thị cao cấp với diện tích khoảng 80 ha.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa tại Văn bản số 347-BC/VPTU ngày 4/6/2010, UBND tỉnh có Văn bản số 3209/UBND ngày 25/6/2010 cho phép Công ty Hoàn Cầu lập quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000).

Ngày 17/12/2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3259/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) và Quyết định số 1980/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 phê duyệt Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500). Trong đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm trong ranh giới mặt nước, thuộc Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Văn bản số 4399/UBND-XDNĐ ngày 23/6/2016 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị cao cấp Diamond Bay - Nha Trang và Văn bản số 1237/UBND-XDNĐ ngày 15/7/2017 về việc chấp thuận Công ty Hoàn Cầu là chủ đầu tư Dự án. Tuy nhiên, ngày 10/8/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa bất ngờ ban hành Quyết định số 2282/QĐ-UBND về việc bãi bỏ 2 văn bản nêu trên. Việc bãi bỏ này chưa rõ nguyên nhân, nên để lại những “bí ẩn” khó hiểu.

Về thông tin thời điểm đo đạc, kiểm tra, phê duyệt trên 7 tờ bản đồ địa chính, Thanh tra Chính phủ cho rằng, thông tin về thời điểm đo đạc không bị sửa chữa, tại phần ngày đo đã ghi rõ là 10/1999 (tháng 10/1999).

Thông tin về thời điểm kiểm tra và phê duyệt, phát hành 7 tờ bản đồ trích đo địa chính có số hiệu từ số 24/2001/BĐ.ĐC đến số 30/2001/BĐ.ĐC là ngày 17/1/2001 và ngày 30/1/2001.

“Việc sửa số 1 lên số 0 trên các tờ bản đồ là sai sót trong quá trình phát hành bản đồ của Sở Địa chính. Tuy nhiên, việc sửa chữa như trên không làm thay đổi nội dung, chất lượng của bản đồ, không có căn cứ để cho rằng, đây là hành vi cung cấp tài liệu giả của Sở Địa chính”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

“Ngâm” xử lý vụ 23 quan chức được cấp đất tái định cư trái quy định

Đáng chú ý, một số nội dung trước đây đã được Thanh tra Chính phủ thống nhất với UBND tỉnh Khánh Hòa, hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Đơn cử, việc giao đất tái định cư cho 23 trường hợp là cán bộ không đủ tiêu chuẩn cấp đất tái định cư, Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm và 2 lần kiến nghị tại Báo cáo kết quả thanh tra số 1742/TTCP ngày 23/9/2005 và Báo cáo kết quả thanh tra số 489/BC-TTCP ngày 3/3/2006, nhưng đến nay chưa hoàn thành việc xử lý.

Thanh tra Chính phủ cho biết, đối với việc xem xét, giải quyết các nội dung phản ánh, kiến nghị khác liên quan chủ yếu đến công tác quản lý nhà nước về đất đai của chính quyền địa phương và việc sử dụng đất của Công ty Hoàn Cầu, như cho thuê mặt biển và xử lý lấn biển, cho thuê bổ sung 10,0546 ha đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất - kinh doanh sang đất ở không hình thành đơn vị ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc Công ty Hoàn Cầu sang nhượng với các hộ dân đất rừng phòng hộ khu vực xung quanh dự án… thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan chuyên môn của tỉnh này.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2013 đến năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 44,1396 ha đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở. Trong đó, 38,6246 ha đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 1.854 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở cho nhà đầu tư.

“Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở không có trong quy định của Luật Đất đai, nội dung phản ánh của công dân là có cơ sở”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Về Biên bản giao đất, được xác lập ngày 9/4/2001, Thanh tra Chính phủ cho biết, thực hiện Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Địa chính tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo tiến hành bàn giao đất cho Công ty Hoàn Cầu để triển khai xây dựng dự án theo quy định.

Do thực tế toàn bộ ranh giới và các điểm mốc giới dự kiến thu hồi và giao đất do UBND tỉnh Khánh Hòa trình đã được Tổng cục Địa chính thẩm định, Thủ tướng Chính phủ quyết định, không có sự thay đổi theo hồ sơ trình. Vì vậy, ngày 9/4/2001, Sở Địa chính tiến hành giao đất trên cơ sở các mốc đã cắm và bản đồ đã được xác lập năm 2000.

Tuy nhiên, khi lập biên bản, đại diện Sở Địa chính không ghi bàn giao theo sơ đồ, bản đồ nào và sau đó đã ghi bổ sung Bản đồ cắm mốc ranh giới sử dụng đất (theo Quyết định 252/QĐ-TTg, ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ), được Giám đốc Sở Địa chính ký ngày 17/1/2002.

Mặc dù qua kiểm tra, Bản đồ cắm mốc ranh giới sử dụng đất theo Quyết định 252/QĐ-TTg ngày 9/3/2001 cho thấy, mốc giới và ranh giới điều thống nhất, nhưng việc làm trên dẫn đến mâu thuẫn giữa các mốc thời gian xác lập biên bản và căn cứ lập biên bản, là nguyên nhân gây hoài nghi, bức xúc cho người dân. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân có liên quan.

Vì sao Thanh tra Chính phủ phải tiếp tục “làm việc”?

Ngày 15/6/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra, rà soát các phản ánh, kiến nghị của một số người dân tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Theo đó, văn bản cho biết, ngày 3/6/2020, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, do Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu làm chủ đầu tư.

Về việc này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, rà soát về những nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô để có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và có văn bản báo cáo kết quả giải quyết gửi ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 3/6/2020, ông Lưu Bình Nhưỡng dẫn phản ánh của người dân cho rằng, UBND tỉnh Khánh Hòa có sai phạm trong việc thu hồi đất, vì đã không ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ dân; quá trình thu hồi đất đai của rất nhiều hộ dân đã không đảm bảo căn cứ, cơ sở pháp lý căn bản, trong đó không công khai bản đồ quy hoạch dự án, từ đó dẫn đến sự tùy tiện, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; một số tài liệu có liên quan đến khu đất dự án có dấu hiệu bị giả mạo, trong đó có 7 tờ bản đồ đã bị sửa chữa tên và ngày xác lập; trong quá trình triển khai dự án làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân, nhưng chính quyền các cấp không tổ chức họp dân, giả mạo biên bản họp dân để làm thủ tục thu hồi đất.

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất do không rõ vị trí, mốc giới, ranh giới từng hộ dân, đất công cộng xen kẽ... với diện tích đất rất lớn (80.134m2), nhiều diện tích đất do UBND tỉnh cho Công ty Hoàn Cầu thuê không được tính thuế là vi phạm pháp luật...

Sau khi Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 541/BC-TTCP ngày 20/4/2022 về kết quả kiểm tra, rà soát nội dung phản ánh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô, thì ngày 29/4/2022, ông Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục có văn bản phản biện quyết liệt. Ông cho rằng, còn nhiều nội dung của Dự án cần tiếp tục làm rõ.

Đến ngày 2/6/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3425/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan làm rõ nội dung kiến nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng tại văn bản đề nghị (ghi ngày 29/4/2022) liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô để thống nhất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7/2022.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan