Khu du lịch và giải trí Sông Lô vừa sử dụng, vừa bỏ hoang nhiều diện tích. Ảnh: N.B

Khu du lịch và giải trí Sông Lô vừa sử dụng, vừa bỏ hoang nhiều diện tích. Ảnh: N.B

Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô: Ai đã chôn vùi những “bí ẩn”? (Bài 1): Chuyển đổi trái quy định hơn 25 ha đất

0:00 / 0:00
0:00
Là thành viên của Hội đồng Bồi thường và Giải tỏa, nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND xã Phước Đồng đã “không rõ”, “không nắm rõ” hoặc “không xác định được” nhiều vấn đề tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Lời Tòa soạn: Ít có dự án nào tại Việt Nam mà những vướng mắc, tồn tại khiến nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương mất đến… 2 thập kỷ xử lý vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng, như Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Điều khó hiểu và trăn trở nhất là “sự thật” tại dự án này sáng - tối đan xen, khiến người dân thêm hoài nghi, bất bình.

Bài 1: Chuyển đổi trái quy định hơn 25 ha đất

Là thành viên của Hội đồng Bồi thường và Giải tỏa, nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND xã Phước Đồng đã “không rõ”, “không nắm rõ” hoặc “không xác định được” nhiều vấn đề tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Sai phạm lắm, khiếu kiện nhiều

Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô (còn gọi là Khu du lịch Diamond Bay Resort & Spa Nha Trang) được giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu của gia đình cố đại gia Trần Thị Hường (hay còn gọi Tư Hường) vào năm 2003, với diện tích hơn 180 ha. Dự án này có 186 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, với tổng diện tích thu hồi là 1.800.282 m2.

Từ tháng 5/2001 đến tháng 12/2001, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 28/5/2001, Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 31/5/2001, Quyết định số 2715/QĐ-UBND ngày 7/8/2001 quy định giá đất, nguyên tắc đền bù, hỗ trợ của Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

Ngày 21/5/2002, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 77/2002/QĐ-UBND về việc ban hành bản quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Sau đó, UBND tỉnh này tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chính sách đền bù, hỗ trợ bằng cách ra Thông báo kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh hoặc phê duyệt các Tờ trình của Sở Tài chính và UBND TP. Nha Trang.

Đối với đất ở, tỉnh Khánh Hòa áp dụng đơn giá bồi thường 120.000 đồng/m2 với những hộ nằm 2 bên trục đường chính và 100.000 đồng/m2 những hộ còn lại.

Đất vườn liền nhà (trồng cây ăn trái) là 5.500 đồng/m2. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh chỉ tính 200 m2 đất ở/hộ theo đơn giá trên, số diện tích còn lại được chia làm 2 dạng đền bù: từ 800 - 1.000 m2 giá 11.000 đồng, ngoài diện tích trên đền bù theo đất nông nghiệp.

Riêng đất đìa nuôi trồng thủy sản, không hiểu vì lý do gì, lại không được UBND tỉnh Khánh Hòa quy định tại Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 31/5/2001, mà sau đó, UBND tỉnh bổ sung đền bù, hỗ trợ theo 3 dạng: đền bù 100%; hỗ trợ 50%; hỗ trợ 30% giá trị xây dựng đìa và giá trị đất nuôi trồng thủy sản.

Còn đất trồng cây hàng năm, mặt nước nuôi trồng thủy sản có 3 hạng, gồm hạng 4 đơn giá 4.200 đồng/m2; hạng 5 đơn giá 2.700 đồng/m2, hạng 6 đơn giá 1.200 đồng/m2. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa lại điều chỉnh tăng đất hạng 5 lên 3.200 đồng/m2.

Trong khi đó, đất lâm nghiệp có 2 hạng, gồm hạng 4, đơn giá 1.250 đồng/m2; hạng 5, đơn giá 1.050 đồng/m2. Sau đó, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều chỉnh tăng đất hạng 4 lên 2.000 đồng/m2 và 4.200 đồng/m2.

Chưa bàn về tính pháp lý của việc điều chỉnh, bổ sung kể trên, mức giá bồi thường của các loại đất mà tỉnh Khánh Hòa áp dụng đối với Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô quá… bèo bọt.

Trong khi đó, giá cho thuê đối với diện tích 1.227.494 m2 đất mà cuối năm 2001, UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty Hoàn Cầu thuê thấp đến khó tin, với chỉ… 210 đồng/m2/năm.

Sau khi được giao đất, Công ty TNHH Hoàn Cầu vừa “xài”, vừa bỏ hoang một lượng lớn công trình, hạng mục, phòng ốc; còn người dân có đất bị thu hồi thì liên tục khiếu nại nhiều cấp, vượt cấp.

Đơn khiếu nại, hồ sơ “đính kèm” về Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô kéo dài 2 thập kỷ, lên đến vài chục kilôgam. Chủ đề chính là các dấu hiệu sai phạm về thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng đất của chủ đầu tư…

Vấn đề đầu tiên phải kể đến là, dù không có trong quy định của Luật Đất đai, nhưng tháng 7/2015, UBND tỉnh này vẫn ra quyết định cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang được chuyển 254.714 m2 (25,47 ha) đất sản xuất - kinh doanh tại Dự án sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”.

Ngày 22/4/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 106/1999/QĐ-TTg công nhận TP. Nha Trang là đô thị loại II. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, vì sao UBND tỉnh Khánh Hòa lại áp dụng khung giá đền bù Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô theo Quyết định 5064/QĐ-UB ngày 29/9/1997 về giá các loại đất ở tại tỉnh Khánh Hòa khi Nha Trang là đô thị loại III?

Vào ngày 7/3/2006, Thanh tra Chính phủ từng có kết luận: “Đối tượng bị thu hồi đất không được nhận quyết định và nội dung quyết định cũng không nêu danh sách kèm theo. Sau đó, các cơ quan thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa cũng không ban hành quyết định thu hồi đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất...”.

“Không rõ”, “không xác định được”…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vào ngày 15/6/2020, Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô.

“Không rõ”, “không nắm rõ” hoặc “không xác định được” là những câu trả lời của UBND xã Phước Đồng, TP. Nha Trang gửi Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ về nhiều vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất để triển khai Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô vào năm 2020.

Theo UBND xã Phước Đồng, hồ sơ từng trường hợp bị thu hồi đất thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô trước đây được người dân kê khai và nộp cho Hội đồng Bồi thường và Giải phóng mặt bằng Dự án.

“Hiện UBND xã Phước Đồng không có hồ sơ lưu tại xã. Việc lưu trữ và bàn giao hồ sơ các hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi thực hiện Dự án trước đây như thế nào, UBND xã hiện không rõ”, ông Bùi Cao Pháp, Phó chủ tịch UBND xã Phước Đồng trả lời.

Về việc tổ chức họp dân, bầu người đại diện tham gia hội đồng và tổ công tác, UBND xã Phước Đồng phúc đáp rằng, qua rà soát hồ sơ lưu tại địa phương, do thời gian triển khai dự án đã lâu (từ năm 2001), qua nhiều thời kỳ, công tác lưu trữ và bàn giao hồ sơ dự án theo quy định trước đây như thế nào thì UBND xã hiện tại không nắm rõ. “Hiện tại, hồ sơ Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô lưu tại địa phương không đầy đủ”, ông Pháp thông tin.

Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô trước đây do Hội đồng Bồi thường và Giải tỏa dự án này thực hiện. UBND xã Phước Đồng cho biết, cơ quan này chỉ là thành viên phối hợp triển khai.

“Về trình tự, thủ tục triển khai công tác bồi thường giải tỏa thực hiện theo quy định tại thời điểm triển khai Dự án trước đây như thế nào thì UBND xã Phước Đồng hiện nay không nắm rõ”, ông Pháp cho hay.

Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ lưu trữ liên quan đến Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tại địa phương, hiện tại vẫn còn có một số tài liệu. Tuy nhiên, UBND xã Phước Đồng cho rằng, do trong các văn bản không ghi rõ việc bầu người đại diện, nên hiện tại, UBND xã Phước Đồng không tìm thấy biên bản họp của các cuộc họp (nói trên). Vì vậy, UBND xã Phước Đồng hiện tại không xác định được việc tổ chức họp dân để bầu người đại diện tham gia Ban Bồi thường giải tỏa Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô tại thời điểm năm 2001 có tổ chức hay không.

Ngược thời gian, ngày 24/12/2019, sau khi thực hiện giám sát theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hà (người có đất bị thu hồi tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, các cơ quan tham gia giải quyết (gồm UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ) chưa làm rõ vị trí, mốc giới và diện tích thu hồi đất của Dự án.

Trong khi đó, tiếp người dân có đất bị thu hồi tại Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô vào năm 2020, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngành kiểm tra xem có hay không việc chủ đầu tư (Công ty TNHH Hoàn Cầu) thay đổi pháp nhân, bán Dự án cho chủ đầu tư khác.

“Vụ việc này kéo dài, bao nhiêu đoàn thanh, kiểm tra của Trung ương về làm rồi, nhưng bà con vẫn chưa chấp nhận. Chuyện quá lâu, người dân có ý kiến khiếu nại, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải giải thích, giải quyết hài hòa các mối quan hệ, đặc biệt là quyền lợi của các hộ dân bị thu hồi đất”, ông Tuân nói. Quan điểm của ông Tuân là ai sai thì phải xử lý, kỷ luật.

Theo ông Tuân, người dân phản ánh thu hồi đất, nhưng không có quyết định thu hồi thì phải xem lại vào thời điểm thu hồi, giao đất, đối chiếu quy định pháp luật. “Tại sao thu hồi đất mà bỏ hoang? Tại sao vẫn còn đất 20 năm qua vẫn chưa thu hồi? Còn cấp đất ở không hình thành đơn vị ở đã bỏ rồi và cấp rồi, thì chuyển ngược qua đất kinh doanh, thương mại. Cấp sai là phải thu hồi”, ông Tuân nói.

Đáng chú ý, trong Dự thảo báo cáo về Dự án gửi Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chính phủ năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ nêu thông tin về Dự án, trình bày việc giải quyết khiếu nại..., mà không đề cập quá trình thực hiện Dự án có thiếu sót, sai phạm gì hay không.

Rà soát toàn bộ dự án

Ngày 14/6/2022, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi các sở, ngành của tỉnh này và UBND TP. Nha Trang về việc rà soát, báo cáo toàn bộ hồ sơ thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, UBND TP. Nha Trang khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ thực hiện Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô trước đây để xem xét kiến nghị của ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thanh tra tỉnh lưu ý, cần tập trung báo cáo cụ thể về các nội dung thực hiện dự án trước đây có phù hợp với các quy định hay không, hướng khắc phục, xử lý (nếu có)...

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan