Dự án Long Phú 1: Quả đắng của PTSC

Dự án Long Phú 1: Quả đắng của PTSC

(ĐTCK) PTSC (mã PVS) không đủ năng lực thực hiện dự án. Việc này có thể khiến doanh nghiệp thiệt hại hàng triệu USD.

Lòng vòng tổng thầu

Ngày 2/7/2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, với công suất 1.200MW. Đến ngày 28/12/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý về nguyên tắc để PVN tiến hành thủ tục chỉ định tổng thầu EPC cho dự án. Ngay trong ngày, PVN đã ký kết với Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) hợp đồng gói thầu EPC, có giá trị lên đến 1,2 tỷ USD. Từ đó đến nay, PTSC đã thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị cho gói thầu EPC, tuy nhiên thời gian kéo dài song chưa thực hiện được.

Đến ngày 6/3/2013, PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thay đổi tổng thầu EPC dự án nhiệt điện Long Phú 1. Cụ thể là thành lập liên danh tổng thầu EPC, gồm liên doanh PM-BTG (các nhà thầu cung cấp thiết bị) và PTSC, trong đó PM-BTG  là thành viên đứng đầu liên danh. Việc này theo các quy định hiện hành là chưa có tiền lệ và các bộ ngành đã vào cuộc cho ý kiến.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc PVN chọn tổng thầu PTSC ngay trong ngày phát hành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự vội vàng và thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các thủ tục chỉ định thầu EPC cho dự án.

Trên thực tế, PTSC chưa có kinh nghiệm về quản lý, điều hành và thực hiện hợp đồng EPC cho một dự án nhiệt điện nào, nhất là dự án lớn như Long Phú 1. Điều đó khiến doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chọn nhà thầu phụ, rồi nhiều lần phân chia gói thầu khiến dự án chậm trễ tiến độ.

Đặc biệt, sau 2 năm rưỡi triển khai, PVN và PTSC cũng chỉ mới sơ bộ xác định được nhà thầu cung cấp thiết bị và thu xếp tài chính cho dự án. Việc thực hiện quá chậm, dẫn đến nguy cơ thiếu điện khu vực phía Nam trong các năm 2015-2016.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cũng nhận xét PTSC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC dự án nhiệt điện than. Nguyên nhân chủ yếu dây kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu phụ cung cấp thiết bị chính cho Hợp đồng EPC là do các phương án của PTSC phân chia thiết bị chính của Nhà máy thành các gói thầu không hợp lý. Điều này thể hiện năng lực, kinh nghiệm của PTSC đối với việc thực hiện dự án nhiệt điện là chưa đáp ứng được yêu cầu đối với một tổng thầu EPC của một dự án nhà máy nhiệt điện lớn.

Quả đắng của PTSC

Các bộ Tài chính, Công Thương và Kế hoạch Đầu tư đều cho rằng phải xác định trách nhiệm của PVN; đồng thời PTSC phải chịu trách nhiệm trong việc để dự án xảy ra chậm trễ kéo dài nói trên. Ngay đề xuất thay đổi tổng thầu EPC từ PTSC sang Liên danh giữa PTSC và PM-BTG, Bộ Công Thương cũng cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý, chưa có tiền lệ. Sự thay đổi này, theo Bộ Công Thương có thể dẫn tới sự thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị hợp đồng và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án.

Bộ Xây dựng cho rằng hợp đồng ký kết giữa PVN và PTSC là hợp đồng trọn gói, PTSC có nghĩa vụ thực hiện và phải chịu rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Một lo ngại của các cơ quan chức năng là nếu chấm dứt hợp đồng với PVN, PTSC có thể phải đối mặt với khiếu kiện quốc tế. Trong công văn kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng PVN cần làm rõ các tác động, hệ quả phát sinh của việc chấm dứt hợp đồng EPC với PTSC và đấu thầu/chỉ định lại (nếu được Thủ tướng đồng ý) tới các nhà thầu phụ đã và đang đàm phán hợp đồng cung cấp thiết bị theo quá trình đấu thầu cũ cũng như khả năng xử lý các hệ quả đó nhằm tránh những rắc rối pháp lý quốc tế có thể xảy ra.

Chưa biết việc lựa chọn tổng thầu EPC cho dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 rồi sẽ ra sao. Song rõ ràng PTSC đang ở thế "cưỡi lưng hổ" khi tiếp tục thực hiện hợp đồng thì không đủ năng lực, còn chấm dứt hợp đồng sẽ phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại không nhỏ như ý kiến của các bộ, ngành.