Mặt bằng lãi suất thấp giúp dòng tiền quan tâm hơn đến kênh đầu tư chứng khoán

Mặt bằng lãi suất thấp giúp dòng tiền quan tâm hơn đến kênh đầu tư chứng khoán

Dự báo cổ phiếu dẫn sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán gần đây điều chỉnh, nhưng vẫn đang trong xu hướng tăng trung và dài hạn, với các yếu tố hỗ trợ như câu chuyện nâng hạng thị trường, mặt bằng lãi suất thấp, kinh tế phục hồi.

“Làn sóng thứ tư”

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Phân tích chiến lược, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 3 con sóng tăng trưởng lớn: sóng gia nhập WTO năm 2007, sóng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp năm 2016 - 2017, sóng tiền rẻ giai đoạn nền kinh tế chịu tác động của đại dịch Covid-19 năm 2020 - 2021.

“Thị trường chuẩn bị bước vào con sóng thứ tư - sóng nâng hạng”, ông Trần Hoàng Sơn nhận định.

Thực tế, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán được thể hiện qua chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành. Theo lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp. Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường trong năm 2025, mọi công tác chuẩn bị đang được thúc đẩy để hiện thực hoá mục tiêu này.

Ông Trần Hoàng Sơn cho hay, tại các nước trong khu vực, thị trường thường tăng 40 - 50% trước khi nâng hạng. Tại Việt Nam, khi đón sóng nâng hạng, thị trường có thể vượt qua vùng đỉnh lịch sử năm 2021 - 2022 và lên một tầm cao mới khi chính thức nâng hạng. Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tương đối hấp dẫn so với nhiều nước trong khu vực nói chung, các thị trường mới nổi nói riêng. Bên cạnh đó, hệ số lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) ở mức cao.

“Chúng tôi dự báo, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bứt tốc, trung bình năm 2024 đạt khoảng 23.000 tỷ đồng, mức cao có thể đạt 32.000 tỷ đồng và mức thấp là 18.000 tỷ đồng. Chỉ số VN-Index năm nay có thể đạt 1.322 - 1.350 điểm. Trong kịch bản lạc quan hơn, thanh khoản thị trường trung bình là 26.000 tỷ đồng khi đón con sóng lớn. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, thị trường vẫn có nhịp điều chỉnh đan xen, VN-Index khoảng 1.200 điểm cộng trừ 50 điểm, xu hướng thị trường tiếp tục tăng nhưng ở trạng thái sóng gối sóng”, ông Trần Hoàng Sơn nói.

Sóng nâng hạng cũng được nhiều chuyên gia phân tích đề cập cùng kỳ vọng nhiều cổ phiếu sẽ đón đầu bứt phá, bên cạnh đó là hệ thống giao dịch mới KRX sắp được đưa vào vận hành, qua đó thu hút dòng vốn trong và ngoài nước tham gia, góp phần thúc đẩy thị trường đi lên.

BSC Research ước tính, trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Trong khi đó, VinaCapital cho rằng, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường có thể đạt 5 - 8 tỷ USD.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là yếu tố giúp dòng tiền luân chuyển, quan tâm hơn đến kênh đầu tư chứng khoán.

Một số nhóm cổ phiếu có thể dẫn sóng

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sắp bước vào con sóng lớn thứ tư - sóng nâng hạng.

Ông Hoàng Văn Hà, nhà đầu tư tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, ông kỳ vọng nhóm cổ phiếu đầu tư công, ngân hàng, chứng khoán, xuất khẩu và bán lẻ sẽ dẫn sóng đầu tư trong thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự báo cụ thể về một số mã cổ phiếu có khả năng sẽ dẫn sóng nhờ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán được nâng hạng như VHM, VRE, KBC, DIG, DXG trong nhóm bất động sản; SSI, VND, VCI, VIX trong nhóm chứng khoán; một số mã trong nhóm ngân hàng, thực phẩm, điện, thép, dầu khí...

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán VietCap cho rằng, các nhóm ngành có triển vọng khả quan, bao gồm kết quả kinh doanh quý I/2024 tích cực là bán lẻ, tiêu dùng, thép, năng lượng, dầu khí… Kết quả kinh doanh quý đầu năm và mùa đại hội cổ đông 2024 với thông tin về kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức sẽ thu hút nhà đầu tư.

Về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam nêu quan điểm, các nhóm ngành tăng trưởng có thể kể đến trước tiên là vật liệu xây dựng như thép, nhóm có dòng tiền đầu cơ mạnh nhất như chứng khoán, các nhóm khác như logistics, dầu khí, thủy sản, bán lẻ.

Nhìn xa hơn, bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích cổ phiếu, SSI Research nhận định, 2024 là năm đầu tiên phục hồi tăng trưởng, những doanh nghiệp có đà tăng trưởng tiếp trong năm 2025 sẽ nằm trong nhóm dẫn dắt như chứng khoán, bán lẻ, thép, đầu tư công, bất động sản công nghiệp.

Giới phân tích chỉ ra 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2024 bao gồm: một là đầu tư công, hai là thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu, ba là đầu tư trong nước.

Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế đang tạo động lực cho các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết năm nay tăng trưởng sẽ giúp định giá cổ phiếu hấp dẫn hơn, tăng sức hút nhà đầu tư, qua đó cải thiện thị giá trên thị trường.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, VPBankS phân tích, với đầu tư công năm 2024, các đại dự án như Cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành đang được tập trung giải ngân, thúc đẩy tiến độ, kỳ vọng nhóm đầu tư công sẽ tăng trưởng tốt. Xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng khả quan, hỗ trợ sản xuất trong nước phục hồi. Trong khi đó, hoạt động đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.

Các yếu tố này phản ánh triển vọng tích cực của doanh nghiệp và kỳ vọng thị giá cổ phiếu sẽ tăng, nhưng lựa chọn cổ phiếu nào cho danh mục, nhà đầu tư cần hành động dựa trên phân tích các yếu tố vĩ mô tác động đến nhóm ngành và nội lực của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan