Dư địa 2,2 triệu tỷ đồng

Dư địa 2,2 triệu tỷ đồng

(ĐTCK) Số dư tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện lên tới 2,2 triệu tỷ đồng. Vì vậy, chỉ cần TTCK có nhiều sản phẩm đầu tư độc đáo, minh bạch và có công cụ phòng ngừa rủi ro tốt thì chắc chắn một phần tiền tiết kiệm trong dân chúng sẽ chuyển vào TTCK.
TTCK cần sớm có quy định về sản phẩm phái sinh, giúp nhà đầu tư có thể thực hiện vay ký quỹ để mua hoặc bán tùy theo diễn biến của thị trường. Đó là kiến nghị của nhiều thành viên thị trường tại Hội thảo “Tính hai mặt của hoạt động giao dịch ký quỹ trên TTCK Việt Nam” do Khoa Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế TP. HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán, UBCK tổ chức cuối tuần qua.

Dư địa 2,2 triệu tỷ đồng

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân đánh giá, số dư tiền gửi cá nhân trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện lên tới 2,2 triệu tỷ đồng, trong đó, có phần tiết kiệm không nhỏ của nhiều người dân có tri thức, khả năng và tư duy đầu tư. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu vốn của nền kinh tế thấp, các ngân hàng bế tắc về đầu ra, vốn ứ nên hiện không còn chạy đua trong việc nâng lãi suất tiền gửi hay những chương trình khuyến mãi lớn để khuyến khích gửi tiền. Chính vì vậy, chỉ cần TTCK có nhiều sản phẩm đầu tư độc đáo, minh bạch và có công cụ phòng ngừa rủi ro tốt thì chắc chắn một phần tiền tiết kiệm trong dân chúng sẽ chuyển vào TTCK.

“Chỉ cần khoảng 30% của con số tiền tiết kiệm này tham gia TTCK sẽ giúp gia tăng đáng kể tính thanh khoản cho thị trường”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.

Một yếu tố hỗ trợ thanh khoản thị trường là quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, có hơn 1.000 DNNN cần cổ phần hóa và mục tiêu của Chính phủ là sẽ cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015, đây là cơ sở tạo hàng phong phú và có chất lượng cho TTCK, gia tăng đáng kể quy mô vốn hoá thị trường. Ngoài ra, hàng hoá cơ sở mạnh cũng là cơ sở để phát triển sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, hiện nay, TTCK Việt Nam mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của bên vay ký quỹ để mua (margin), mà chưa cho phép cho vay ký quỹ để bán (bán khống).

Cần công cụ mới

Về hoạt động margin, dại diện nhiều CTCK tham dự Hội thảo thừa nhận tính hai mặt của công cụ này khi vừa giúp gia tăng lợi nhuận cho NĐT, CTCK và giúp thị trường sôi động, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với các bên.

Nhìn nhận về hiện tượng không ít CTCK “lách luật” ký hợp đồng cho vay ký quỹ vượt khung quy định, với tỷ lệ giao dịch ký quỹ lên đến 80%, hay có CTCK cho NĐT bán khống, ông Huỳnh Minh Trí, Phó giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc “vượt rào” để lôi kéo khách hàng ở một số CTCK là sự không công bằng với những công ty khác tuân thủ đúng quy định.

“Điều này lại đặt ra vấn đề tuân thủ quy định của NĐT, CTCK và cả việc giám sát của cơ quan quản lý. Dù gì đi nữa, những hành động vượt rào trên cho thấy hành lang pháp lý chưa theo kịp với nhu cầu chính đáng của các thành viên tham gia thị trường.

Thứ hai, quản lý tiền tài khoản khách hàng và CTCK chưa thể tách biệt trong giao dịch ký quỹ, bởi để thu hồi được khoản vay thì cách làm này hiện vẫn đang là duy nhất, dù điều này là vi phạm quy định.

Thứ ba, cơ quan quản lý khó quản lý được dòng tín dụng vận hành trong hệ thống các CTCK.

Thứ tư, việc tính tốc độ tăng trưởng tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế chưa tính đến phần tín dụng từ cho vay chứng khoán, vì cơ chế giao dịch ký quỹ hiện gần như tách biệt với hệ thống ngân hàng”, ông Trí nói.

Ông Trí phân tích, chính vì TTCK Việt Nam mới chỉ cho giao dịch một chiều là ký quỹ mua, còn ký quỹ bán vẫn chưa được phép nên khi thị trường sụt giảm thì NĐT rơi vào thế thụ động, chỉ biết lo sợ, chờ đợi và bán cổ phiếu khi chạm ký quỹ quy định. Trong khi, nếu được phép bán khống, có thể cân bằng lại bằng cách NĐT bán trước - mua sau, từ đó tạo nguồn cầu và giúp cổ phiếu tăng trở lại. Tuy nhiên, việc bán khống cũng dễ dẫn đến hoạt động “bóp méo” giá cả chứng khoán và đôi khi bị đánh giá là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của thị trường.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện CTCK tham dự Hội thảo. Theo đó, cần sớm mở cửa TTCK phái sinh, giúp NĐT có thể thực hiện phòng ngừa rủi ro, giao dịch hai chiều tùy theo diễn biến của thị trường, cũng như có quy định rõ ràng về nghĩa vụ và quyền người bán khống và người cho mượn chứng khoán.

Tin bài liên quan