Biên lãi ròng của ngành ngân hàng được cải thiện trong hơn 1 năm qua. Ảnh: Dũng Minh

Biên lãi ròng của ngành ngân hàng được cải thiện trong hơn 1 năm qua. Ảnh: Dũng Minh

Dư địa giảm lãi vay vẫn còn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm, nhưng dư địa giảm thêm vẫn còn, dù mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng.

Chi phí đầu vào chưa tăng cao

Lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 8,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng tại 1 ngân hàng, kỳ hạn 13 tháng. Một số ngân hàng có lãi suất tiết kiệm từ 7%/năm trở lên như MSB, Techcombank, ACB, song chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Đối với khoản tiền gửi giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống, lãi suất cao nhất hiện chỉ có 6,9%/năm. Cụ thể, VietABank có lãi suất tiết kiệm cao nhất là 6,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 6,5%/năm. Tại SCB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi tiền online và tại quầy.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn duy trì mức lãi suất thấp nhất trên thị trường. Agribank, BIDV, VietinBank có biểu lãi suất tương đương nhau, cao nhất là 5,6%/năm áp dụng cho tiền gửi 12 tháng. Vietcombank niêm yết lãi suất ở mức thấp hơn, cao nhất là 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng...

Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 8% - 10%/năm.

Trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động hầu như không thay đổi, dự báo sẽ duy trì ở mặt bằng hiện nay. Bởi lẽ, các ngân hàng chưa gặp phải áp lực huy động do nhu cầu tín dụng có khả năng sẽ giảm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể kéo dài.

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại sẽ đi ngang trong thời gian tới. Áp lực tăng lãi suất tiền gửi có thể xảy ra, nhưng chỉ khoảng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm/năm vào cuối năm nay khi ngân hàng đẩy mạnh cho vay và cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư. Mặt khác, thời điểm cuối năm, doanh nghiệp và người dân thường rút tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng để chi trả lương, thưởng, tiêu dùng, kéo theo áp lực huy động vốn của các nhà băng.

Trong nửa đầu năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động giảm 0,3%/năm, sau đó duy trì ổn định. Hiện lãi suất kỳ hạn ngắn tăng từ 0,1 - 0,5%/năm tại một số ngân hàng, việc này mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành xu hướng tăng.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, môi trường lãi suất thấp hiện tại khiến chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay chịu áp lực thu hẹp, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy yếu do tình trạng giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong kịch bản cơ sở, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 8, nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục về cuối năm. Mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến đi ngang, còn lãi suất huy động tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm

Mặt bằng lãi suất huy động được dự báo chỉ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm nên dư địa giảm lãi vay vẫn còn. Trong khi đó, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Theo Ngân hàng UOB, với triển vọng không chắc chắn từ sự bùng phát dịch Covid-19 trong nước lần thứ tư, khả năng cao là Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên các chính sách tiền tệ hiện hữu. Lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,0%/năm và lãi suất tái chiết khấu ở mức 2,5%/năm đều đang ở mức thấp kỷ lục. Lãi suất cho vay có dư địa để giảm thêm, nhưng mức giảm sẽ khó có thể dàn trải trên toàn hệ thống.

Trước đó, nhiều ngân hàng hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, sau cuộc “vận động” của Ngân hàng Nhà nước và cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 12/7/2021, 16 ngân hàng đã thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 8% - 10%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận, nhưng triển vọng lợi nhuận vẫn ở mức cao do biên lãi ròng (NIM) của ngành ngân hàng được cải thiện trong hơn 1 năm qua. NIM tăng nhờ nguồn thanh khoản dồi dào khiến lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, đồng thời tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng. Trong khi đó, lãi suất cho vay có giảm, nhưng ít hơn mức giảm lãi suất huy động. Đây là yếu tố được nhìn nhận lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc giảm lãi suất là rất khó, nhưng lúc này cần sự chia sẻ, cảm thông của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp khó khăn, ngân hàng khó thu hồi được nợ thì nợ xấu sẽ gia tăng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Phó tổng giám đốc Techcombank Phạm Quang Thắng cho biết, Ngân hàng hiện tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.

Phó tổng giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà cho hay, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp không có doanh thu, hoặc doanh thu giảm (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ...), với mức giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương). Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, hay cá nhân vay tiền mua ô tô..., lãi vay chưa được giảm nhiều.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,7% so với cuối năm 2020, đạt 12,558 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư là 5,275 triệu tỷ đồng, tăng 2,6% - mức tăng thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây; tiền gửi tổ chức kinh tế là 5,036 triệu tỷ đồng, tăng 3,26% - mức tăng cao thứ hai trong vòng 9 năm gần đây. Tính đến ngày 28/6/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,64% so với cuối năm 2020.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tiền gửi cá nhân giảm là điều hiển nhiên. Người dân rút tiền gửi thường đáp ứng cho nhu cầu chi phí đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư vào tài sản, thị trường tài chính. Trong 3 mục tiêu chính này, dòng tiền gửi có xu hướng chảy vào chi phí đời sống và đầu tư tài chính nhiều hơn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân chuyển dịch vốn tiền gửi sang kênh chứng khoán. Chính vì tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi chậm hơn tín dụng nên lãi suất tiết kiệm dự kiến sẽ tăng nhẹ. Ngược lại, so với tốc độ giảm của lãi suất tiết kiệm thời gian qua thì lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, nên dư địa để giảm thêm vẫn còn, nhưng khó giảm sâu.

Tin bài liên quan