Dự kiến ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) đã hoàn thành phần lớn các nội dung và có thể được ký kết trong năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE, Thani bin Ahmed Al Zeyoudi (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE, Thani bin Ahmed Al Zeyoudi (Ảnh: VGP)

Việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) đã đạt những bước tiến đột phá., Việt Nam và UAE đã hoàn thành phần lớn nội dung đàm phán, dự kiến có thể ký Hiệp định CEPA trong năm 2024.

Từ khi khởi động đàm phán vào tháng 6/2023 đến nay, Việt Nam và UAE đã trải qua ba phiên đàm phán.

Nội dung hiệp định CEPA gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), các vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của chính phủ, các vấn đề về pháp lý - thể chế, hợp tác kinh tế và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đến nay, hai bên đã đạt được các tiến bộ quan trọng. Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự COP28 tại UAE được coi là dấu mốc có ý nghĩa quyết định để hai bên có thể thống nhất việc kết thúc đàm phán ở cấp chính trị.

Cùng với việc đạt được thống nhất chung, các nhà lãnh đạo hai bên sẽ chỉ đạo cấp kỹ thuật nhanh chóng hoàn tất các nội dung kỹ thuật còn lại cũng như thúc đẩy các thủ tục trong nước để hướng tới ký, phê duyệt và thực thi CEPA phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên.

Bộ Công thương cho biết, CEPA được đánh giá là một hiệp định toàn diện và hứa hẹn đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và UAE. Đồng thời, còn được trông đợi là một bước tiến trọng yếu trong lộ trình tăng cường quan hệ đối tác chính trị toàn diện và sâu sắc giữa hai bên, đặc biệt là quan hệ thương mại - đầu tư.

CEPA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Đây là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực.

UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE đạt 3,8 tỷ USD và nhập khẩu từ UAE đạt 582,6 triệu USD, tăng 1,6% so với năm 2021.

10 tháng năm 2023, thương mại song phương Việt Nam - UAE đạt hơn 4 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 3,4 tỷ USD và nhập khẩu từ UAE 615 triệu USD.

Hiện Việt Nam chiếm khoảng 2,2% thị phần nhập khẩu tại UAE và UAE chiếm khoảng 0,2% thị phần nhập khẩu của Việt Nam.

Tin bài liên quan