Ông Đào Hồng Giang, Giám đốc Khối Tài chính - Ngân hàng, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS)

Ông Đào Hồng Giang, Giám đốc Khối Tài chính - Ngân hàng, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS)

Dữ liệu là tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Bất kỳ một doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đều hiểu rõ được tầm quan trọng của dữ liệu, tính toàn vẹn và đầy đủ cũng như tính chính xác và liên tục của dữ liệu”. Đó là chia sẻ của ông Đào Hồng Giang, Giám đốc Khối Tài chính - Ngân hàng, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS).

Là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số ngân hàng cũng như các giải pháp dịch vụ về dữ liệu/trung tâm dữ liệu nói riêng, ông đánh giá thế nào về nhu cầu lĩnh vực này trong xu hướng số hóa hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng?

Trung tâm dữ liệu là nhu cầu tất yếu của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt nhu cầu này càng lớn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng do yêu cầu hoạt động liên tục. Việc có được một trung tâm dữ liệu với các điều kiện cơ bản về nguồn điện, hạ tầng mạng và các tiêu chuẩn an toàn về nhiệt độ, độ ẩm, cũng như lực chịu tải sàn đối với các tủ thiết bị có trọng lượng lớn là nền tảng đảm bảo cho hoạt động đầu tư các thiết bị hạ tầng tin học hiện đại, hiệu năng cao. Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều song song thực hiện tự đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu và tìm kiếm lựa chọn các đối tác cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu chuyên nghiệp.

“Dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu”, câu “châm ngôn” này khá giống với câu “vị trí, vị trí và vị trí” của ngành bất động sản, liệu đây có phải là bí quyết thành công cho các đơn vị đang chuyển đổi số, hay chỉ mang tính ước lệ? Kinh nghiệm của ông về quản trị dữ liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam nên như thế nào?

Dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp. Đây là khẳng định mang tính tất yếu và không thể đảo ngược.

Dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp. Đây là khẳng định mang tính tất yếu và không thể đảo ngược. Dữ liệu nội bộ phục vụ cho hoạt động quản trị, ra các quyết định nhằm tối ưu chi phí và tăng năng suất. Dữ liệu từ các nguồn bên ngoài, các dữ liệu về hành vi tiêu dùng là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng mô tả về chân dung khách hàng, các thói quen tiêu dùng nhằm giúp doanh nghiệp hiểu biết khách hàng, điều chỉnh các sản phẩm - dịch vụ để tối ưu hóa, mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất, với số lượng sản lượng phù hợp. Ngày nay, bất kỳ một doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đều hiểu rõ được tầm quan trọng của dữ liệu, tính toàn vẹn và đầy đủ cũng như tính chính xác và liên tục của dữ liệu.

Một câu hỏi tương tự nhưng mở rộng hơn một chút riêng cho lĩnh vực ngân hàng, FPT IS đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 300 tổ chức tài chính trong nước, bảo trì nhiều hệ thống ATM, không kể giải pháp công nghệ giao dịch cho 2 sở giao dịch chứng khoán. Ông đánh giá mức độ số hóa ngành ngân hàng hiện nay ra sao?

Đối với ngành tài chính - ngân hàng, mức độ số hóa hay hiện đại hóa công nghệ thông tin không còn là nhu cầu, mà là yếu tố quan trọng trong năng lực cạnh tranh trên thị trường. Thực tế cho thấy, các ngân hàng có hoạt động đầu tư cho công nghệ thông tin đầy đủ và hiệu quả đều được đánh giá cao, từ mức độ hài lòng của nhân viên tới trải nghiệm dịch vụ xuất sắc của khách hàng, qua đó đều có kết quả trong hoạt động kinh doanh vượt trội.

“Dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu”, bí quyết thành công cho các đơn vị đang chuyển đổi số

“Dữ liệu, dữ liệu và dữ liệu”, bí quyết thành công cho các đơn vị đang chuyển đổi số

Ngành ngân hàng đang thuê các giải pháp nước ngoài về dữ liệu, đặc biệt là dịch vụ cloud (đám mây), song dường như FPT IS đang “bỏ qua” cơ hội của mình, điều này liên quan đến năng lực chăng?

Ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, có tính quốc tế và tính hội nhập cao. FPT IS luôn định vị mình trong cuộc chơi cạnh tranh với đầy đủ các đối thủ, kể cả trong nước và nước ngoài. Dịch vụ về dữ liệu hay điện toán đám mây là 2 trong rất nhiều sản phẩm giải pháp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như ngân hàng lõi, giải pháp lõi về thẻ, thanh toán hay tín dụng...

Chúng tôi luôn duy trì quan hệ đối tác hài hòa với các hãng toàn cầu, đồng thời lựa chọn đầu tư có trọng điểm với các sản phẩm giải pháp mang tính đặc thù cao cho thị trường trong nước, khách hàng trong nước. Riêng các giải pháp về dữ liệu, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, FPT IS đã kịp thời phát triển các sản phẩm như FPT. CDP, FPT Datalake, Voicebot-Chatbot, FPT Cloud và đã có các khách hàng ngân hàng tin tưởng lựa chọn do dịch vụ phù hợp với mức giá cạnh tranh, thời gian triển khai nhanh.

Có một cảm giác “trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng, mỗi ngân hàng thuê một nhà tư vấn, một nhà cung cấp... Câu chuyện này trong quá khứ khá giống với việc đầu tư corebanking ở nhiều tầng nấc khác nhau, rồi để sau đó kết nối hệ thống ATM, hệ thống thanh toán là câu chuyện rất dài do sự khác biệt. Theo ông, con đường đi trong đầu tư công nghệ hiện nay nên được hoạch định như thế nào?

Chiến lược trong việc lựa chọn nhà tư vấn, hãng giải pháp và đơn vị triển khai luôn luôn đa dạng không chỉ hiện tại mà cả trong quá khứ, không chỉ ở Việt Nam mà cả thị trường toàn cầu. Theo quan điểm của một số chuyên gia, điều này sẽ giúp cho ngân hàng có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời đòi hỏi khả năng đánh giá, hiểu biết về kiến trúc tổng thể của hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng, điểm mạnh yếu của từng sản phẩm giải pháp.

Tốc độ trưởng thành về công nghệ của các ngân hàng với tiềm lực tài chính cải thiện, mạnh dạn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao liên tục được bồi đắp từ cả trong và ngoài nước cũng là một áp lực đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác tư vấn và đối tác công nghệ trong nước phải liên tục nâng cao chất lượng của chính mình. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất quan tâm đến việc định hướng, thiết lập các quy định cụ thể nhằm phát triển đồng bộ các hệ thống công nghệ, thanh toán tài chính quốc gia.

Tin bài liên quan