Các NHTM có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ riêng, nhưng dữ liệu thường chưa đầy đủ

Các NHTM có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ riêng, nhưng dữ liệu thường chưa đầy đủ

Dữ liệu xếp hạng tín dụng nhiều ngân hàng chưa đầy đủ

(ĐTCK) Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho rằng, việc tham khảo thông tin dữ liệu của CIC là rất quan trọng đối với các ngân hàng trong việc xếp hạng tín dụng nội bộ. Từ đó, các ngân hàng có thể hạn chế được rủi ro nợ xấu trong cấp tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng có xu hướng tăng lên trong quý I/2015, phải chăng là do xếp hạng tín dụng từ các NHTM?

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ quý I/2015, các ngân hàng phải căn cứ vào nhóm nợ của khách hàng cao nhất được CIC thông báo để làm cơ sở phân loại nợ đối với khách hàng của mình.

Ví dụ, Ngân hàng A xếp khách hàng B thuộc nhóm nợ 3, trong khi 3 ngân hàng khác xếp thuộc nhóm nợ 2, thì CIC sẽ thông báo nhóm nợ cao nhất (nhóm nợ 3 của Ngân hàng A) cho 3 ngân hàng còn lại để các ngân hàng này chủ động xem xét đưa khách hàng của mình từ nhóm nợ 2 lên nhóm nợ 3, nhằm kiểm soát tốt hơn mức độ rủi ro. Vì thế, đây có thể là một trong những lý do khiến nợ xấu của các NHTM tăng lên trong quý I đầu năm.

Dữ liệu xếp hạng tín dụng nhiều ngân hàng chưa đầy đủ ảnh 1

Ông Đỗ Hoàng Phong 

Ông đánh giá như thế nào về hoạt động xếp hạng tín dụng của các NHTM hiện nay trong việc cho vay, nhất là đối với cho vay tín chấp?

Các NHTM có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của họ. Trên cơ sở xếp hạng tín dụng nội bộ, các ngân hàng sẽ có những chính sách tín dụng đối với từng nhóm khách hàng. Cụ thể, với những nhóm khách hàng có mức xếp hạng tín dụng cao thì có thể cho vay tín chấp.

Ngược lại, với những khách hàng có mức xếp hạng tín dụng thấp thì đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Để hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện việc này, CIC cung cấp kết quả xếp hạng tín dụng của các khách hàng vay để các tổ chức tín dụng làm cơ sở tham khảo đối chiếu với kết quả xếp hạng nội bộ của mình, tìm ra một kết quả tương đồng trong quá trình cho vay.

Hiện tại, có một số tổ chức tín dụng nhờ CIC hỗ trợ dữ liệu (cung cấp dữ liệu) để kết hợp với dữ liệu của họ xây dựng một hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động tín dụng.

Các ngân hàng có tích cực sử dụng thông tin từ CIC để xếp hạng tín dụng không, thưa ông?

Các ngân hàng sử dụng dữ liệu của CIC ngày càng nhiều và hiệu quả. Số lượng bản khai thác thông tin của các ngân hàng từ CIC tăng trên 30%/năm.

Hoạt động thông tin tín dụng hiện đã có sự tăng trưởng và phát triển khác hẳn so với thời gian trước. Nhận thức về vai trò của CIC hiện nay cũng khác nhiều so với trước. Vì thế, nếu không khai thác thông tin từ CIC thì rất dễ gặp rủi ro vì thông tin bất cân xứng, sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin để xếp hạng tín dụng trước khi cho vay.

Đánh giá của ông thế nào về xếp hạng tín dụng nội bộ của các ngân hàng hiện nay?

Tôi thấy, bước đầu các ngân hàng đã tiếp cận được chuẩn chung của quốc tế. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu của từng ngân hàng chưa đầy đủ.

Vì vậy, trong đánh giá xếp hạng tín dụng của khách hàng, bước đầu có thể chưa được chuẩn, nhưng trong thời gian tới sẽ hoàn thiện hơn theo chuẩn quốc tế.

Cơ sở dữ liệu của CIC có thể đáp ứng để các ngân hàng thực hiện theo những yêu cầu tại Basel II.

Theo ông, liệu có sự điều chỉnh thông tin tại cơ sở dữ liệu của CIC để điều chỉnh nhóm nợ?

Việc điều chỉnh dữ liệu tại CIC có một quy trình nhất định, chỉ có đơn vị báo cáo thông tin tín dụng mới có thể đề nghị điều chỉnh được thông tin dữ liệu đã báo cáo cho CIC.

Nguyên tắc trong quy trình này là: cơ sở dữ liệu xuất phát điểm ở đâu thì chỉ có người đó đề nghị. Chẳng hạn, một khách hàng vay ở tại Ngân hàng A thì chỉ có Ngân hàng A đề nghị (do tổng giám đốc hoặc người được ủy quyền ký văn bản).

Việc đề nghị phải có lý do và cơ sở chặt chẽ mới có thể điều chỉnh được dữ liệu.

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), báo cáo tài chính của họ được đánh giá có phần chưa tốt. Vậy CIC có giải pháp nào để xếp hạng tín dụng đối với các doanh nghiệp này?

Nói về báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam, thì không chỉ với các SMEs, mà nhiều doanh nghiệp quy mô trung bình cũng chưa thực sự minh bạch. Tuy nhiên, chúng tôi có một quy trình đánh giá khác.

Ngoài việc phân tích, đánh giá dựa trên các yếu tố tài chính, CIC còn kết hợp với các yếu tố khác (dựa trên cơ sở đặc thù riêng của CIC).

Ví dụ, đánh giá ý thức chấp hành báo cáo. Đơn cử, với một khách hàng vay tại 4 ngân hàng khác nhau thì 4 ngân hàng này sẽ có báo cáo dữ liệu lên CIC. Nếu 4 báo cáo đó có nội dung đồng nhất, thì doanh nghiệp được đánh giá cao trong xếp hạng tín dụng và ngược lại.

Hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô thông qua báo cáo thông tin tín dụng do CIC thực hiện như thế nào?

Về hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô, tôi xin phép để các cơ quan, tổ chức khác đánh giá. Ở đây, tôi chỉ nói về góc độ báo cáo thông tin tín dụng của các tổ chức tài chính vi mô hiện vẫn còn yếu và thiếu.

Thứ nhất, về số lượng đơn vị thực hiện báo cáo chỉ mới được 50%, đồng thời chất lượng báo cáo cũng chưa được chuẩn xác. Một phần, do cơ sở dữ liệu cũng như cơ sở hạ tầng của các tổ chức tài chính vi mô còn yếu kém, chưa thể so sánh được với các tổ chức tín dụng, nên còn hạn chế nhất định.

Theo tôi, để các tổ chức tài chính vi mô thực hiện tốt việc báo cáo thông tin tín dụng, thì cần phải đưa vào điều kiện cấp phép hoạt động đối với các tổ chức tài chính vi mô một điều kiện tiên quyết là phải được thực hiện trên một phần mềm ứng dụng về hạch toán kế toán, hay nói cách khác là phần mềm hạch toán kế toán phải được thực hiện trên một nền tảng công nghệ tối thiểu, đáp ứng tối thiểu yêu cầu về các chỉ tiêu thông tin đối với quản lý khách hàng vay. Bởi lẽ, thông tin khách hàng hiện nay rất quan trọng để làm cơ sở dữ liệu cho quản trị rủi ro.

Tin bài liên quan