Dự phóng lợi nhuận top dẫn đầu

Dự phóng lợi nhuận top dẫn đầu

Top dẫn đầu ở đây là những doanh nghiệp niêm yết được coi là nổi bật, có số tuyệt đối về lợi nhuận lớn. Tất nhiên, lợi nhuận không phải là tất cả, nhưng thường được nhà đầu tư quan tâm... hơn cả

Top 10 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu hiện nay bao gồm: Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Nam (PGS), CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), CTCP Tập đoàn FPT (FPT), CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC), CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và CTCP Công nghiệp cao su Việt Nam (CSM).

 

Trong một thống kê vừa được các chuyên gia phân tích của CTCK Vietcombank thực hiện cho thấy, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của top 10 vẫn duy trì được kết quả khả quan. Ngoại trừ VCB, đặc điểm chung trong kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đều là doanh thu tăng trưởng thấp hoặc thậm chí giảm, nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng tốt do chi phí tài chính giảm mạnh.

 

Ngoài nguyên nhân khách quan do mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh, việc nguyên liệu đầu vào giảm và bản thân doanh nghiệp chủ động tiết giảm chi phí cũng là yếu tố giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận.

 

CSM và HPG là 2 doanh nghiệp được hưởng lợi từ giảm chi phí đầu vào khi giá cao su tự nhiên và giá than, quặng sắt giảm. HPG còn được hưởng lợi từ sự cải thiện của hoạt động tài chính. Dự báo lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2013 của CSM tăng 34% và vượt  21% kế hoạch, trong khi dự báo cả năm 2013 lợi nhuận của HPG vượt kế hoạch 42%.

 

Với doanh nghiệp thuộc ngành tiêu dùng có tính mùa vụ như KDC, mặc dù doanh  thu chỉ tăng trưởng 10% nhưng nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả và không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thoái vốn, khiến lợi nhuận trước thuế tăng gần 5 lần so với cùng kỳ của 6 tháng đầu năm 2012. Dự báo kết quả kinh doanh quý III-2013 của KDC sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt do yếu tố mùa vụ vào dịp Tết Trung thu vừa rồi.

 

Ngược lại, VCB và FPT là 2 doanh nghiệp đầu ngành nhưng lợi nhuận không tạo được sự đột biến so với các doanh nghiệp đã phân tích ở trên. Cụ thể, FPT vẫn có doanh thu của các mảng sản phẩm chính tăng trưởng khả quan, nhưng lợi nhuận cả năm dự báo chỉ tăng nhẹ và hoàn thành 95% kế hoạch.

 

Trong khi đó, VCB có thu nhập lãi thuần giảm nhiều nên mặc dù thu phí dịch vụ, thu nhập kinh doanh ngoại hối cải thiện tốt và chi phí hoạt động được tiết giảm, nhưng dự báo cả năm lợi nhuận vẫn giảm nhẹ 4% và hoàn thành 96% kế hoạch.

 

Bất ngờ nhất là 2 đại diện của ngành bất động sản là VIC và HAG cũng đạt được kết quả tương đối khả quan trong 2 quý đầu năm 2013 bất chấp khó khăn chung của thị trường. Tuy vậy, động lực tăng trưởng của 2 doanh nghiệp lại khác nhau.

 

Cụ thể, trong khi VIC chọn cách bán tài sản để bổ sung nguồn tiền thì HAG lại chuyển hướng qua mía đường và thoái vốn bớt một số dự án thủy điện và bất động sản. Trong khi các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang ngụp lặn trong khó khăn, dự báo 2 doanh nghiệp này có khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2013.

 

Các doanh nghiệp đầu ngành thuộc các ngành có yếu tố độc quyền như dầu khí đều có kết quả thuận lợi. Điển hình PVD với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng tốt do hoạt động kinh doanh cốt lõi là dịch vụ khoan vẫn tăng trưởng khả quan, đồng thời chi phí hoạt động và chi phí tài chính giảm.

 

Dự báo lợi nhuận sau thuế 9 tháng năm 2013 tăng trưởng 22% và hoàn thành 99% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, 2 doanh nghiệp kinh doanh khí còn lại là GAS và PGS đạt lợi nhuận tốt do giá vốn giảm và tiết kiệm được chi phí tài chính.

 

Dự báo, lợi nhuận 9 tháng năm 2013 của 2 doanh nghiệp này đều tăng trưởng tốt và vượt kế hoạch năm khoảng 30%.