Dự thảo Thông tư về GD ký quỹ: Luật hóa thực tế

(ĐTCK-online) Giao dịch ký quỹ được NĐT trông đợi từ lâu và khi chưa được pháp luật quy định cụ thể thì một số CTCK đáp ứng nhu cầu này bằng việc triển khai sản phẩm “đòn bẩy tài chính”. Ngày 26/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chính thức công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch mua chứng khoán ký quỹ. ĐTCK ghi nhận ý kiến của một số thành viên thị trường xung quanh dự thảo này.

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc CTCK Agriseco - Chi nhánh TP. HCM

Nghiệp vụ này đã được nhiều CTCK thực hiện từ lâu, trong đó có Agriseco, nhưng thị trường đang đòi hỏi phải có hành lang pháp lý. Dự thảo Thông tư về giao dịch ký quỹ đang được UBCK đưa ra lấy ý kiến, tôi hy vọng sẽ sớm được ban hành. Khi đó, các CTCK lớn có tiềm lực tài chính mạnh sẽ thu hút được NĐT và CTCK nhỏ có thể mất khách hàng. Nhưng đây là sự phân hóa tất yếu và cần thiết. Số lượng CTCK nhiều hay ít và hoạt động ra sao sẽ do thị trường quyết định.

Đối với Agriseco, dù có tiềm lực tài chính mạnh khi Agribank “chống lưng”, nhưng chắc chắn Công ty sẽ thực hiện cẩn trọng, không lấy mục tiêu thu hút khách hàng bằng mọi giá. Bài học về sự đi xuống của thị trường trong năm 2008 vẫn còn nguyên giá trị.

Trong dự thảo Thông tư có một số quy định khá chặt chẽ khi triển khai nghiệp vụ giao dịch mua chứng khoán kỹ quỹ như phải tách riêng tài khoản thường và tài khoản giao dịch ký quỹ của NĐT để quản lý. Về hình thức, các CTCK đang áp dụng nghiệp vụ này, nhưng chưa thực hiện quản lý tách bạch. Tuy nhiên, hệ thống vẫn cho phép CTCK theo dõi số chứng khoán rơi vào vùng “đèn đỏ” mỗi phiên.

 

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC

Phần mềm giao dịch của SJC đang hỗ trợ cho giao dịch vàng. Các phương thức giao dịch trên thị trường vàng khá đa dạng và phát triển so với chứng khoán nên về hình thức, hệ thống lõi của SJC đã sẵn sàng cho giao dịch ký quỹ.

Thực tế hiện nay, hầu hết CTCK đã triển khai nghiệp vụ này mà mọi người hay gọi chung bằng thuật ngữ “đòn bẩy tài chính”. Vấn đề là hoạt động này đang thực hiện tự phát, nên ngay cả cơ quan quản lý thị trường cũng không thể nắm được tổng số tiền mà các CTCK tài trợ cho NĐT là bao nhiêu. Vì thế, khi TTCK đi xuống, khá nhiều người đổ lỗi cho việc các CTCK sử dụng đòn bẩy tài chính, nhưng không ai nêu con số cụ thể chứng minh tác động của nghiệp vụ này tới thị trường. Cho nên, pháp luật có quy định cụ thể về giao dịch ký quỹ sẽ tạo sân chơi công bằng cho các CTCK. Đồng thời, UBCK có thể quản lý thị trường và đề ra chính sách phòng hộ hữu hiệu.

Khi các CTCK triển khai nghiệp vụ mới, theo tôi, sẽ không xảy ra tình trạng “chảy máu” khách hàng hay xáo trộn lớn trên thị trường khi NĐT tại các CTCK nhỏ chảy về CTCK có tiềm lực tài chính mạnh hoặc có ngân hàng “chống lưng”. Bởi lẽ, thứ nhất, hiện nay các khách hàng “VIP” đã tự tìm về các CTCK có thể cung cấp gói hỗ trợ tài chính lớn và dịch vụ đa dạng. Thứ hai, trong dự thảo Thông tư đã quy định rõ, để được CTCK cung cấp dịch vụ thì NĐT phải mở tài khoản tại CTCK tối thiểu 3 tháng.

Về mức độ rủi ro với CTCK cũng không đáng quan ngại khi CTCK có quyền lựa chọn đối tượng cho vay và tỷ lệ cho vay giao dịch mua chứng khoán ký quỹ tối thiểu 50% giá trị chứng khoán tại thời điểm mua.

Việc đưa nghiệp vụ giao dịch mua chứng khoán ký quỹ vào thực tế, theo tôi là điều được thị trường trông đợi khi chính sách đang có độ trễ so với thực tế.

 

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Hiện nay, không chỉ VDSC mà tất cả các CTCK lớn đều đã cung cấp sản phẩm này này dưới nhiều tên gọi và hình thức khác nhau như bảo chứng, đòn bẩy tài chính, gói dịch vụ T+… Sản phẩm này được các CTCK thực hiện ở mức độ vừa làm vừa nhìn nhau, chỉ khác nhau ở ba vấn đề: thứ nhất, lãi suất phụ thuộc vào tiềm lực tài trợ tài chính của mỗi CTCK; thứ hai, thời hạn thanh toán dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào tính chất nguồn vốn của CTCK mạnh hay không mạnh; thứ ba, tỷ lệ ký quỹ các CTCK áp dụng cho NĐT. Riêng VDSC triển khai nghiệp vụ này theo nhu cầu khách hàng và vừa làm vừa tham khảo các CTCK bạn, thực hiện từ quý II/2009.

Đa số CTCK đã chuẩn bị sẵn sàng cho nghiệp vụ này khi được cơ quan quản lý chính thức “bật đèn xanh”.

Mặc dù mới là dự thảo và cần chỉnh sửa, nhưng Thông tư về giao dịch ký quỹ được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các CTCK. Sản phẩm này này nên được nhìn nhận trên cả hai khía cạnh: tích cực (hỗ trợ cho NĐT và tăng tính thanh khoản khi thị trường đi lên) và tiêu cực (các rủi ro khi thị trường đi xuống). Nghiên cứu sợ bộ tôi thấy, Dự thảo khá nới lỏng với đối tượng áp dụng (các CTCK - không yêu cầu có nguồn lực lớn), nhưng chặt chẽ với các điều kiện áp dụng, kiểm soát. Theo tôi, tinh thần của Thông tư nên quản lý chặt chẽ ban đầu nhằm hướng tới mục tiêu an toàn và sau đó nới lỏng dần.