Đừng để nhà đầu tư quay lưng

Đừng để nhà đầu tư quay lưng

(ĐTCK-online) "Sách chứng khoán à? Chứng khoán bây giờ hết thời rồi. Không ai mua đâu!" - chị chủ cửa hàng sách trả lời người mang đến bán. "Cả tháng nay không bán được quyển sách chứng khoán nào. Em có đồng ý thì chị lấy 5.000 đồng/quyển, chứ chỗ khác, có khi họ mua theo cân", chị nói tiếp.

Tôi quay lại nhìn thì thấy chàng trai đứng tần ngần bên đống sách. "Sách còn mới, chị trả em thêm. Trước đây, em bỏ ra tiền triệu để mua chỗ sách này đấy", chàng trai nói. "Chị không trả rẻ em đâu. Không biết đến bao giờ mới bán được", chị trả lời với giọng thờ ơ.

Rẻ quá. Bất giác tôi nghĩ tới một số cổ phiếu có giá dưới mệnh giá trên sàn. Cổ phiếu bị rẻ rúng, sách chứng khoán hiếm người mua là phải.

Tôi tiến lại gần đống sách mà chàng trai đem bán. Các đầu sách này tôi đều có. Nếu không, tôi mua ngay, bởi tôi cũng là NĐT chứng khoán.

Quay sang bắt chuyện với chàng trai bán sách, cậu ta cho hay, sau 2 năm đầu tư chứng khoán, lương từ công việc chính của cậu gần như "cuốn theo chiều gió", đó là chưa kể đến số vốn đầu tư chung của một số người thân quen. Không chịu nổi áp lực từ sự suy giảm kéo dài của TTCK, cậu quyết tâm rời bỏ.

Buồn. Tôi cũng đang thua lỗ!

Không ít ý kiến cho rằng, mua cổ phiếu trong lúc toàn bộ thị trường đang giao dịch ở mức giá thấp như hiện nay là khá an toàn, vì tâm trạng lo sợ dìm giá xuống thấp hơn giá trị thực và thị trường sẽ sớm quay về "số trung vị". Tôi đã nhiều lần mua thêm cổ phiếu để bình quân giá với niềm vui "ít tốn kém hơn mà vẫn tăng thêm được số cổ phiếu vào danh mục đầu tư". Nhưng bây giờ, niềm vui đó đã được thay bằng nỗi lo, khi giá tiếp tục giảm. Các chuyên gia đều khuyên đầu tư dài hạn, nhưng đầu tư dài hạn 1 - 2 năm qua vẫn thua lỗ. Cầm cự đến bao giờ?

Bên cạnh lý do kinh tế vĩ mô khó khăn, nhiều DN suy giảm lợi nhuận thì nội tại TTCK cũng khiến giá cổ phiếu có xu hướng đi xuống kéo dài. Đó là chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn hiện tượng thao túng giá, thông tin thiếu minh bạch và kịp thời, công cụ đầu tư nghèo nàn… Nếu những bất cập đó không sớm được tháo gỡ, thì e rằng, tình trạng NĐT rời bỏ thị trường sẽ còn tiếp tục.

Trước mắt, tôi cho rằng, cơ quan quản lý nên nghiên cứu phương án cho phép NĐT bán khống (vay chứng khoán để bán). Bán khống có thể khiến thị trường sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng thà như thế để thị trường bật dậy (vì NĐT bán khống sau đó phải mua vào trả nợ) và đi vào ổn định (cùng với giao dịch ký quỹ, bán khống sẽ giúp thị trường sửa chữa những bất hợp lý của giá cổ phiếu), còn hơn là cứ mỗi ngày một sụt giảm vì NĐT mất niềm tin như hiện nay.