Taxi truyền thống đang bị taxi điện cạnh tranh mạnh

Taxi truyền thống đang bị taxi điện cạnh tranh mạnh

Đường "hẹp lại" với Vinasun (VNS)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp, mã chứng khoán VNS) đang “hồi sức” sau giai đoạn lỗ lớn vì dịch Covid-19 thì lại phải bước vào cuộc cạnh tranh mới.

Cổ đông lớn thoái vốn

Vừa qua, cổ đông lớn của Vinasun Corp là Tael Two Partners Ltd đăng ký bán 2,5 triệu cổ phiếu VNS, theo đó sẽ giảm sở hữu xuống còn hơn 9,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 14,61%. Mục đích bán ra là nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Đây là lần đăng ký bán thứ hai, sau lần một không thành công vì thanh khoản thị trường thấp.

Vinasun Corp là khoản đầu tư đầu tiên của Tael Two Partners Ltd tại Việt Nam khi năm 2013 mua 3 triệu cổ phiếu VNS phát hành riêng lẻ với giá 45.000 đồng/cổ phiếu và liên tục gia tăng sở hữu lên tỷ lệ 18,3%, nhưng giờ đây bắt đầu thoái vốn.

Trước đó, một cổ đông lớn khác của Vinasun Corp là nhà đầu tư Nguyễn Kim Phượng bán ra 300.000 cổ phiếu, giảm sở hữu xuống hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,81% và không còn là cổ đông lớn kể từ ngày 20/10/2023.

Động thái thoái vốn của hai cổ đông lớn diễn ra khi đà hồi phục sau dịch Covid-19 của Vinasun Corp chậm lại theo từng quý.

Lợi nhuận quý III/2023 giảm mạnh

Vinasun Corp từng đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc do lợi nhuận sau thuế âm nhiều quý liên tiếp (năm 2020 và 2021 lỗ tổng cộng hơn 480 tỷ đồng), nhưng mục tiêu “bằng mọi giá phải có lãi” đã giúp Công ty có lợi nhuận dương kể từ quý I/2022.

Đỉnh kinh doanh sau dịch Covid-19 của Vinasun Corp là quý III/2022, khi doanh nghiệp taxi này mang về 353 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lãi sau thuế. Từ đó đến nay, lợi nhuận theo quý giảm dần, trong khi doanh thu trồi sụt.

Đến quý III/2023, Vinasun Corp ghi nhận doanh thu 312,5 tỷ đồng, tăng 3,3% so với quý II, nhưng giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Công ty duy trì chính sách hỗ trợ lái xe và đối tác khiến lợi nhuận sau thuế giảm 18% so với quý II và giảm 46% so với cùng kỳ, xuống 32,8 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, Vinasun Corp mang về 941 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ. Do các chi phí đồng loạt tăng khiến lợi nhuận sau thuế giảm hơn 3%, còn xấp xỉ 126 tỷ đồng.

So với kế hoạch năm 2023 là đạt doanh thu 1.345 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 209 tỷ đồng (lần lượt tăng 23% và 13% so với năm 2022), Vinasun Corp đã hoàn thành được 70% mục tiêu doanh thu và 60% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Tính đến 30/9/2023, Vinasun Corp có 1.934 nhân viên, giảm 79 người so với đầu năm và chỉ bằng 1/3 số lượng nhân viên thời điểm trước dịch Covid-19 là 5.790 người cuối năm 2019.

Áp lực cạnh tranh

Sau giai đoạn thua lỗ năm 2020 - 2021, Vinasun Corp hồi phục mạnh, riêng quý III/2022 lãi sau thuế 60 tỷ đồng, nhưng mức lãi theo quý từ đó đến nay giảm dần.

Vừa hồi sức sau giai đoạn dịch bệnh, Vinasun Corp đặt kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường miền Nam, nhưng nhanh chóng đối mặt với áp lực bị chia sẻ thị phần bởi sự gia nhập của hãng taxi thuần điện đầu tiên có thương hiệu Xanh SM.

Xanh SM đang có tốc độ phủ sóng nhanh khi sau 5 tháng ra mắt đã có mặt tại 17 tỉnh, thành phố. Hãng này ấp ủ mục tiêu mở rộng quy mô đội xe lên đến 30.000 taxi điện và 90.000 xe máy điện, phủ xanh ít nhất 27 tỉnh, thành phố tại Việt Nam và mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực ngay trong năm 2023.

Theo Vinasun Corp, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khi có thêm đối thủ cạnh tranh đều sẽ có tác động đến thị phần. Công ty tự tin vào bản thân khi đã có kinh nghiệm từ năm 2015 - 2016, thời điểm các đối thủ là taxi công nghệ (Grab, Uber) xuất hiện, nhưng các hãng taxi truyền thống như Vinasun Corp, Mai Linh… vẫn chia nhau phần lớn “miếng bánh” thị phần.

Mặc dù vậy, Vinasun Corp cũng đã phải thay đổi nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường, thị hiếu người dùng, tái cấu trúc để thích nghi với cuộc chơi mới, nhưng vẫn giữ phương thức kinh doanh doanh taxi truyền thống. Cụ thể, Vinasun Corp chuyển đổi từ mô hình phân chia phí taxi sang mô hình cho thuê xe, nhượng quyền thương hiệu. Bên cạnh đó, Công ty phát triển công nghệ, phần mềm hiện đại với các ứng dụng di động, mở rộng mảng kinh doanh thương quyền.

Nhờ đẩy mạnh phát triển ứng dụng di động, app gọi xe, số lượng khách đặt thông qua app mỗi ngày của Vinasun Corp tăng mạnh, đạt 17.022 lượt trong năm 2022.

Lợi thế của taxi truyền thống là xe chạy xăng, giá cước ổn định, số lượng xe lớn nên có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời chạy được đường dài. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Xanh SM đang cạnh tranh mạnh mẽ với taxi truyền thống, khi người dân dần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông giảm phát thải.

Vì thế, theo ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun Corp, Công ty bắt đầu tính đến phương án phát triển xe điện, dù xác định đây là kế hoạch dài hạn. Theo đó, Vinasun Corp sẽ đánh giá tính khả thi ở mọi phương diện khi đưa một phương tiện vào kinh doanh, đồng thời quan tâm 4 vấn đề: chi phí đầu tư; chi phí vận hành; chi phí bảo dưỡng, phụ tùng và giá xe khi thanh lý, cùng tính thanh khoản. Bên cạnh đó, Công ty tính đến hiệu suất thời gian, chi phí cơ hội của các lái xe.

Trước mắt, Vinasun Corp tập trung vào thị trường mà Công ty đang có thế mạnh như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, tiếp tục đầu tư xe và nâng cao chất lượng dịch vụ, cũng như nâng cao chất lượng phương tiện. Riêng năm nay, Vinasun Corp dự kiến đầu tư thêm 700 xe, thanh lý và bán trả chậm cho lái xe để kinh doanh dưới hình thức thương quyền khoảng 450 xe.

Ngoài ra, Vinasun Corp đưa ra các tính năng thuận lợi và thanh toán linh hoạt cho khách hàng trong việc đặt xe như VNS Prepaid - Vinasun trả trước; thanh toán cước phí taxi trực tiếp từ ví MoMo, Zalopay, Payoo...

Trong thời gian qua, Vinasun Corp còn liên tục triển khai các chương trình ưu đãi cho người dùng, mới đây nhất chương trình tích điểm dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ taxi kể từ tháng 9.

Tin bài liên quan