E ngại một đợt tăng lãi suất nữa từ Fed, giới đầu tư ồ ạt xả hàng

E ngại một đợt tăng lãi suất nữa từ Fed, giới đầu tư ồ ạt xả hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chỉ số chính của phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (20/9), khi giới đầu tư tiếp tục bán ra ngay trước thềm cuộc họp của Fed.

Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp chính sách của họ kết thúc vào thứ Tư. Hiện thị trường đánh giá có 17% khả năng Fed tăng lãi suất thêm 1% và dự báo lãi suất sẽ tăng chạm mức 4,49% vào cuối quý I/2023.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Mỹ đã tăng lên 3,56%, mức cao nhất kể từ tháng 4/2011, trong khi đường cong lợi suất được theo dõi chặt chẽ giữa trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm lại tiếp tục đảo ngược.

Sự đảo ngược của đường cong lợi suất được coi là một chỉ báo đáng tin cậy cho thấy suy thoái sẽ xảy ra sau một đến hai năm.

Phiên này, tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm điểm, trong đó các lĩnh vực nhạy cảm với nền kinh tế như bất động sản giảm 2,6% và vật liệu giảm 1,9% là những ngành giảm điểm mạnh nhất.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 19,1% trong năm nay do các nhà đầu tư lo ngại các biện pháp thắt chặt chính sách của Fed có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Đáng chú ý, chỉ số này đã đóng cửa phiên thứ ba liên tiếp dưới 3.900 điểm, mức được các nhà phân tích kỹ thuật coi là hỗ trợ mạnh mẽ, khi viễn cảnh tồi tệ của tuần trước từ công ty chuyển phát FedEx Corp được lặp lại và lần này đến lượt sản xuất ô tô Ford Motor.

Theo đó, cổ phiếu của Ford giảm 12,3%, mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2011, sau khi hãng này đánh dấu một khoản chi phí dự kiến tăng thêm hơn ​​1 tỷ USD do lạm phát,

Trong những diễn biến khác, dữ liệu về thị trường nhà mới được công bố cho thấy, xây dựng nhà ở mới bất ngờ tăng trong tháng 8, mặc dù giấy phép xây dựng đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Dow Jones giảm 313,45 điểm (-1,01%), xuống 30.706,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,96 điểm (-1,13%), xuống 3.855,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 109,97 điểm (-0,95%), xuống 11.425,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa ở mức thấp nhất trong 11 tuần, kéo dài phiên giảm thứ sáu liên tiếp.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,1% xuống 403,38 điểm, với gần như tất cả các ngành chính đều chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lao dốc, giảm 4,1% do các tên tuổi lớn ở Thụy Điển dẫn đầu đà đi xuống, sau khi Riksbank khởi động tuần lễ u ám của các ngân hàng trung ương với việc bất ngờ tăng lãi suất thêm 1%.

Động thái này có thể làm trầm trọng thêm những thách thức mà ngành bất động sản phải đối mặt với đòn bẩy lớn, cổ phiếu Fastighets AB Balder niêm yết tại Stockholm, Wallenstam và Sagax, đã giảm từ 6% đến 7%.

Chỉ số chứng khoán chính của Thụy Điển theo đó giảm 2% xuống mức thấp nhất gần hai năm.

Vào thứ Tư, Fed có thể sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp, duy trì lập trường cứng rắn của mình đối với lạm phát đang ở mức đỉnh trong nhiều thập kỷ.

Các thị trường cũng sẽ theo dõi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh, xem liệu cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% hay 0,75%.

Đáng chú ý khác, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, các công ty tiện ích Đức RWE và Uniper đã tiến gần hơn đến việc đạt được các thỏa thuận dài hạn để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ dự án Mở rộng mỏ phía Bắc của Qatar để giúp thay thế khí đốt của Nga, các nguồn tin cho biết.

Một nguồn tin khác cho biết, Chính phủ Đức dự kiến ​​sẽ công bố một thỏa thuận về việc quốc hữu hóa Uniper vào thứ Tư.

Cổ phiếu của Uniper và công ty mẹ Fortum đã tăng lần lượt từ 3,8% đến 9,5%.

Kết thúc phiên 20/9: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 44,02 điểm (-0,61%), xuống 7.192,66 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 132,41 điểm (-1,03%), xuống 12.670,83 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 82,12 điểm (-1,35%), xuống 5.979,47 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục giảm do đồng USD vẫn duy trì ở mức cao và các nhà đầu tư dự đoán các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn cũng ảnh hưởng đến thị trường dầu, thậm chí nhiều nền kinh tế hàng đầu như Mỹ được dự báo sớm rơi vào trạng thái suy thoái kinh tế khi Fed tăng mạnh lãi suất.

Kết thúc phiên 20/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,28 USD/thùng (-1,52%), xuống 84,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,38 USD/thùng (-1,52%), xuống 90,62 USD/thùng.

Tin bài liên quan