Ngành quỹ Việt Nam được kỳ vọng “sang trang mới” với sản phẩm ETF

Ngành quỹ Việt Nam được kỳ vọng “sang trang mới” với sản phẩm ETF

ETF: 1 tỷ USD và sự khởi đầu dự kiến 100 tỷ đồng

(ĐTCK) Quy mô đầu tư của 2 quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) nước ngoài là Market Vectors Vietnam (VNM) và DBx -trackers FTSE Vietnam (DBx) lên tới gần 1 tỷ USD. Trong khi đó, quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam đang huy động vốn để thành lập, với quy mô ban đầu dự kiến 100 tỷ đồng.

ETF: phổ cập trên thế giới

Theo nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), trên thị trường tài chính thế giới, ý tưởng về loại quỹ ETF xuất hiện từ năm 1973 bởi Ngân hàng Well Fargo và Ngân hàng Quốc gia Mỹ.

Hai năm sau đó, quỹ ETF đại chúng chính thức ra đời vào ngày 31/12/1975 tại thị trường Mỹ, với tổng tài sản ban đầu là 11 triệu USD, quỹ mô phỏng theo chỉ số S&P 500. Đến năm 1999, tổng tài sản của quỹ này đã lên đến 100 tỷ USD. Từ năm 1993, hàng loạt định chế tài chính lớn liên tục cho ra những sản phẩm quỹ ETF và đến năm 1999, thị trường tài chính châu Á cho ra quỹ ETF đầu tiên tại Sở GDCK Hồng Kông.

Đến tháng 2/2014, thế giới có trên 5.000 sản phẩm liên quan đến quỹ ETF với giá trị tài sản khoảng 2.500 tỷ USD, cho thấy một sự tăng trưởng bùng nổ của ETF. Không những về quy mô, sản phẩm về quỹ ETF còn mở rộng và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác như quỹ ETF theo ngành, quỹ ETF về hàng hóa, về trái phiếu, về hợp đồng tương lai và nhiều lớp tài sản khác.

Sở dĩ ETF trở thành công cụ đầu tư được ưa thích bởi đây là loại quỹ đầu tư thụ động, theo chỉ số, nên chi phí mà quỹ phải trả thấp hơn nhiều so với các quỹ đầu tư chủ động khác. Thông thường, chi phí hoạt động của quỹ từ 0,76% đến 1,5%/năm, so với mức thu 2 - 3% năm của các quỹ đầu tư chủ động. Vì thế, ETF là một phương thức đầu tư giá thấp, tiết kiệm cho nhà đầu tư. ETF tận hưởng được ưu điểm của cả quỹ mở và quỹ đóng, là công cụ niêm yết và giao dịch dễ dàng trên thị trường.

Ưu điểm thứ hai, ETF là loại hình đầu tư có tính minh bạch cao, nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ đóng hoặc quỹ mở không thể biết hết danh mục đầu tư của quỹ. Tuy nhiên, nếu mua ETF, nhà đầu tư biết rõ danh mục đầu tư của quỹ trước khi quyết định và hàng ngày có thể theo dõi danh mục của quỹ để chủ động đưa ra những quyết định mua bán. ETF còn khác biệt ở chỗ, giá trị tài sản ròng được công bố hàng ngày, hàng giờ, thậm chí theo đơn vị là giây trên Sở GDCK, nên nhà đầu tư dễ dàng phản ứng nhanh với khoản đầu tư.

…nhưng quá mới ở Việt Nam

Với ưu điểm đặc thù như vậy, tại Việt Nam, từ năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tạo nền cho việc ra đời quỹ ETF. Hai năm sau đó, hình hài quỹ ETF đầu tiên mới được định hình. Quỹ VFMVN30ETF đang chào bán chứng chỉ quỹ, với mức dự kiến huy động ban đầu khoảng 100 tỷ đồng (mức huy động tối thiểu là 50 tỷ đồng). Trong giai đoạn đầu tiên này, khách hàng của quỹ ETF chủ yếu là các tổ chức đầu tư, cụ thể là CTCK. Để ETF được ưa thích trong giới đầu tư đại chúng là một câu chuyện không đơn giản, bởi loại hình quỹ này có cấu trúc vận hành rất phức tạp, không dễ để hiểu và vận dụng trong đầu tư.

Bản cáo bạch Quỹ VFMVN30ETF dài 70 trang với rất nhiều khái niệm mới mà dân trong ngành cũng khó có thể nắm bắt ngay khi đọc. Vì là loại hình quỹ thụ động, nên bước khởi tạo quỹ cũng như khung pháp lý quản lý sự vận hành của quỹ được quy định rất chặt chẽ. Với nhà đầu tư, tiếp cận ETF đòi hỏi phải hiểu nhiều khái niệm mới như: chứng khoán cơ cấu, hoán đổi danh mục, ngày định giá, giá trị tài sản ròng của các lô chứng chỉ quỹ, giá trị tài sản ròng tham chiếu trên một chứng chỉ quỹ…, những khái niệm chưa từng có trong các sản phẩm chứng khoán hiện hữu ở Việt Nam.

Theo ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm ủy viên HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE), sự hiểu biết của nhà đầu tư về sản phẩm đóng vai trò quyết định. Vì vậy, tại HOSE, công tác tuyên truyền về sản phẩm mới được chú trọng thực hiện với 2 đối tượng là nhà báo và CTCK. Từ năm 2012, HOSE đã tổ chức hội thảo hoặc phối hợp đào tạo, phổ biến kiến thức về sản phẩm mới cho 2 đối tượng này, nhưng gần đây, công tác này được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Tháng 6 - 7 vừa qua, HOSE tổ chức 8 buổi phổ biến kiến thức về ETF cho CTCK và nhà đầu tư, đồng thời đã và sẽ phối hợp với báo chí để truyền thông về ETF...

Tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), ông Lê Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, HNX đã xây dựng những tờ rơi giới thiệu về ETF và sẵn sàng tổ chức các buổi nói chuyện về ETF tại “Góc nhà đầu tư” của Sở. Hiện HNX công bố lịch nói chuyện về ETF dự kiến vào các chiều thứ Năm hàng tuần dành cho các đối tượng với điều kiện có tối thiểu 20 người tham dự.

Với sự nỗ lực của các bên liên quan, bước khởi đầu ETF “made in Vietnam” có quy mô dự kiến rất khiêm tốn so với ETF ngoại đang hiện hữu trên thị trường Việt Nam, nhưng sản phẩm này được nhiều người kỳ vọng như “trang mới” của ngành quỹ. Tuy nhiên, để thực sự “bước sang trang”, công tác phổ biến kiến thức cần được làm rộng hơn nữa để thị trường và nhà đầu tư hiểu sản phẩm, mới có thể sẵn sàng tham gia. 

Tin bài liên quan