Evergrande NEV chiến đấu để sinh tồn sau khi thề sẽ vượt qua Tesla

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đầu năm 2019, China Evergrande New Energy Vehicle Group tuyên bố sẽ vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, nhưng hiện nay, công ty này đang bên bờ vực phá sản.
Evergrande NEV chiến đấu để sinh tồn sau khi thề sẽ vượt qua Tesla

Evergrande NEV, công ty con của tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group đang tìm kiếm một cứu cánh sau khi phát đi thông báo vào tháng trước rằng, họ sẽ cần phải ngừng sản xuất tại nhà máy ở Thiên Tân trừ khi có được nguồn vốn mới.

Hiện có nhiều nhà đầu tư đang để mắt tới Evergrande NEV, nói đúng hơn là nhắm tới giấy phép sản xuất ô tô điện của công ty này. Bởi Trung Quốc đang siết chặt việc cấp phép thành lập công ty xe điện mới sau làn sóng đổ vào lĩnh vực này để hưởng ưu đãi trước đó khiến thị trường quá đông đúc và nhiều nhà máy đang bị bỏ hoang. Trong đó có cả Evergrande NEV khi nhà sản xuất xe điện từng có nhiều tham vọng này mới chỉ giao được 900 xe rồi dừng sản xuất nhiều năm qua.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ phải đối mặt với một số rào cản khi đầu tư vào Evergrande NEV.

Thứ nhất là thủ tục pháp lý. Không chỉ siết chặt việc cấp phép mới, Bắc Kinh còn kiểm soát khá chặt cả việc chuyển nhượng giấy phép sản xuất xe điện. Trung Quốc yêu cầu người nhận phải chứng minh khả năng tài chính và công nghệ của họ, đồng thời cho thấy họ đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về hồ sơ bán hàng. Điều này có thể làm phức tạp thêm thủ tục và nản lòng một số bên.

Trong khi các quan chức từ tỉnh Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở chính sẽ sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư mới để giúp tiếp tục sản xuất tại nhà máy Nansha của Evergrande NEV ở Quảng Châu. Tuy nhiên, thực tế là giấy phép sản xuất chính của Evergrande NEV lại được cấp ở Thiên Tân, nơi đặt nhà máy sản xuất chính của Evergrande NEV. Trong khi đó, Thiên Tân lại yêu cầu bất kỳ nhà đầu tư mới nào trước tiên sẽ cần phục hồi ít nhất 80% công suất sản xuất của cơ sở Thiên Tân, khoảng 40.000 ô tô mỗi năm. Đây là việc cần có thời gian và tiền bạc mà không phải nhà đầu tư nào cũng đáp ứng được.

Được biết, Evergrande NEV đã giành được giấy phép sản xuất ô tô vào năm 2019 nhờ mua lại cổ phần của National Electric Vehicle Sweden AB, một công ty xe điện của Thụy Điển tại Saab Automobile.

Thứ hai là yêu cầu của Evergrande NEV về việc ít nhất một số đội ngũ quản lý của Công ty được ở lại. Điều này không phù hợp với một số nhà đầu tư mới tiềm năng khi họ không muốn kế thừa nhân viên cũ của công ty và muốn tìm hướng phát triển khác.

Thứ ba là khoản nợ khổng lồ của Evergrande NEV. Công ty này cho biết trong một hồ sơ trao đổi vào tháng trước rằng, đang tìm kiếm nguồn tài chính trị giá hơn 29 tỷ nhân dân tệ (4,2 tỷ USD), nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về thời gian hoặc địa điểm họ có thể huy động các khoản tiền đó. Ngay cả khi được bơm vốn mới, Evergrande NEV cho biết, họ vẫn sẽ có khoản nợ đến hạn từ 5 - 7 tỷ nhân dân tệ từ năm 2023 đến năm 2026. Đây là một thách thức không nhỏ về tài chính với các nhà đầu tư tiềm năng.

Evergrande, công ty mẹ của Evergrande NEV đang có các khoản nợ nhiều nhất thế giới, gần đây đã trình bày chi tiết về kế hoạch tái cấu trúc trị giá hàng tỷ USD kêu gọi các chủ nợ nước ngoài hoán đổi khoản nợ của họ để lấy trái phiếu mới.

Giữ cho Evergrande NEV tồn tại cũng rất quan trọng đối với các chủ nợ của China Evergrande Group, những người được cung cấp khả năng chuyển đổi một phần khoản nợ khó đòi của họ thành các công cụ vốn có liên quan đến Evergrande NEV, theo một đề xuất tái cấu trúc được đưa ra vào tháng 3. Những công cụ đó bao gồm trái phiếu chuyển đổi bắt buộc sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu trong đơn vị ô tô điện với giá 3,84 USD 2 năm sau ngày tái cơ cấu có hiệu lực. Giá chuyển đổi cao hơn 20% so với giá giao dịch cuối cùng là 3,2 USD của Evergrande NEV, có nghĩa là triển vọng trong tương lai của họ cũng sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng đối với triển vọng trả các khoản nợ.

Một thách thức khác nữa mà nhà đầu tư mới phải đối mặt là thị trường ô tô điện của Trung Quốc đang ngày càng trở nên khốc liệt. Các mẫu xe từ các công ty mới như Nio, Xpeng và Li Auto đã tràn vào thị trường, bổ sung vào các sản phẩm hiện có từ những công ty lâu đời hơn là đang là 2 nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới là Tesla (Mỹ) và BYD (Trung Quốc). Điều đó, kết hợp với nhu cầu tiêu dùng mờ nhạt gần đây sau Covid, đã gây ra một cuộc chiến giá cả lớn ở Trung Quốc, với việc giảm giá tới 15% cho một số mẫu ô tô điện không phải là hiếm.

Tin bài liên quan