EVFTA - Đòn bẩy thúc đẩy thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN.

Chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới” do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham tổ chức sáng 27/10/2021 với sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP; Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, sau 1 năm chính thức có hiệu lực, Hiệp định EVFTA không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều, mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Đại dịch COVID-19 gây ra.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, trước bối cảnh kinh tế phục hồi, cùng sự định hình và phát triển của những xu hướng thương mại, đầu tư mới, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện thuận lợi, khả năng cạnh tranh để Việt Nam tham gia vào quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng với các đối tác EU, mở ra cơ hội về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Diễn đàn

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt, chủ động thích nghi, đổi mới chính mình để đón đầu những cơ hội mới khi nền kinh tế chuyển trạng thái hậu COVID-19.

Bộ Công Thương, cùng hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp hai Bên khai thác tối đa ưu thế từ Hiệp định EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam, sau một năm thực thi Hiệp định, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.

Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, nhưng 9 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi tại sự kiện, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước đều bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế và phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – EU trong bối cảnh bình thường mới; đồng thời cũng chỉ ra không ít những thách thức đặt ra trước mắt, đặc biệt là diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần xây dựng các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới; khơi thông mọi nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi kinh tế thế giới.

Chủ tịch EuroCham, ông Alain Cany, nhấn mạnh hai bên cần hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề tồn tại vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nhận định với việc dịch bệnh được kiểm soát trở lại, cùng lợi thế lớn từ EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một điểm đến ổn định, an toàn, thịnh vượng và cạnh tranh.

Trước những thời cơ và thách thức đan xen giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực nội tại, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới, tham gia sâu vào tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

Tin bài liên quan