Các cổ phiếu “nóng” vẫn đang thu hút nhà đầu tư, nhưng dòng tiền dần chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu cơ bản.

Các cổ phiếu “nóng” vẫn đang thu hút nhà đầu tư, nhưng dòng tiền dần chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu cơ bản.

F0 bám thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư mới (F0) có lãi, nhưng dù lãi hay lỗ đều tích cực học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để đi bền với thị trường.

Niềm tin chiến thắng

Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán trong nước đạt 4,08 triệu, trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới chỉ đạt 2,77 triệu.

Như vậy, 11 tháng đầu năm 2021 có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản, gấp 3,3 lần số lượng tài khoản mở mới của cả năm 2020.

Anh Nguyễn Đức Tùng, một nhà đầu tư mở tài khoản trong năm 2021 chia sẻ: “Nửa đầu năm 2021, thị trường dễ đầu tư, hầu như mua đâu thắng đó. Bạn bè tôi có nhiều người chơi và toàn khoe lãi 25%, 30%, thậm chí 50%, cá biệt có người khoe ăn bằng lần. Vậy nên, tôi cũng đầu tư vào chứng khoán theo lời hướng dẫn của bạn bè”.

Tuy nhiên, thời điểm anh Tùng tham gia đầu tư là giữa năm 2021, thị trường trở nên khó dự đoán hơn, cổ phiếu ngành ngân hàng và thép từng “sốt sình sịch” bỗng đảo chiều, khiến anh phải cắt lỗ. Nhờ một số lần “lướt sóng” ở các nhóm ngành khác nên nhà đầu tư này gỡ lại được phần lớn khoản “học phí cao” cho bài học “đu đỉnh” đầu tiên.

Tôi sẽ nắm giữ các cổ phiếu trong danh mục đến khi nào lãi trên 15% mới bán, vì kỳ vọng vào đợt tăng trước Tết, nhất là trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi.

Nhà đầu tư Nguyễn Đức Tùng

Hiện tại, tài khoản của anh Tùng chưa có lãi và giá các cổ phiếu trong danh mục có diễn biến “lình xình”, tăng/giảm nhẹ, bao gồm một mã ngân hàng, nhưng anh quyết định khi nào lãi trên 15% mới bán, vì kỳ vọng vào “sóng” trước Tết trong bối cảnh kinh tế bắt đầu phục hồi.

Nhà đầu tư Phương Anh may mắn hơn khi thường xuyên ghi nhận lợi nhuận. Trong đó, thương vụ thành công gần nhất là ngày 28/12/2021 bán 10.000 cổ phiếu ROS mà trước đó mua ở mức giá trung bình 7.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức lãi 100% sau hơn 1 tháng. Số tiền thu về, chị chuyển sang mua một số cổ phiếu khác.

“Giờ tôi đã hiểu tại sao xung quanh tôi ai cũng đều bỏ tiền vào đầu tư chứng khoán. Ngoài cơ hội kiếm lời nhanh, chứng khoán như trò chơi tàu lượn mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ mà công việc văn phòng không thể nào có”, nhà đầu tư “tham ô” thời gian làm việc ở văn phòng để đầu tư chứng khoán trên nói.

Khẩu vị đầu tư của chị Phương Anh là những mã cổ phiếu riêng lẻ có “game”, vì giá có thể tăng bằng lần trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giờ đây, chị quyết định sẽ bớt mạo hiểm hơn và tập trung vào các cổ phiếu an toàn. Nhiều người khác cũng vậy, khi đã trải qua các đợt tăng giảm mạnh, tức các phiên “giông bão” của thị trường nói chung, cổ phiếu “nóng” nói riêng, họ có xu hướng tìm đến những cổ phiếu cơ bản nhằm đảm bảo an toàn tài khoản.

Chị Phương Anh đánh giá, trong ba tháng gần đây, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa rất hấp dẫn, thu hút lượng tiền lớn chảy vào. Ngược lại, nhóm vốn hóa lớn có phần yếu thế, nhưng dự đoán cổ phiếu ngành ngân hàng có thể sớm quay lại dẫn dắt thị trường nhờ các yếu tố vĩ mô khả quan và triển vọng của gói kích cầu kinh tế lớn, nên chị đang xem xét mua các mã TCB, ACB, SHB.

Anh Tùng có chung quan điểm khi cho rằng, năm 2022, nhóm ngành ngân hàng và thép sẽ khởi sắc trở lại, đưa các nhà đầu tư mua ở vùng giá cao “về bờ” sau đợt giảm giá rồi đi ngang kéo dài.

Chiến lược đầu tư phải linh hoạt

Theo nhà đầu tư Nguyễn Duy Hưng, thị trường vừa trải qua một năm đầy biến động trong hoàn cảnh đặc biệt. VN-Index đã chạm mốc 1.500 điểm, thanh khoản có phiên vượt 50.000 tỷ đồng. Dòng tiền không còn tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, mà dịch chuyển sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Hiện tại, thị trường đòi hỏi nhà đầu tư, nhất là F0, phải thực sự tinh tế, linh hoạt, “lắng nghe” vĩ mô để đưa ra phương án đầu tư hợp lý hơn.

Chẳng hạn, với ngành thép, nhà đầu tư không thể chỉ dựa vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận để lựa chọn cổ phiếu. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các nước đều đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào cơ sở hạ tầng, nên cần vật liệu xây dựng. Khoảng 50% chi phí vật liệu xây dựng là sắt thép.

Nhu cầu tăng vọt cộng với một số yếu tố khác khiến giá thép trong năm 2021 tăng cao, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp ngành này. Giá cổ phiếu thép tăng đột biến trong giai đoạn đầu năm 2021 đã phản ánh triển vọng tăng trưởng của các công ty.

Nếu nhà đầu tư chờ doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan rồi mới đầu tư thì khi đó giá cổ phiếu đã tăng mạnh. Vì thế, nhà đầu tư cần có khả năng “đi trước đón đầu”, chứ “trâu chậm thường uống nước đục”.

Năm 2022, anh Hưng dự báo, thị trường chứng khoán có thể “rung lắc”, nhưng xu hướng nhìn chung là khả quan. Về việc chọn nhóm ngành đầu tư, hiện tại anh đang phân vân giữa một số nhóm ngành, nên chờ có thêm thông tin vĩ mô để đưa ra quyết định.

Ông Quách Mạnh Hào, Viện nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh nhận xét, nhiều F0 trong năm 2021 tham lam hơn các lứa F0 trước đây rất nhiều. Họ săn lùng các cổ phiếu có mức độ rủi ro cao, sẵn sàng chơi trò chơi cùng dòng tiền và coi nhẹ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Điều này có cả những cơ hội và hệ lụy sau đó. Về quan điểm tài chính hành vi, nhà đầu tư thường nhanh quên các bài học cũ, không ít F0 hiện nay không có ký ức để quên.

Tuy nhiên, dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt. Hơn một năm qua, thị trường tăng điểm chủ yếu nhờ dòng tiền đổ vào mạnh mẽ, nhưng giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc vào yếu tố vĩ mô. Dòng tiền sẽ tìm đến những ngành đi cùng với quá trình phục hồi kinh tế.

“Ngành được hưởng lợi từ quá trình hồi phục kinh tế sẽ tập trung ở các nhóm như ngân hàng, bất động sản, công nghệ, bán lẻ… Thị trường sẽ nhìn vào những ngành đi cùng gói hỗ trợ, quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Những doanh nghiệp được nhà đầu tư chọn sẽ là doanh nghiệp có kết quả hoạt động tốt hơn bình thường, có lợi thế về quy mô, chi phí thấp…”, ông Hào nói.

Tin bài liên quan