Nhiều người tham gia thị trường chứng khoán vì được bạn bè giới thiệu.

Nhiều người tham gia thị trường chứng khoán vì được bạn bè giới thiệu.

F0 “gánh” khối ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán ròng, nhưng các nhà đầu tư cá nhân mới (F0) ở trong nước liên tục đổ tiền vào thị trường chứng khoán.

Nhiều con sóng hấp dẫn

Trong 10 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng 320% so với cùng kỳ năm 2020, tính riêng tháng 10 đạt bình quân 22.139 tỷ đồng/phiên. Chỉ số VN-Index liên tục thiết lập đỉnh cao mới khi vượt 1.200 điểm, 1.300 điểm, 1.400 điểm và sang tháng 11 tiến lên vùng 1.500 điểm.

Trái với sự hưng phấn của nhà đầu tư nội, khối ngoại đã rút ròng 46.404 tỷ đồng trên HOSE, còn khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng không nhiều (854 tỷ đồng). Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay, dòng tiền nâng đỡ thị trường là các nhà đầu tư cá nhân trong nước, thay vì khối ngoại như giai đoạn 2012 - 2018.

Khẩu vị đầu tư của dòng vốn nội năm 2021 có sự thay đổi, không còn tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như năm 2020, mà có sự chọn lọc theo câu chuyện ngành hưởng lợi.

Đầu tháng 2, dòng tiền vẫn chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ chỉ số VN30, giúp chỉ số này chính thức vượt VN-Index về điểm số, sau đó khoảng cách tiếp tục được nới rộng, đỉnh điểm là tới 30/6/2021, VN30 cao hơn VN-Index 121 điểm.

Sau đó, nhóm VN30 có dấu hiệu tích lũy, dòng tiền tăng cường chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, giúp VN-Index thu hẹp khoảng cách với VN30. Tính tới ngày 5/11, VN30 chỉ còn cao hơn VN-Index hơn 74 điểm. Đặc biệt, từ ngày 16/7 đến 5/11, VN30 chỉ tăng 6,5%, lên 1.531,76 điểm, trong khi VN-Index tăng 12,1%, lên 1.456,51 điểm.

Nhìn chung, dòng tiền trong 10 tháng đầu năm 2021 có sự dịch chuyển rõ rệt giữa các nhóm ngành, trái với năm 2020 là dòng tiền có sự lan toả trên toàn thị trường, dù chảy vào nhóm vốn hóa lớn nhiều hơn.

Cụ thể, những tháng đầu năm 2021, dòng tiền liên tục chảy vào các nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao như thép, dầu, vận tải biển, khí, than, phân bón… Bên cạnh đó, dòng tiền gia tăng ở nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường chứng khoán bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản, giúp các cổ phiếu chứng khoán tăng vọt.

Những tháng gần đây, “sóng” hàng hóa có dấu hiệu chững lại, dòng tiền đầu tư chuyển sang nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ hoạt động mở cửa lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của các công ty sở hữu quỹ đất lớn được nhà đầu tư nâng mức định giá trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp được duy trì và Nhà nước dự kiến triển khai gói kích cầu lớn. Việc tái định giá các tài sản cố định này diễn ra tương tự như ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trước đó.

Nhà đầu tư mới “giữ lửa” thị trường

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng duy trì ở mức cao, lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1,1 triệu, tăng 176% so với cả năm 2020, nâng tổng số tài khoản lên hơn 3,86 triệu, trong đó gần 99% của nhà đầu tư trong nước.

Xét số tài khoản mở mới, cũng như dòng tiền giao dịch, dòng tiền tham gia thị trường tiếp tục đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước, nhất là nhà đầu tư mới.

Anh Nguyễn Văn Trung, nhà đầu tư ở Vũng Tàu cho biết, trước đây, anh chủ yếu đầu tư bất động sản, giữa năm 2020 nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán, trong khi hoạt động đầu tư bất động sản gặp khó khăn, nên đã bỏ vốn vào kênh chứng khoán. Trong hơn 1 năm kể từ khi tham gia tới nay, thị trường này có diễn biến khả quan, giúp anh có thêm một kênh đầu tư hiệu quả.

Anh Trung chia sẻ: “Trước khi bước chân vào thị trường chứng khoán, tôi dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu mã cổ phiếu để giao dịch. Trong giai đoạn đầu, việc mua cổ phiếu chủ yếu do nhân viên tại công ty chứng khoán tư vấn. Sau đó, tôi bắt đầu đi theo câu chuyện thị trường để tìm kiếm những công ty hưởng lợi từ điều kiện thị trường ở từng giai đoạn. Với việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ “bão” giá hàng hóa và sóng cổ phiếu bất động sản vừa qua, tôi đạt được lợi nhuận tốt hơn nhiều so với trực tiếp đầu tư bất động sản”.

Tương tự, sau khi được bạn bè giới thiệu, anh Lê Thanh Tùng ở Quận 2, TP.HCM tham gia thị trường chứng khoán từ tháng 7/2020 cho hay, nhận định khối công ty chứng khoán sẽ lãi cao nhờ giá trị giao dịch tăng mạnh, anh tập trung mua và nắm giữ cổ phiếu trong Top đầu về thị phần môi giới chứng khoán. Anh thường xuyên nộp thêm tiền vào tài khoản để gia tăng sở hữu cổ phiếu chứng khoán.

Trong khi đó, đầu năm 2021, nhà đầu tư Nguyễn Văn Hùng ở Đồng Nai được bạn bè giới thiệu tham gia thị trường chứng khoán. Nhân viên tư vấn tại công ty chứng khoán tận tình hướng dẫn anh xây dựng danh mục đầu tư hàng tuần, hàng tháng, nên tài khoản thường xuyên ghi nhận lợi nhuận, nhất là khi mua cổ phiếu vận tải biển theo câu chuyện giá cước vận tải liên tục lập đỉnh.

“Tôi thấy kênh đầu tư chứng khoán thanh khoản cao, có nhiều cơ hội thu lời nên đã giới thiệu một số người quen cùng tham gia”, anh Hùng nói.

Nhà đầu tư mới thường giao dịch theo bạn bè và tư vấn của công ty chứng khoán.

Theo một môi giới chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng điểm, các nhà đầu tư mới ngày càng tích cực tham gia thị trường, đóng góp vào giá trị giao dịch nói chung, “sóng” ngành nói riêng. Giai đoạn đầu, nhà đầu tư thường giao dịch theo bạn bè và tư vấn của công ty chứng khoán. Sau đó, nhiều nhà đầu tư dần tích lũy kinh nghiệm và bắt đầu tự xây dựng chiến lược cũng như lựa chọn mã cổ phiếu để đầu tư.

“Có một số nhà đầu tư mua cổ phiếu dựa vào sự “phím hàng” trên diễn đàn mạng về chứng khoán và thu được lợi nhuận. Nhưng gần đây, việc này có rủi ro cao, vì diễn đàn chủ yếu hô hào mua vào với các đánh giá chung chung, cảm tính”, vị môi giới cảnh báo.

Tin bài liên quan