FLSmidth mua lại hoạt động kinh doanh khai khoáng của Thyssenkrupp

FLSmidth mua lại hoạt động kinh doanh khai khoáng của Thyssenkrupp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) FLSmidth A/S và Thyssenkrupp AG đã đạt được thỏa thuận, theo đó FLSmidth sẽ mua lại hoạt động kinh doanh khai khoáng của Thyssenkrupp.

Giao dịch này dự kiến ​​sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm 2022, tùy thuộc vào việc hoàn tất các thủ tục phê duyệt kiểm soát sáp nhập doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp là 325 triệu Euro.

Thyssenkrupp là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp toàn nhà máy cho hệ thống khai thác, chế biến khoáng sản, xử lý vật liệu và dịch vụ, bổ sung rất tốt cho mảng khai khoáng của FLSmidth.

Danh mục cung cấp của FLSmidth kết hợp với hoạt động kinh doanh khai khoáng của Thyssenkrupp sẽ bao gồm toàn bộ phạm vi công nghệ, thiết bị và dịch vụ chuyên môn từ mỏ đến nhà máy, cũng như các giải pháp kỹ thuật số tốt nhất, bao gồm khai thác liên tục, chế biến khoáng sản, hệ thống khai thác và xử lý vật liệu.

Hoạt động kinh doanh khai thác của Thyssenkrupp đã được phân bổ vào phân khúc Đa tuyến (Multi Tracks) vào tháng 10 năm 2020 để tìm chủ sở hữu mới.

Với thương vụ này, Thyssenkrupp đang thoái vốn thành công công ty có danh mục đầu tư lớn đầu tiên trong phân khúc này.

Đơn vị kinh doanh này hiện sử dụng khoảng 3.400 nhân viên và tạo ra doanh số khoảng 0,8 tỷ Euro trong năm tài chính 2019/2020. Việc bán mảng khai thác là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi và tập trung hóa danh mục đầu tư của tập đoàn.

Mục đích là biến Thyssenkrupp thành một ‘nhóm công ty’ có hiệu suất cao với các doanh nghiệp độc lập, một công ty nắm giữ tinh gọn và tập trung vào việc cải thiện hiệu suất có hệ thống trên tất cả các mảng kinh doanh.

Trong khi đó, việc mua lại mảng khai thác của Thyssenkrupp cũng sẽ mở rộng danh mục thiết bị đã lắp đặt và cơ sở khách hàng, nâng cao năng lực của FLSmidth để phục vụ khách hàng trên nhiều công nghệ.

Điều này sẽ cho phép FLSmidth tiếp cận khách hàng mạnh mẽ hơn trong dịch vụ và hậu mãi, cũng như tạo ra các cơ hội chiến lược mạnh mẽ và tăng cường nguồn lực và đầu tư vào R&D, kỹ thuật số và đổi mới. Điều này cũng sẽ giúp giảm bớt thời gian đưa các cải tiến và công nghệ mới ra thị trường.

Cả hai công ty cũng có chung niềm tin vào việc đưa công nghệ bền vững vào thị trường nhằm tăng năng suất và lợi nhuận của khách hàng. Hoạt động ngành khai khoáng của Thyssenkrupp rất phù hợp với tham vọng phát triển bền vững MissionZero của FLSmidth và với chương trình số hóa của FLSmidth. Việc mua lại này sẽ đặt FLSmidth ở vị trí tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong những lĩnh vực chính yếu này.

Ông Thomas Schulz, Giám đốc điều hành Tập đoàn của FLSmidth, cho biết: “Mảng kinh doanh khai khoáng của Thyssenkrupp và FLSmidth là một sự kết hợp hoàn hảo và tôi tự hào thông báo về thỏa thuận hợp tác này. Đây là một thỏa thuận thực sự mang tính chuyển đổi cho phép chúng tôi đẩy nhanh tham vọng tăng trưởng của mình bằng cách tạo ra một trong những nhà cung cấp lớn nhất và mạnh nhất thế giới trong ngành khai thác mỏ. Việc mua lại này sẽ mang đến một đề xuất giá trị mạnh mẽ cho khách hàng của chúng tôi và có một cơ hội đáng kể trong việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh Khai thác của Thyssenkrupp theo mô hình và danh mục hoạt động của FLSmidth với hơn 50% hoạt động kinh doanh dịch vụ. Tôi mong muốn được chào đón đội ngũ nhân viên tài năng trong lĩnh vực kinh doanh khai thác của Thyssenkrupp đến với tổ chức của chúng tôi”.

Ông Martina Merz, Giám đốc điều hành Tập đoàn của Thyssenkrupp AG, nói thêm: “FLSmidth là một chủ sở hữu tuyệt vời và là một ngôi nhà mới rất tốt cho các hoạt động khai thác của chúng tôi. Cả hai công ty đều có sự phù hợp văn hóa mạnh mẽ và và là sự kết hợp tốt: các mô hình kinh doanh tương hợp; các công nghệ bổ sung tốt cho nhau. Kết quả là một nhà cung cấp công nghệ hàng đầu thế giới từ hầm lò đến nhà máy sẽ ra đời. Đây cũng là cơ hội lớn cho nhân viên của chúng tôi. Công ty mới được sáp nhập sẽ có thể thúc đẩy sự đổi mới và số hóa nhanh hơn nữa và sẽ ngày càng tập trung vào tính bền vững và các cách giảm thiểu tác động của môi trường”.

Tin bài liên quan