Gạch ốp lát Hoàng Gia có gì khi sắp lên sàn?

Gạch ốp lát Hoàng Gia có gì khi sắp lên sàn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (Royal Invest JSC) đang chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và chuẩn bị cho kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn HOSE vào cuối năm.

Lên sàn vào tháng cuối năm

9 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia được đưa ra chào bán trong dịp này, tương đương 20% vốn điều lệ của Công ty, với giá sàn là 15.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 5/9 - 2/10/2023. Nếu đợt chào bán thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ được nâng lên 450 tỷ đồng.

Bản cáo bạch về đợt IPO cho biết, nguồn vốn thu được sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động và đầu tư vào Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Royal House - đơn vị sản xuất và chế tác đá thạch anh nhân tạo hàng đầu Việt Nam với công suất hơn 300.000 m2/năm. Sau IPO, Công ty sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong tháng 12/2023.

Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát, sản phẩm rải từ phân khúc phổ thông cho tới cao cấp, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty đã thiết lập được hệ thống phân phối trải dài từ Bắc đến Nam, với 3.000 cửa hàng, đại lý và showroom. Với thị trường quốc tế, Công ty đã xuất khẩu sản phẩm tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Philippines, Mỹ, Trung Đông…

Hệ số nợ trên tổng tài sản của Đầu tư và Sản xuất Hoàng Gia chỉ bằng 58% trong 2 năm gần nhất; nợ trên vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 là 1,5 lần.

Giai đoạn 2020 - 2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt bình quân lần lượt là 15% và 6%. Riêng năm 2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt gần 28% và 77% so với năm 2021.

Nửa đầu năm nay, do sức cầu của thị trường vật liệu xây dựng trong nước suy giảm, xuất phát từ việc nhiều dự án bất động sản ngừng thi công hoặc triển khai mới do các chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận của Công ty thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, với hơn 549 tỷ đồng doanh thu và 26 tỷ đồng lợi nhuận ròng.

Xem xét cơ cấu doanh thu của Công ty từ năm 2021 trở lại đây, có thể thấy, tỷ trọng đóng góp của gạch porcelain có sự gia tăng (năm 2021, chiếm 26%; năm 2022 tăng lên 29%; 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 33%). Ngược lại, tỷ trọng đóng góp của sản phẩm gạch ceramic lại đi xuống, từ mức 63% trong năm 2022 xuống còn 58% trong 6 tháng đầu năm 2023. Sự chuyển dịch về cơ cấu doanh thu này là kết quả của chiến lược phát triển các dòng sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp và giảm tỷ trọng đóng góp của các sản phẩm phổ thông, có lợi nhuận thấp nhằm gia tăng biên lợi nhuận gộp.

Đáng chú ý, Công ty duy trì cơ cấu khá an toàn, với hệ số nợ trên tổng tài sản chỉ bằng 58% trong 2 năm gần nhất; nợ trên vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2023 là 1,5 lần, tương đương mức trung bình ngành.

Kỳ vọng thị trường chung sớm tích cực trở lại

Chiến lược đa kênh đã đem lại nhiều lợi thế cho Đầu tư và Sản xuất Hoàng Gia, đặc biệt là tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu. Công ty cho biết đã hợp tác với các đối tác phân phối là các tên tuổi lớn như M.S International, New Pacific Marble & Tile, Royal American Wholesale, Apollo Flooring Distributor, Republic Elite, Eleganza…; trong đó, MSI là 1 trong 10 nhà phân phối gạch lớn nhất Mỹ. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt gần 15%, kế hoạch năm 2023 vượt mốc 20% và tiến đến năm 2025 đạt mức 50%.

Sau gần 15 năm thành lập, Đầu tư và Sản xuất Hoàng Gia đang sở hữu 2 nhà máy với 5 dây chuyền sản xuất gạch có công suất 16,5 triệu m2/năm. Năm 2023, Công ty đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất tấm porcelain khổ lớn 4.0, công suất 3 triệu m2/năm. Dự án có mức đầu tư 920 tỷ đồng và dự kiến đi vào vận hành từ tháng 4/2024.

Nhà máy này được đầu tư công nghệ tiên tiến nhất của ngành gạch men hiện nay, hệ thống sản xuất phù hợp xu thế phát triển công nghiệp bền vững, còn gọi công nghiệp xanh, của thế giới. Công ty đã đạt được các chứng chỉ xanh quan trọng như Green Guard phù hợp tiêu chuẩn thị trường Mỹ. Một trong những sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy 4.0 là tấm porcelain khổ lớn (đá nung kết) có kích thước lên đến 1,8x3,6 m. Đây là phân khúc sản phẩm chất lượng cao, tái hiện và thay thế đá tấm tự nhiên hoặc đá thạch anh nhân tạo, đạt thẩm mỹ cao và phù hợp với nhiều nhu cầu thiết kế kiến trúc đa dạng. Nhà máy khi hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức dự kiến sẽ giúp doanh thu hợp nhất của Hoàng Gia tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng/năm và lợi nhuận hợp nhất tăng thêm khoảng 150 tỷ đồng/năm.

Cổ phiếu Hoàng Gia được Công ty Chứng khoán SHS định giá trung bình 23.890 đồng/cổ phiếu, theo phương pháp chiết khấu dòng tiền là 26.396 đồng/cổ phiếu và theo phương pháp so sánh P/E trượt là 25.538 đồng/cổ phiếu.

Công ty đã hợp tác với các tập đoàn dẫn đầu về công nghệ trong ngành trên thế giới như Colorobia, S.p.A, Altadia Group, Torrecid Spain, cũng như liên kết hợp tác với các công ty thiết kế của Ý và Tây Ban Nha như Italia Design, Tosilap Design… để sản xuất các loại gạch ốp lát cao cấp, đa dạng về kích thước, màu sắc, hoa văn và chất liệu.

Ngoài dự án Nhà máy sản xuất tấm porcelain 4.0, Hoàng Gia đang triển khai dự án mở rộng nhà máy gia công và chế tác, công suất đạt 3,6 triệu m2/năm.

Song song với việc mở rộng sản xuất, Công ty có kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ Royal Depot, mở rộng mạng lưới cửa hàng ở trong nước và quốc tế. Công ty cho biết, các nhà máy đều đang chạy 3 ca sản xuất mỗi ngày.

Theo dự báo của Ceramic World, sản lượng tiêu thụ gạch tại thị trường Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada và Mexico) ước tính đạt khoảng 699 triệu m2 vào năm 2026, tương đương mức tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm giai đoạn 2024 - 2026 xấp xỉ 3%/năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng trong cùng giai đoạn tại thị trường châu Âu dự kiến đạt khoảng 0,4%/năm, tăng lên 1.824 triệu m2 vào năm 2026. Đây cũng chính là hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Công ty.

Với thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ gạch ốp lát trung và dài hạn được thúc đẩy bởi hai yếu tố: Thứ nhất, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam đạt 41,7%, đứng thứ 7 trong khu vực ASEAN và dự kiến đạt 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng gạch ốp lát trong thời gian tới.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói chung, Đầu tư và Sản xuất Hoàng Gia nói riêng đang gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước. Song lãnh đạo Công ty kỳ vọng, với những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây về chính sách của Chính phủ và các đợt cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp thị trường bất động sản hồi phục từ năm 2024, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung và sản phẩm gạch ốp lát nói riêng.

Tin bài liên quan