GC Food (GCF) đặt mục tiêu doanh thu đạt 523 tỷ đồng trong năm 2023

GC Food (GCF) đặt mục tiêu doanh thu đạt 523 tỷ đồng trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Thực phẩm G.C (mã chứng khoán GCF - UPCoM) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023 vào ngày 7/4 tới, với mục tiêu doanh thu 523 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng trong năm nay.

Bên cạnh đó, trong 3 năm 2023 – 2025, GC Food sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi của công ty theo hướng tăng cường công nghệ, mở rộng sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu để tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh; trở thành công ty hàng đầu về sản xuất và chế biến thực phẩm chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước.

Tổng vốn đầu tư trong 3 năm dự kiến là 438,8 tỷ đồng; trong đó vốn của Công ty dự kiến là 220,8 tỷ đồng; dự kiến giúp tăng doanh số và lợi nhuận gấp đôi so với năm 2022. Bên cạnh đầu tư công nghệ, phát triển vùng nguyên liệu nha đam quy mô lớn, GC Food sẽ đầu tư cho sản phẩm mới là hóa mỹ phẩm trên chất liệu nha đam, đầu tư nhà máy sản xuất nước ép nha đam, trái cây và thành lập trang trại nuôi tôm Mũi Dinh.

Cũng trong năm 2023, GC Food có kế hoạch sẽ tăng vốn thêm 100 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 360 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, kết thúc năm 2022, GC Foof ghi nhận doanh thu thuần đạt 430 tỷ đồng, tăng 96 tỷ đồng, tương ứng tăng 29% so với năm 2021; lợi nhuận gộp đạt 120 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng, tương ứng tăng 26% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 26,5 tỷ đồng, giảm 8,7 tỷ đồng so với năm 2021 do chi phí hoạt động tăng.

Năm 2022, đánh dấu sự chuyển mình vượt bậc của Công Ty Cổ Phần Thực Phẩm G.C khi chính thức niêm yết 26 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCOM với mã chứng khoán GCF. Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu GCF đã tăng hết biên độ 40% từ 12.000 đồng lên 16.800 đồng một cổ phiếu.

GC Food thành lập năm 2011 dưới hình thức công ty TNHH với số vốn điều lệ ban đầu là 2 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty chuyển đổi từ loại hình TNHH sang công ty cổ phần, vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 50 tỷ đồng. Vào giữa năm 2021, vốn điều lệ của Công ty này nâng lên 260 tỷ đồng và tổng tài sản đạt 374 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty là 631 tỷ đồng. Công ty có 117 cổ đông, trong đó có 116 cổ đông cá nhân và một cổ đông tổ chức.

GC Food hiện là đơn vị xuất khẩu nha đam và thạch dừa số 1 Việt Nam đến hơn 20 quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn trong nước như Vinamilk, Nutifood… Công ty đang sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) quy mô hàng đầu cả nước với công suất 35.000 tấn lá tươi/năm, tương đương 15.000 tấn thành phẩm. Ông Nguyễn Văn Thứ, chủ tịch HĐQT công ty còn biết đến với danh xưng "vua nha đam" Việt.

Danh mục đầu tư của GCF hiện đã mở rộng từ trồng trọt (nha đam và các loại trái cây như dưa lưới, táo, nho, ổi…) đến chăn nuôi (cừu, bò, chim yến) và chế biến (nha đam, thạch dừa, yến sào…) nhờ lợi thế về quỹ đất rộng đến 150 ha để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo báo cáo của Grand View Research (công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường có trụ sở chính ở Mỹ), tốc độ tăng trưởng của thị trường nha đam trên thế giới giai đoạn 2019 – 2025 bình quân 7,6%/năm, đạt giá trị 2,67 tỷ USD vào năm 2025. Sự tăng trưởng này nhờ nha đam là loại cây tốt cho sức khỏe và ứng dụng trong nhiều ngành: thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc…; được người tiêu dùng trên khắp thế giới biết đến.

Trên thị trường quốc tế, nha đam và thạch dừa Việt Nam chủ yếu cạnh tranh với Thái Lan. Tại thị trường truyền thống là Hàn Quốc và Nhật Bản, thị phần nhóm sản phẩm này của Việt Nam chỉ mới chiếm 10% nên cơ hội mở rộng còn rất lớn khi có lợi thế về giá thành nhờ chi phí nhân công rẻ và đặc biệt là lợi thế về thuế suất ưu đãi, trong khi chất lượng không thua kém mà giá bán lại thấp hơn.

Hiện GCF có định hướng mở rộng thêm thị trường: Trung Đông, Trung Quốc và châu Âu nên kỳ vọng tiếp tục có sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận, góp phần gia tăng giá cổ phiếu GCF trên thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan