“Ghi nhận tại bãi phóng tên lửa Dongchang-ri có thể là dấu hiệu Triều tiên chuẩn bị tháo dỡ cơ sở này“

Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng những hoạt động mới được ghi nhận tại bãi phóng tên lửa Dongchang-ri có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên chuẩn bị tháo dỡ cơ sở này, chứ không phải khôi phục như một số nhận định từ Mỹ.

"Triều Tiên có thể đang chuẩn bị dọn dẹp cơ sở cho tươm tất trở lại nhằm đón các thanh sát viên quốc tế đến thăm, như một phần của những nỗ lực cho thấy thiện chí và sự nhượng bộ của nước này" - ông Kim Dong Yub, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, nói với Hãng thông tấn Yonhap ngày 7/3.

Kể từ đầu tuần đến nay, Cơ quan tình báo Hàn Quốc liên tục tuyên bố đã phát hiện các hoạt động mới tại những cơ sở quân sự của Triều Tiên dựa trên hình ảnh vệ tinh.

Trong tuyên bố mới nhất sáng 7/3, cơ quan này tiếp tục loan tin đã phát hiện các xe vận tải tiếp liệu tại Sanumdong, cơ sở chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên.

Trước đó, trong một phiên họp quốc hội Hàn Quốc hôm 5/3, cơ quan tình báo nước này cho biết đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị khôi phục một căn cứ tên lửa gần biên giới Trung Quốc. 

Tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một nghị sĩ Hàn Quốc tiết lộ trong cuộc họp đó, tình báo Hàn Quốc chính thức xác nhận Triều Tiên đã bắt đầu làm giàu uranium từ trước cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với Mỹ.

Cùng ngày hôm đó, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ công bố các hình ảnh của Dongchang-ri được chụp từ vệ tinh thương mại ngày 2/3, tức chỉ 2 ngày sau cuộc gặp không ra được tuyên bố chung giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dựa trên các hoạt động mới được ghi nhận tại bệ thử động cơ tên lửa và bệ chuyển tên lửa, CSIS kết luận Triều Tiên "đang khôi phục cơ sở Dongchang-ri một cách nhanh chóng".

Nhà nghiên cứu Choi Yong Hwan thuộc Viện chiến lược an ninh quốc gia (Hàn Quốc) tỏ ra hoài nghi khả năng các hoạt động ở Dongchang-ri là một hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng sau hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ở Việt Nam.

Hình ảnh vụ phóng vệ tinh từ bãi phóng Dongchang-ri năm 2012 - Ảnh: KCNA 

Ông Choi cho rằng, các hình ảnh vệ tinh chưa cung cấp đủ bằng chứng cho thấy các hoạt động ở Dongchang-ri đã được tiến hành trước hay sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

"Tôi cho rằng thời gian quá ngắn để đưa ra một quyết định như vậy chỉ trong vòng 2 ngày, chưa kể tất cả những người có thể đưa ra một quyết định quan trọng như vậy đều đi cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un" - chuyên gia Choi nhận định.

Các báo cáo của tình báo Hàn Quốc và CSIS có sức ảnh hưởng nhất định đến dàn lãnh đạo ở Washington.

Trong khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đe dọa sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ "rất thất vọng về chủ tịch Kim" nếu khôi phục bãi phóng tên lửa. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận các thông tin trên chỉ mới từ phía Mỹ và vẫn còn quá sớm để kết luận.

Dongchang-ri hay còn gọi là Sohae, là bãi phóng tên lửa chính của Triều Tiên. Sau cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hồi tháng 9 năm ngoái, ông Kim Jong Un cam kết sẽ đóng cửa cơ sở này và cho phép các thanh sát viên quốc tế đến giám sát việc tháo dỡ bệ phóng và vị trí thử nghiệm động cơ tên lửa.

Tin bài liên quan