Ghinet đầu tư năm “Tý Quỵ”

Ghinet đầu tư năm “Tý Quỵ”

(ĐTCK) Anh bạn cùng dân viết lách than thở, Quý Tỵ may mà sắp qua, chứ năm vừa rồi tôi… Tý Quỵ vì đầu tư ngoài ngành. Mình thì có lẽ quỵ hẳn vì phải lựa chọn giữa rừng sự kiện làng chứng năm qua ra 13 “phát ngôn và hành động” ấn tượng nhất. Nếu có chỗ nào vẽ rắn thêm chân thì cũng mong người trong cuộc thể tất cho cái tình… thẳng như ruột ngựa!

1. Cuộc giao duyên lục đục nhất

Ấy là câu chuyện của đại gia bánh kẹo Bibica và đối tác ngoại Lotte - một trong những mối tơ duyên bẽ bàng nhất năm qua. Còn nhớ, chỉ dăm năm trước, đó còn là cuộc hôn nhân với những cái bắt tay siết chặt của anh sui, chị sui. Cái ước mơ số 1 ngành bánh kẹo xét ra cũng chẳng phải viển vông, vì tên tuổi DN nội không phải hạng xoàng, có thêm một đại gia xứ Kim Chi đến nhà chấp nhận “gửi rể” thì khác gì hổ về rừng, cá gặp nước.

Đúng là cá gặp nước, nhưng đau đớn thay, lại là… nước lẩu!

Khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”, thì nhạc phụ, nhạc mẫu bắt đầu ăn đấm. Mấy lần “họp gia đình” không thành vì ông anh vợ vốn chẳng phải tay vừa, quyết không tham dự. Khổ tâm nhất là ông chủ nhà, cứ đấm ngực bình bịch hối hận vì mình tự tay “cõng rắn cắn gà nhà”.

2. Vụ “lỡ tàu” đau lòng nhất

Tháng 10 năm qua, làng chứng rúng động vì một thông tin động trời: CEO một DN niêm yết không thể mua được cổ phiếu vì… mất mạng.

Vụ việc gây sốc được tóm tắt như sau: Tổng giám đốc Khoáng sản Bắc Giang (BGM) đã đăng ký với cơ quan hữu trách về việc mua 200.000 cổ phiếu BGM. Tuy nhiên, sự việc trở nên đau lòng khi sau đó vị này bất ngờ có chuyến công tác trên mỏ (có lẽ dài ngày) và không mua được cổ phiếu nào, với lý do (trích nguyên văn)… “ở trên mỏ không có Internet”.

Việc mua hụt khiến tình cảnh của vị giám đốc trở nên rất trớ trêu khi hiện không được sở hữu một cổ phiếu nào tại chính công ty do mình làm giám đốc.

Nỗ lực đáng ghi nhận từ người làm thuê vươn lên trở thành người làm chủ đã thất bại hoàn toàn… Giờ chỉ còn chờ sự chia sẻ một cách thiết thực của cổ đông nếu họ đồng lòng bán ra để anh ấy… muốn mua bao nhiêu thì mua.

3. Đề xuất “linh tinh bậc nhất”

Đó là đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM về việc đánh thuế đối với khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Cũng xin được nói rõ, đây không phải là bình chọn của bản báo, mà là của giám đốc quản trị rủi ro một ngân hàng.

Tuy nhiên, nhân kiến nghị này mình cũng có thêm một vài kiến nghị: Đánh thuế nếu phát hiện người dân cất vàng ở nhà, như vậy buộc dân mang vàng ra khỏi cửa. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt trên… két sắt, để hạn chế việc mua két tích trữ tài sản, nhằm đưa tiền ra lưu thông… Và đặc biệt đánh thuế tài nguyên mạng với các chuyên gia có trung bình… 1.000 kiến nghị trên báo/năm.

4. Nhà đầu tư thận trọng nhất

Đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn nhất và nhà đầu tư chắc thắng nhất: SCIC.

Lớn nhất thì ai cũng biết, SCIC toàn sở hữu khủng ở những blue-chip tai to mặt lớn cỡ Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh… Còn chắc thắng nhất chính là do cái tính thận trọng mà ra. Đại gia này mấy năm qua, ngoài việc đi lĩnh cổ tức từ VNM, FPT… thì hầu như toàn ôm tiền đi gửi tiết kiệm.

Lại thấy tiếc cho cái đề xuất đánh thuế tiết kiệm bất thành của bác Chủ tịch Hiệp hội nhà đất phương Nam. Nó mà được gật thì biết đâu SCIC vì xót của lại đổ tiền ra mua bán cổ phiếu. Dân tình đầu tư như mình cũng có phận nhờ.

5. Cổ đông “tự nhiên” nhất

ĐHCĐ của một DN ngành dầu khí tổ chức tại White Palace, TP. HCM hồi đầu 2013 bị cổ đông chất vấn về việc “họp chay”, chả có nước ngọt, hoa quả.

Bác tổng giám đốc ngồi ghế chủ tọa rối rít xin lỗi, nhưng sau đó lại than thở riêng rằng: Bánh trái, nước nôi đầy đủ lắm, nhưng cứ mang ra bao nhiêu lại bị mươi anh chị (chả biết cổ đông hay không) hè nhau trút vào mấy cái túi to cỡ túi ba gang. Lễ tân còn nghe lỏm có chị còn “gọi điện thoại cho người thân” đến tiếp chiến.

Trước tình hình mật ít ruồi nhiều rất đáng quan ngại này, các nhà tổ chức ĐHCĐ đã có giải pháp nào chưa? Nếu chưa thì xin mách nhỏ “võ” của Ngân hàng ACB: phát bánh trái, nước non kèm tài liệu sau khi đã thẩm tra tư cách cổ đông.

Mùa đại hội tới, các DN nhớ học tập nha!

6. Cuộc ra đi “dứt khoát” nhất

Đó là lời từ biệt của ông Trương Đình Anh, cựu CEO FPT. Bước 1: Từ bỏ vị trí Tổng giám đốc. Bước 2: rời khỏi HĐQT. Bước 3: bỏ luôn chức Chủ tịch FPT Telecom. Bước 4: bán hết cổ phiếu FPT. Đến bây giờ thì… không liên quan gì. Mới đây, ông Anh còn định dấn thân vào “sâu bít” khi gia nhập Galaxy Studio?

Từ lâu đã nghe ông Trương Đình Anh là người sắt đá với nhân viên, nay có thể chứng thực, bởi ông cũng sắt đá với chính mình. Bởi nghe đâu, tại lễ vinh danh những con người làm nên lịch sử 25 năm FPT mới đây, dù được mời nhưng ông cũng dứt khoát… vắng mặt.

7. Vụ cấn nợ “hoành tráng”nhất

Cũng liên quan đến một cuộc ra đi đình đám khác, 80 triệu cổ phần của cựu Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành tại chính ngân hàng này đã được “người mới” phong tỏa để cấn trừ cho các khoản vay của công ty (được cho là) gia đình.

Dẫu người trong cuộc ở cả hai bên đều cho rằng chẳng có gì to tát, đó là “nguyện vọng của ông Thành”, nhưng cái dư vị của cuộc chia tay ấy đọng lại có lẽ cũng không quá ngọt ngào.

8. Phi vụ đòi cổ tức “xã hội” nhất

Thông thường, DN khất cổ tức thì cổ đông cũng chỉ còn nước… tức đến cổ mà thôi. Nợ cổ tức đến 4 năm như CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) mà cổ đông cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt cơ mà.

Nhưng một số cổ đông của CTCP Đầu tư Khoáng sản và Thương mại Bình Thuận thì  khác. Sáng tinh mơ một ngày tháng 4 năm Quý Tỵ, hơn trăm “hảo hán” tao dao tay thước, xưng là cổ đông của Công ty xông vào khống chế công nhân, ban giám đốc, đòi thanh toán cổ tức 3 năm qua.

Tuy nhiên, khi được mời lên phường, vị chủ trò ú ớ cho biết: chỉ có ông ta với dăm người nữa là cổ đông đi đòi cổ tức, còn hơn trăm người đi theo chắc là hảo hán… giữa đường thấy sự bất bằng nhào vô (!).

9. Nỗi nhớ nghề đau đáu nhất

Không chỉ mong mỏi hủy niêm yết cổ phiếu, Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải chia sẻ còn nguyện vọng rút dần khỏi hoạt động kinh doanh để theo đuổi ước mơ sư phạm. Nỗi nhớ nghề được ông Hải bảo đó là do truyền thống từ ông bà cha mẹ và không chỉ có thế, ông “thấy mình cũng có một chút năng khiếu, nên tin mình có thể làm được và muốn thử sức”.

Chợt lẩn thẩn nghĩ, làng chứng có lẽ hợp duyên với nghiệp thầy. Mấy năm qua, chả ít vị nổi tiếng rẽ ngang. Chuyên gia chứng khoán Quách Mạnh Hào và trước đó, hình như cả CEO của nhiều CTCK, TS. Lâm Minh Chánh cũng bỏ chứng mà đi… gõ đầu trẻ thì phải.

10.Màn giữ khách “độc” nhất

“Người ơi ngươi ở đừng về…”. Năm mới, nhưng chúng ta không đến hội Lim mà về trụ sở nhà quản lý chứng khoán để nghe màn giữ khách “quá ngọt” năm qua. 

Nhiều DN thấy khó kiếm chác trên sàn nên rục rịch bàn nhau thoái lui. Ở, thế này thì cứ khi vui thì vỗ tay vào, còn hết cơm, hết rượu thì ông ào nhảy ra? Thế là các bác Ủy ban ra sắc lệnh, ông rời sàn niêm yết thì phải xuống UPCoM.

Vậy là “người về, em vẫn trông theo, y ý, ỳ y”. Đã có bác nào bị vợ bắt chọn giữa quét nhà, rửa bát hoặc cho con bú chưa? Sàn niêm yết hiu hắt một thì UPCoM quạnh quẽ mười. Vậy là ông “Bèn” ở lại.

11. Ý tưởng nhân văn nhất

Của một chuyên gia chứng khoán. Rằng nên bắt các bác cổ đông lớn trong DN đóng tiền mua cổ phiếu phát hành thêm trước cổ đông nhỏ lẻ để làm gương. Ý tưởng này xuất phát từ thực tế, rất nhiều vụ phát hành thêm chỉ được có 5 - 10% lượng cần bán. Như vậy, hóa ra, nhiều bác cổ đông lớn khi thông qua kế hoạch phát hành thì gật như bổ củi. Đến lúc đóng tiền thì lại thích… trâu chậm uống lavie.

Giờ nếu bắt các cổ đông lớn đóng tiền trước, có khi hồ sơ xin phát hành thêm cổ phiếu giảm đi quá nửa. Vậy là bớt việc cho cơ quan quản lý. Một mũi tên bắn trúng mấy đích thế còn gì.

12. Vị cổ đông “gấu” nhất

"Ông Chủ tịch nghỉ ốm mà không báo lại, nếu tôi gặp anh ngày hôm đấy tôi sẽ tát cho anh một phát vào mặt…". Đó là lời đe của cổ đông mang bí số 754 tại ĐHCĐ CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (BKC - sàn HNX) ngày 29/7/2013.

Nhưng thật ra vị chủ tịch DN này cũng “gấu” không kém. Khi phóng viên hỏi về việc ai đã làm đơn tố cáo ông về những sai lầm trong công tác điều hành, ông Mai Văn Bản, Chủ tịch BKC trả lời, tôi có biết đ. đâu! Công ty này trò chuyện… dân “giã” nhỉ!?

13. Lý do mua cổ phiếu bất thường nhất

Lẽ thường, NĐT mua cổ phiếu là mong DN ăn nên làm ra, thế nhưng, có những NĐT mua cổ phiếu để mong DN... giải thể!

Bất thường, nhưng lại rất bình thường. Chẳng hạn, cổ phiếu SVS của Chứng khoán Sao Việt, mua giá khoảng 3 ngàn một cổ, đến khi giải tán công ty, chia ra mỗi cổ được gần 7 ngàn đồng. Lãi hơn 100% trong non nửa năm, ai mà không ham!

Và không chỉ ở Sao Việt. Thậm chí, đã hình thành hẳn một chiến lược đầu tư, gọi là “Chiến lược đầu tư kền kền”. Cũng có một sóng tăng cổ phiếu sắp giải thể mà người ta gọi là “Sóng hôi của”!

Vĩ thanh: Nhiều khi cứ nghĩ lẩn thẩn, tại sao các báo đua nhau chọn 10 người giàu nhất sàn mà không bình chọn 10 đối tượng nghèo nhất sàn. Người ta sợ bất nhẫn hay chỉ thích phù thịnh chứ ít phù suy. Nhưng Nobel còn có IgNobel mà. 13 sự kiện ở trên dẫu chỉ là tản mạn ngày xuân nhưng cũng mạo muội xin một nửa cái “phản Nobel” làng chứng vậy!