Phố Wall nhanh chóng hồi phục sau phiên điều chỉnh - Ảnh: Reuters

Phố Wall nhanh chóng hồi phục sau phiên điều chỉnh - Ảnh: Reuters

Giá dầu “mất phanh” khiến S&P 500 hụt đỉnh cao lịch sử

(ĐTCK) Trong khi Dow Jones thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, thì với việc giá dầu lao dốc mạnh, ảnh hưởng đến cổ phiếu năng lượng khiến S&P 500 không thể song hành cùng Dow Jones.

Sau phiên giảm nhẹ trước đó, cắt đứt mạch thiết lập đỉnh cao lịch sử ở con số 5 phiên liên tiếp, phố Wall đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Năm (13/11). Với sự hỗ trợ từ kết quả kinh doanh khả quan của Wal-Mart, Dow Jones đã lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi S&P 500 không đủ sức song hành cùng Dow Jones do chịu tác động của cổ phiếu năng lượng.

Trong phiên này, giá dầu lao dốc mạnh tới hơn 3% đến 4%, lần đầu tiên sau 4 năm, giá dầu thô Brent xuống dưới 80 USD/thùng khiến cổ phiếu năng lượng lao dốc theo và hãm đà tăng của S&P 500.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Dow Jones tăng 40,59 điểm (+0,23%), lên 17.652,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,08 điểm (+0,05%), lên 2.039,33 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 5,01 điểm (+0,11%), lên 4.680,14 điểm.

Dù cũng chịu tác động từ cổ phiếu năng lượng và dữ liệu kinh tế kém khả quan từ Trung Quốc, nhưng chứng khoán châu Âu vẫn có phiên giao dịch tích cực sau phiên bán mạnh trước đó.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy, mức lạm phát của cả khối Liên minh châu Âu năm nay ở mức 0,5%, năm 2015 là 1,0% và năm 2016 ở mức 1,4%, đều thấp hơn mục tiêu mà ECB đã đặt ra là 2%. Điều này cho thấy ECB vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, hoặc mở rộng thêm gói kích thích kinh tế của mình. Đây chính là kỳ vọng giúp chứng khoán châu Âu hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,41 điểm (+0,37%), lên 6.635,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 37,55 điểm (+0,41%), lên 9.248,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 8,07 điểm (+0,19%), lên 4.187,95 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng tốt, lên mức cao nhất 7 năm nhờ những kỳ vọng về việc hoãn tăng thuế và cuộc bầu cử sớm giúp đồng yên xuống lại mức thấp nhất 7 năm so với đồng USD. Trong khi đó, đà tăng của chứng khoán Hồng Kông bị hãm lại, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều do dữ liệu kinh tế kém khả quan.

Theo dữ liệu vừa được công bố, sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 10 của Trung Quốc tăng 7,7%, thấp hơn dự báo là 8% và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm. Điều này củng cố về dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ có năm tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong gần 24 năm.

Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Nikkei 225 tăng 195,74 điểm (+1,14%), lên 17.392,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 81,76 điểm (+0,34%), lên 24.019,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục giảm 8,87 điểm (-0,36%), xuống 2.485,61 điểm.

Vàng tiếp tục giao dịch giằng co trong phiên thứ Năm và kết thúc giữ được mức tăng nhẹ khi nhận các thông tin trái chiều.

Trong khi báo cáo của NATO về đoàn xe quân sự của Nga hướng tới biên giới Nga – Ukraine (Nga đã bác bỏ cáo buộc này), giúp vai trò rú ẩn của vàng tăng lên, thì báo cáo giảm nhu cầu của Hội đồng vàng thế giới lại khiến vàng không thể tăng mạnh.

Hội đồng Vàng Thế giới báo cáo hôm thứ Năm rằng, nhu cầu trên toàn thế giới đối với vàng giảm 2% so với kỳ báo cáo cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu của Trung Quốc đối với vàng trang sức giảm mạnh trong quý thứ 3, nhưng nhu cầu từ Ấn Độ tăng mạnh trong giai đoạn này.

Kết thúc phiên 13/11, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.161,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,4 USD (+0,21%), lên 1.161,5 USD/ounce.

Vốn đã rất yếu, thị trường dầu mỏ lai nhận thêm thông tin không khả quan từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, khiến giá dầu giảm sâu hơn trong phiên thứ Năm. Dầu thô Brent đã giảm hơn 30% kể từ tháng 6.

Kết thúc phiên 13/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 2,97 USD (-4,00%), xuống 74,21 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,46 USD (-3,16%), xuống 77,92 USD/thùng.

Tin bài liên quan