Giá dầu thế giới giảm trong phiên 16/2

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên 16/2 do thị trường đã bị ảnh hưởng bởi những dấu hiệu kinh tế trái chiều từ Mỹ và triển vọng nhu cầu phục hồi của Trung Quốc, cùng với dự trữ dầu tại Mỹ tăng.
Một cơ sở khai thác dầu ở Zubair, tỉnh Basra, miền Tây Nam Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở khai thác dầu ở Zubair, tỉnh Basra, miền Tây Nam Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 24 xu Mỹ xuống 85,14 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 10 xu Mỹ xuống 78,49 USD/thùng.

Mặc dù số liệu cho thấy thị trường việc làm Mỹ vẫn "khỏe mạnh", song thước đo đánh giá hoạt động sản xuất bất ngờ sụt giảm.

Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Cleveland Loretta Mester cho biết ngân hàng này có thể mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất nếu lạm phát bất ngờ tăng lên. Dữ liệu mới nhất về lạm phát cho thấy giá cả vẫn ở mức cao, song ông Mester cho rằng nước Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái.

Đồng USD đã leo lên mức cao nhất trong sáu tuần so với rổ tiền tệ chính sau dữ liệu của Mỹ, gây sức ép lên giá dầu, do đồng USD mạnh khiến hàng hóa được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Giá dầu Brent dao động trong phạm vi 80-90 USD/thùng trong 6 tuần qua, trong khi WTI dao động trong khoảng 72-83 USD/thùng kể từ tháng 12/2022.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) ngày 15/2 đã báo cáo các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 sau khi tăng nhiều hơn dự kiến.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho hay giá dầu hiện đang rất biến động khi các nhà giao dịch có rất nhiều lựa chọn để đầu tư, đồng thời viện dẫn việc Nga cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3/2023, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn.

Triển vọng phục hồi nhu cầu của Trung Quốc đã góp phần vào tâm lý lạc quan của thị trường.

IEA cho biết Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19.

EIA đã nhắc lại quan điểm tương tự từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), mà trong tuần này đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2023 dựa trên tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết thỏa thuận hiện tại của OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, nhằm cắt giảm mục tiêu sản xuất dầu khoảng 2 triệu thùng/ngày sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng ông vẫn thận trọng về nhu cầu dầu của Trung Quốc.

Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho cho biết kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giải phóng thêm dầu từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược cũng “có thể hạn chế bất kỳ đợt tăng giá nào trong những tuần tới".

Tin bài liên quan