Ông Nguyễn Hòa Bình.

Ông Nguyễn Hòa Bình.

Giải mã các thông số tài chính khi IPO Vietcombank

(ĐTCK-online) Mối quan tâm lớn nhất của thị trường trong thời điểm này hút về đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ngày 26/12 tới. Cơ sở đưa ra giá khởi điểm, thặng dư vốn thu về từ đợt đấu giá được sử dụng ra sao, năng lực quản trị, định hướng phát triển sau CPH và kế hoạch niêm yết... là những câu hỏi nhà đầu tư mong được giải đáp. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank trao đổi với ĐTCK để làm rõ hơn những thông tin này.

Ông có thể cho biết mức giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phần được xác định trên cơ sở nào?

Có 3 yếu tố được cân nhắc khi chúng tôi quyết định mức giá khởi điểm cho cổ phiếu Vietcombank, thứ nhất là dựa trên định giá của các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước; thứ hai tình hình cung cầu thị trường và thứ ba dựa vào thực tiễn các đợt đấu giá CP gần đây. Credit Suisse, tổ chức được lựa chọn tư vấn CPH cho Vietcombank đã đưa ra 3 phương pháp định giá Vietcombank bao gồm chiết khấu cổ tức nhằm xác định giá trị nội tại của DN; phương pháp thứ hai là phân tích, so sánh các giá trị mua bán, sáp nhập tương đồng, tức là căn cứ vào giá giao dịch mua bán của các ngân hàng Việt Nam được các đối tác chiến lược mua gần đây và cuối cùng là phân tích, so sánh giá cổ phiếu với các DN tương đồng, căn cứ vào giá các giao dịch mua bán trên thị trường đối với các ngân hàng tương đồng trong khu vực. Giá trúng thầu bình quân của các doanh nghiệp như Bảo Việt, PVFC cũng là những yếu tố được đưa ra xem xét.

Tại sao nhà đầu tư nước ngoài lại chỉ được mua 1,95% trong tổng số 6,5% cổ phần bán ra bên ngoài?

Sau khi CPH và niêm yết cổ phiếu trên sàn TP. HCM, năm 2009 Vietcombank sẽ niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài với tỷ lệ có thể 10-12%. Nếu niêm yết quốc tế, thì nhà đầu tư chủ yếu ở nước ngoài vì thế cộng cả 15% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, số CP nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khi đó ước khoảng 25%-30%. Nếu để nhà đầu tư nước ngoài được mua nhiều quá trong đợt này có thể room sẽ vượt 30%.

Một lý do nữa là theo chúng tôi được biết, hiện tại các quỹ nước ngoài đang chuẩn bị lượng vốn lớn để mua cổ phiếu Vietcombank. Nếu không hạn chế có thể nhà đầu tư trong nước không mua được. Theo phương án trước đây, nếu như Vietcombank bán 15% CP cho đối tác chiến lược trước thì 6,5% số CP bán đấu giá đợt này sẽ dành hết cho nhà đầu tư trong nước, nhưng do chúng tôi chưa bán được cho nhà đầu tư chiến lược, nên chọn phương án trung hòa.

 

Thặng dư từ đợt IPO này sẽ được phân chia ra sao? Vietcombank được giữ lại bao nhiêu phần trăm và có kế hoạch sử dụng như thế nào?

Trong đợt IPO này, phần vốn Nhà nước được giữ nguyên và chiếm khoảng 70% vốn điều lệ sau khi CPH, phần phát hành thêm chiếm 30% vốn. Như vậy theo quy định tại Nghị định 109, Vietcombank được giữ lại 30% thặng dư, 70% chuyển về Nhà nước. Tuy nhiên, quy định hiện hành cũng để ngỏ khả năng Nhà nước có thể cho Vietcombank giữ lại phần thặng dư với tỷ lệ cao hơn nếu như Ngân hàng có kế hoạch sử dụng hoặc có dự án tốt.

Về kế hoạch sử dụng tiền thặng dư đấu giá cổ phần như thế nào, chúng tôi đã có dự kiến là đầu tư vào các định chế tài chính và tiếp tục cho vay các dự án. Chủ trương của chúng tôi là mở rộng hoạt động đầu tư kết hợp với các hoạt động cho vay truyền thống. Đây là nội dung được các đối tác nước ngoài rất quan tâm, Vietcombank cũng đã có đề xuất với Chính phủ xin giữ lại phần thặng dư vốn với tỷ lệ cao hơn quy định, nhưng cụ thể bao nhiêu chúng tôi sẽ tính toán bởi giữ lại nhiều cũng là một áp lực đối với Ngân hàng.

 

Quỹ đất lên tới gần 200.000 m2 sẽ được Vietcombank sử dụng như thế nào và liệu có thể chuyển đổi mục đích sử dụng?

Tính đến 31/12/2006, quỹ đất của Vietcombank vào khoảng 185.000 m2, trong đó có diện tích đất thuê, có diện tích được giao ổn định. Trong định hướng của mình, Vietcombank chủ trương sử dụng quỹ đất phục vụ mục đích kinh doanh ngân hàng là chính.

 

Ông có thể cho biết định hướng phát triển cũng như quản trị Vietcombank có gì thay đổi sau CPH?

Quản trị Vietcombank sẽ thay đổi theo hai hướng, thứ nhất từ mô hình ngân hàng 100% vốn nhà nước  chuyển sang ngân hàng thương mại cổ phần nên tính linh hoạt sẽ cao hơn. Thứ hai, sau CPH, Vietcombank được áp dụng mô hình quản trị tốt nhất, điều này giúp cho Ngân hàng tăng tính chủ động cũng như các chỉ số an toàn cao hơn. Định hướng hoạt động sau khi CPH, Vietcombank hướng đến xây dựng tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng có vai trò chủ đạo tại Việt Nam và trở thành một trong 70 định chế tài chính hàng đầu châu Á vào năm 2015-2020, có phạm vi hoạt động quốc tế.

 

Nhà đầu tư băn khoăn tại sao quý III/2007 lợi nhuận sau thuế của Vietcombank lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái?

Nếu nhìn vào nguồn thu thì có thể thấy nguồn thu lãi vẫn tăng, nhưng nguồn thu lãi không bằng mức tăng chi lãi. Hơn nữa thị trường thế giới năm 2007 có nhiều biến động không thuận lợi như năm 2006. Cụ thể, năm 2007 ghi nhận sự khủng hoảng trên thị trường tài chính quốc tế trong khi hoạt động của Vietcombank có quy mô tương đối rộng.  Số dư tài khoản ngoại tệ Vietcombank gửi tại nước ngoài hiện lên tới hơn 1 tỷ USD, tỷ giá USD cũng như lãi suất giảm mạnh đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động, đồng thời các danh mục quản lý tài sản ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó nếu như năm 2006 trích Quỹ dự phòng của Vietcombank chỉ có 174 tỷ đồng thì năm 2007 con số đó vào khoảng 1.100 tỷ đồng.

 

Giả định trường hợp giá đấu bình quân cổ phần Vietcombank đạt mức cao, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chấp nhận và bỏ cuộc thì Ngân hàng sẽ xử lý ra sao đối với số cổ phần dự kiến 15% bán cho đối tác chiến lược?

Theo Nghị định 109, giá mua của nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. Trong trường hợp giá đấu thành công bình quân quá cao, nhà đầu tư bỏ cọc thì sẽ xác định giá trúng thầu bình quân lại. Tuy nhiên, Nghị định 109 cũng mở với một số trường hợp, đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (bao gồm các ngân hàng thương mại nhà nước) nếu nhất thiết phải chọn  nhà đầu tư chiến lược thì cơ quan quyết định CPH báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức đấu thầu riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược.