Giám sát chặt diễn biến thị trường chứng khoán

Giám sát chặt diễn biến thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Tại cuộc họp chiều ngày 17/5 về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp, đã nhận xét, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán diễn biến không ổn định, mật độ tăng giảm “dày”. 

Bên cạnh các nguyên nhân thị trường, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát, đánh giá đầy đủ các yếu tố chi phối khác, kể cả giao dịch nội gián.

Kinh tế Việt Nam trong năm 2018, cùng với kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi và những cải cách trong nước, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc và tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của thế giới trong 2 năm nữa, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá trong trung hạn kinh tế Việt Nam sẽ tăng ổn định ở mức 6,5%, còn theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thì có thể duy trì trên 6,7% từ 2019 - 2020.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương chỉ ra nền kinh tế vẫn đối mặt với những thách thức nội tại là trình độ công nghệ thấp, đất đai - tài nguyên đang bị suy giảm, hiệu quả và năng lực cạnh tranh có chuyển biến nhưng chưa đột phá, gặp nhiều rủi ro khi nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của khối FDI, dầu thô, rủi ro từ sản xuất nông sản trong nước...

Thị trường chứng khoán Việt Nam có rủi ro, đà tăng chậm lại khi định giá thị trường không còn rẻ so với các nước trong khu vực, đối diện với rủi ro đảo chiều dòng vốn nước ngoài (mặc dù hiện nay ở mức thấp).... Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn đang gặp phải vấn đề cung chưa đủ cầu, hành lang pháp lý cho các sản phẩm bất động sản chưa rõ ràng, tín dụng bất động sản chuyển dịch từ chủ đầu tư sang người mua nhà cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Từ nay tới cuối năm, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn về điều hành tỷ giá, lãi suất do lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), biến động khó lường của giá dầu thế giới gây áp lực tới điều hành lạm phát và giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý; áp lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu do giảm thuế theo cam kết quốc tế; thị trường lao động sẽ đối mặt nhiều thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4... 

Tin bài liên quan