Giao dịch chứng khoán chiều 16/5: Thị trường biến động mạnh, nhiều cổ phiếu quay đầu giảm sàn

Giao dịch chứng khoán chiều 16/5: Thị trường biến động mạnh, nhiều cổ phiếu quay đầu giảm sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có phiên biến động mạnh từ việc ghi nhận mức tăng hơn 33 điểm và quay đầu giảm hơn 10 điểm do lực bán dâng cao. Đáng chú ý, lực bán mạnh trong đợt khớp ATC khiến hàng loạt mã nằm sàn, trong đó có MSN và STB.

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích khi nhận định thị trường đã về mức khá hấp dẫn sau nhịp giảm 6 tuần liên tiếp, VN-Index đã bật tăng mạnh mẽ ngay khi mở cửa phiên giao dịch ngày 16/5. Tuy nhiên, về cuối phiên sáng, chỉ số này dần hạ độ cao khi áp lực bán có dấu hiệu gia tăng khiến nhiều mã lớn bé thu hẹp biên độ tăng hoặc đảo chiều giảm điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường diễn biến có phần tiêu cực hơn khi dòng tiền tham gia vẫn duy trì trạng thái nhỏ giọt trong khi áp lực bán tiếp tục dâng cao. Chỉ số VN-Index lùi dần về mốc tham chiếu và đã rơi về vùng giá đỏ chỉ sau khoảng 30 phút mở cửa.

Thị trường đã biến động rung lắc nhẹ quanh vùng giá tham chiếu trong gần suốt thời gian còn lại và đột ngột giảm sâu hơn khi bước vào đợt khớp lệnh ATC do sức ép lớn đến từ các cổ phiếu bluechip. Đặc biệt là màn đáp sàn của cặp đôi MSN và STB.

Thị trường khép lại phiên giao dịch với mức giảm hơn 10 điểm và lùi về mốc 1.170 điểm với điểm đáng chú ý là thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng, trong đó sàn HOSE chỉ hơn 14,5 nghìn tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác là dù trạng thái thị trường phân hóa mạnh với sàn HOSE ghi nhận 232 mã tăng và 224 mã giảm, nhưng diễn biến tiêu cực thấy rõ khi số mã nằm sàn tăng mạnh, là 48 mã.

Đóng cửa, VN-Index giảm 10,82 điểm (-0,91%), xuống 1.171,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 584,4 triệu đơn vị, giá trị 14.578 tỷ đồng, cùng giảm hơn 28% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33 triệu đơn vị, giá trị 824,55 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có 16 mã tăng và 11 mã giảm. Các mã giảm với biên độ khá lớn, trong đó đáng kể là cặp MSN và STB bị xả bán mạnh trong đợt khớp ATC, đã kết phiên nằm sàn và đều trong trạng thái dư bán sàn.

Cụ thể, kết phiên, MSN giảm 6,9% xuống mức 90.200 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị; còn STB giảm 6,8% xuống 19.050 đồng/CP và khớp 35,19 triệu đơn vị, dư bán sàn 34.500 đơn vị. Như vậy, chỉ trong 4 phiên giao dịch gần đây, MSN đã giảm tới hơn 22,3%, còn STB cũng giảm tới 20,3%.

Một số mã lớn khác cũng bị bán mạnh về cuối phiên và đều đáp ở mức giá thấp nhất trong ngày như BVH giảm 5,5% xuống 47.900 đồng/CP, GAS giảm 5% xuống 95.000 đồng/CP, TCB giảm 3,6% xuống 32.600 đồng/CP. Ngoài ra, VHM giảm 3,2%, SAB giảm 3%, MWG giảm 1,7%, VIC giảm 1,3%, cặp VNM và FPT cũng đảo chiều điều chỉnh nhẹ trong phiên chiều.

Trái lại, có 16 mã trong rổ bluechip tăng điểm nhưng biên độ đã có phần thu hẹp khi không còn mã nào giữ được đà tăng trần. Trong đó, SSI dẫn đầu khi tăng 5,8%, tiếp theo là PLX tăng 4,7%, VRE tăng 3,8%, TPB tăng 3,3%, GVR tăng 2,6%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã như DXG, ASM, DXS NVT, APH, VGC, GMD, IDI, NKG… nằm sàn.

Xét về nhóm ngành, các nhóm cổ phiếu phân bón với DCM, DPM; thủy sản với VHC, ANV, ASM, IDI, CMX, ACL; bán lẻ như FRT, DGW, PET; bảo hiểm như MIG, BMI; cảng biển như HAH, GMD… la liệt nằm sàn.

Ở nhóm trụ cột, dòng bank đuối sức trong phiên chiều. Bên cạnh STB nằm sàn, cổ phiếu TCB đảo chiều giảm 3,55%, SHB giảm 5,08%, EIB giảm nhẹ; trong khi các mã tăng đều thu hẹp biên độ với VCB, BID, CTG, MBB, ACB, SSB… đều tăng trên dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn có diễn biến tích cực nhất trên thị trường nhưng sắc tím đã thu hẹp đáng kể khi chỉ còn HCM, CSI, APS, ART giữ được mức giá trần. Đáng chú ý là pha “quay xe” của FTS khi bị xả bán mạnh trong phiên chiều, đã kết phiên ở sát mức giá sàn 32.800 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thép có phần kém tích cực, với HPG chỉ còn nhích nhẹ khi tăng 1,1% lên 36.300 đồng/CP, trong khi HSG và NKG kết phiên nằm sàn. Trong đó HPG khớp gần 29,4 triệu đơn vị, còn HSG khớp 10,66 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài DXG và DXS, nhiều mã khác như BCM, HDG, SCR, TCD, LHG… kết phiên tại mức giá sàn.

Trên sàn HNX, biên độ tăng tiếp tục thu hẹp hơn trong phiên chiều khi có nhiều mã quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên, sàn HNX có 148 mã tăng (18 mã tăng trần) và 71 mã giảm (9 mã giảm sàn), HNX-Index tăng 4,66 điểm (+1,54%) lên 307,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,12 triệu đơn vị, giá trị 1.467,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,7 triệu đơn vị, giá trị 63,7 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có 8 mã giảm, trong đó cổ phiếu giảm mạnh nhất là THD khi để mất 4,1% và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 81.000 đồng/CP. Các mã BCC, NRC, TNG, PLC thoát giá sàn với mức giảm tương ứng 3,6%, 2,9%, 2% và 1,1%.

Trái lại, cặp PVS và PVC đều kết phiên tăng kịch trần, ngoài ra CEO cũng khoe sắc tím với mức tăng 9,7%, SHS giữ đà tăng mạnh 8,5%, L18 tăng 5,5%, TAR tăng 5,2%...

Trong đó, không chỉ tăng mạnh về giá, SHS và PVS là cặp đôi dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lần lượt đạt 17,14 triệu đơn vị và 10,14 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là CEO khớp 4,67 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng tốt 7,3% và đóng cửa tại 4.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, bộ đôi chứng khoán ART và APS kết phiên tại mức giá trần với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Các mã vừa và nhỏ khác như IPA tăng 3,5% và khớp 1,94 triệu đơn vị, IDJ tăng 6,7% và khớp hơn 1,7 triệu đơn vị, BII tăng 5,1% và khớp 1,22 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường rung lắc nhẹ và kết phiên dưới mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,44%), xuống 93,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,8 triệu đơn vị, giá trị 454,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 173,45 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR thu hẹp đà tăng khi kết phiên tại mức giá 19.300 đồng/CP, tăng 2,1%, thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, VEA, LTG… lùi về mốc tham chiếu, thậm chí ACV đảo chiều giảm 2,1%, MSR giảm 1,5%, SSH giảm 2,6%...

Các cổ phiếu ngân hàng cũng kém tích cực với AAB giảm 0,9%, VAB giảm 1%, NAB giảm 0,7%, PGB giảm 2,4%...

Một số cổ phiếu đáng chú ý khác như C4G kết phiên đứng tại mốc tham chiếu và khớp 2,59 triệu đơn vị, PAS giảm 2,9% xuống 16.500 đồng/CP và khớp 1,47 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó, VN30F2205 giảm 13 điểm (-1,1%), xuống 1.212 điểm, khớp lệnh 354.410 đơn vị, khối lượng mở gần 34.120 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó dẫn đầu thanh khoản là CPHG2203 giảm 2,3% xuống 420 đồng/CQ, khối lượng khớp đạt hơn 3,64 triệu đơn vị.

Tiếp theo là CACB2102 khớp 1,69 triệu đơn vị, kết phiên tăng 18,8% lên 190 đồng/cq.

Tin bài liên quan