Giao dịch chứng khoán chiều 3/11: Phiên phân phối cổ phiếu nhỏ và vừa

Giao dịch chứng khoán chiều 3/11: Phiên phân phối cổ phiếu nhỏ và vừa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Nồi đầy gà”, một nhà đầu tư lớn trên thị trường phải thốt lên khi phiên ATC kết thúc. Với hơn 80 mã giảm sàn trên 2 thị trường HOSE và HNX, cộng với thanh khoản lập kỷ lục trong 1 phiên thì ngày mai có thể thêm một phiên bão tố.

Hôm nay, nếu phiên sáng chỉ thuần túy là một phiên rũ hàng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thì phiên chiều đã khẳng định sự phân phối của nhóm cổ phiếu này. Nếu, phải nói rõ từ “nếu” không có nhóm cổ phiếu ngân hàng thì VN-Index không chỉ giảm hơn 8 điểm phiên hôm nay.

Có quá nhiều cảm xúc để nói về phiên 3/11 này, đầu tiên đó khối lượng giao dịch, có tới 1,45 tỷ cổ phiếu được trao tay trên HOSE với giá trị toàn sàn đạt hơn 43.000 tỷ đồng, vượt rất xa so với phiên kỷ lục vừa mới thiết lập ngày 20/8 là hơn 1,17 tỷ cổ phiếu cũng ở sàn HOSE được khớp lệnh.

Phiên ngày 20/8 là một phiên phân phối điển hình khi VN-Index giảm hơn 45 điểm với khối lượng đạt kỷ lục so với tất cả những phiên trước đó. Sau ngày 20/8, thị trường cần tới 34 phiên giao dịch để lấy lại điểm số đã mất.

Còn phiên hôm nay, VN-Index chỉ giảm có hơn 8 điểm, đó là sự khác biệt. Nhưng cần lưu ý khi so sánh, phiên 20/8, VN30-Index – chỉ số của những cổ phiếu lớn giảm tới 54,54 điểm, cao hơn cả VN-Index, còn với phiên hôm nay VN-Index vẫn tăng 9,3 điểm. Giả sử rằng, nếu các cổ phiếu trụ cũng giảm tương tự như với tỷ lệ của 328 mã giảm điểm ngày hôm nay thì VN-Index có thể đã “đi rất xa”, chắc chắn sẽ giảm dưới mức điểm kỷ lục khoảng 1.425 điểm mà chính chỉ số này vừa phá vỡ.

Trong nhóm các cổ phiếu giữ VN-Index không giảm sâu ngày hôm nay, tất nhiên cả nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong top 8 tăng tốt thì ngoài trừ SAB còn lại có 7 gương mặt cổ phiếu nhà băng, nhìn rộng hơn thì còn có sự góp mặt của hàng loạt gương mặt khác như OCB, MST, STB… Tức là toàn bộ nhóm ngân hàng hôm nay, từ phiên sáng tới phiên chiều, đóng vai trò giúp toàn thị trường không có phiên phân phối!

Còn với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đây là câu chuyện buồn, nếu bóc tách khỏi nhóm cổ phiếu nhà băng thì hôm nay là một phiên phân phối có tính chất điển hình, giá giảm mạnh và khối lượng tăng đột biến. Hàng loạt mã giao dịch với khối lượng kỷ lục và giá cuối phiên ở mức… sàn! Mới ngày hôm qua thôi, những HQC, BCG, KBC, DLG, KSB, NLG, DRH,… và nhiều cổ phiếu khác còn được phân tích ở dạng “siêu trend” thì ngày hôm nay đã dư bán giá sàn hay cách nói ví von của dân đầu tư là “múa bên trăng”.

Điều may mắn với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này nếu bán được hôm nay (tức là đã qua T+3) thì đều có lãi. Cú tăng vượt đỉnh 1.245 điểm mọi thời đại của VN-Index được góp sức bởi những cổ phiếu này. Chiều ngược lại, những nhà đầu tư đã lỡ mua các cổ phiếu này nhưng chưa đủ T+3, hẳn phải có lý do để lo lắng.

Nhìn vào diễn biến giao dịch phiên chiều, lực bán quá mạnh của nhóm cổ phiếu trên thực sự đã tạo ra sự hoảng loạn nhất định. Hệ thống đặt lệnh của nhiều công ty chứng khoán bị “lag” sau 1h30 chiều vì khối lượng giao dịch tăng quá đột biến, hệ thống của HOSE cũng bị tương tự sau phiên sáng khi hết 11h30, lệnh trên bảng vẫn nhảy thêm khoảng 5 phút.

Còn nhiều điều phải nói thêm nữa về phiên ngày hôm nay, nhưng tổng thể lại thì liệu hôm nay đã phải là phiên thảm họa? Có thể sẽ xảy ra với một số nhóm cổ phiếu trong vài phiên tiếp tới, nhưng tổng thể toàn thị trường, xu hướng tăng vẫn đang được đảm bảo. Biết đâu đấy, ngày mai nắng lại chiếu lên rực rỡ.

Về mặt kỹ thuật, ngoại trừ điểm trừ về khối lượng giao dịch đang cho thấy lực bán tăng quá lớn, còn các chỉ số khác vẫn đang phát tín hiệu, thậm chí là tích cực, chẳng hạn như VN30-Index, giá tăng và khối lượng tăng. Chỉ có một điểm cần lưu ý như đã đề cập bản tin sáng, đó là VN-Index phiêm hôm nay đã đi tới khu vực nhạy cảm là 1.465 điểm, tương ứng với Fibonacci mở rộng 23,6%, việc rung lắc là điều có thể dễ hiểu.

Tác động tới phiên hôm nay không có yếu tố ngoại lai từ cơ bản tới thị trường quốc tế, thuần túy là sự phản ứng mang tính chất dây chuyền của một thị trường đang nóng, cần những nhịp để làm nguội lại, giống như một con lắc khi dao động quá xa điểm cân bằng.

Một điểm cuối cần đề cập với nhóm ngân hàng, nhiều nhà đầu tư hôm nay, sau phiên sáng đã đảo hàng thành công từ nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa sang nhóm bank có thể sẽ rất hào hứng theo cái cách chốt lời cổ phiếu nhỏ và mua vào đúng điểm cổ phiếu lớn đang tăng. Lãi trong phiên với tỷ lệ 5-7%! Nhưng cũng cần lưu ý, ngày 11/10, mới cách đây chưa lâu, cổ phiếu nhà băng đã có phiên thăng hoa rực rỡ để rồi lại chìm 3 tuần sau đó. Cũng lại biết đâu đấy, ngày mai, niềm vui cũng nhanh qua.

Chốt phiên, VN-Index giảm 8,16 điểm (-0,56%), xuống 1.444,3 điểm với 144 mã tăng, trong khi có tới 328 mã giảm và 29 mã đứng giá. Trong số mã tăng, chỉ có 8 mã tăng trần (nhiều hơn phiên sáng 3 mã), trong khi số mã giảm sàn lên tới 64 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục lịch sử mới 1.505,1 triệu đơn vị, giá trị 43.208,9 tỷ đồng, tăng 49% về khối lượng và 49,8% về giá trị so với ngày hôm qua.

Trong khi các nhóm ngày khác gần như đều chịu áp lực chốt lời và quay đầu giảm mạnh, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại thăng hoa khi tất cả đều tăng giá, giúp VN-Index tránh khỏi phiên lao dốc mạnh hôm nay. Các mã lớn của dòng bank hôm nay đóng góp khoảng 9 điểm số cho VN-Index.

Nhóm ngân hàng hôm nay có 2 sắc tím tại OCB lên 28.800 đồng và LPB lên 22.850 đồng và đều còn dư mua giá trần, trong đó LPB còn dư mua tới 1,65 triệu cổ phiếu, thanh khoản cao với LPB là 21,6 triệu đơn vị và OCB là 18,4 triệu đơn vị.

Trong một ngày thăng hoa của cổ phiếu dòng bank, HDB đã giao dịch rất tích cực đặc biệt trong phiên chiều. Việc khối ngoại đảo chiều từ bán ròng phiên sáng sang mua ròng mạnh đã tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ, đưa HDB tăng mạnh hết biên độ lên 27.350 đồng, trước khi hạ nhiệt nhẹ trong đợt ATC, đóng cửa ở mức 27.200 đồng, tăng 6,25%, mạnh nhất rổ VN30. Thanh khoản đạt 12,7 triệu đơn vị gấp 5 lần bình quân các phiên trước.

Mới đây HDB đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận tăng 39% so với cùng kỳ. Theo nhận định của các công ty chứng khoán lớn như HSC, Bản Việt và SSI, HDBank có thể đạt lợi nhuận từ 7.500 - 7.700 tỷ trong năm nay và dành cho HDB khuyến nghị tích cực.

Ngoài 3 mã trên, các mã tăng mạnh khác trong nhóm còn có MSB tăng 6,17% lên 24.950 đồng, khớp 26,5 triệu đơn vị; STB tăng 4,7% lên 27.900 đồng, khớp 41 triệu đơn vị; EIB tăng 4,2% lên 25.950 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị; VIB tăng 3,3% lên 38.700 đồng, khớp 3 triệu đơn vị; SSB tăng 2,8% lên 38.250 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị.

Các mã lớn có TCB tăng 4,1% lên 53.700 đồng, khớp 39,7 triệu đơn vị; VPB tăng 2,3% lên 38.400 đồng, khớp 17,6 triệu đơn vị; BID tăng 2,6% lên 43.050 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị; CTG tăng 1,9% lên 33.000 đồng, khớp 20,8 triệu đơn vị; “anh cả” VCB cũng đảo chiều tăng nhẹ 0,83%...

Các nhóm ngành khác như chứng khoán, thép, bất động sản, dầu khí…, đều chìm trong sắc đỏ, mỗi nhóm chỉ le lói một vài sắc xanh.

Đặc biệt, các mã bất động sản vừa và nhỏ tăng nóng thời gian qua đều bị chốt lời rất mạnh hôm nay và đồng loạt đóng cửa ở mức sàn. Cụ thể, HQC xuống 5.400 đồng, khớp 42,85 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 13,5 triệu đơn vị. ITA giảm sàn xuống 8.490 đồng, còn dư bán sàn 0,33 triệu đơn vị, khớp 30,5 triệu đơn vị. LDG giảm sàn xuống 10.400 đồng, khớp 30,47 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 1,8 triệu đơn vị. SCR giảm sàn xuống 14.650 đồng, khớp 27,6 triệu đơn vị, còn dư bán sàn. KBC xuống 48.000 đồng, khớp 24,2 triệu đơn vị, còn dư bán sàn. DIG xuống 54.200 đồng, khớp 22,9 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 2,76 triệu đơn vị. HBC xuống 19.550 đồng, khớp 22 triệu đơn vị, còn dư bán sàn 0,85 triệu đơn vị. NLG xuống 57.900 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị và cũng còn dư bán sàn.

Các mã giảm sàn khác trong nhóm này còn có NTL, ITC, TDH, HDG, HDC, SGR, NBB, VPH, QCG, HTN, HAR, D2D, SZC, DRH, KHG, CCL, TIP, VRC.

Tình trạng phân phối mạnh cũng diễn ra trên sàn HNX, thậm chí chỉ số chính của sàn này còn đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi không có nhóm cổ phiếu nào đủ lớn để gồng gánh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 8,4 điểm (-1,98%), xuống 415,71 điểm với 75 mã tăng, trong khi có 181 mã giảm và 35 mã đứng giá. Số mã tăng trần cũng chỉ 8 mã, trong khi có 19 mã giảm sàn khi đóng cửa. Tổng khối lượng giao dịch đạt 221,1 triệu đơn vị, giá trị 5.307,8 tỷ đồng, tăng 17,7% về khối lượng và 17,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 131,8 tỷ đồng.

Trong Top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn, chỉ có 2 mã ngân hàng tăng giá là BAB tăng 2,25% lên 22.700 đồng, khớp hơn 122.000 đơn vị và NVB tăng 5,54% lên 30.500 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, giảm mạnh nhất là IDC giảm 7,13% xuống 72.900 đồng, khớp 6,53 triệu đơn vị. Tiếp đến là PVI giảm 6,67% xuống 49.000 đồng, khớp 0,77 triệu đơn vị. VCS giảm 3,23% xuống 120.000 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. PVS giảm 3,63% xuống 29.200 đồng, khớp 9,69 triệu đơn vị. MBS giảm 2,88% xuống 37.100 đồng, khớp 3,8 triệu đơn vị. SHS giảm 1,2% xuống 41.000 đồng, hớp hơn 9 triệu đơn vị. Hai mã THD và KSF chỉ giảm nhẹ.

Trong khi đó, CEO là mã có thanh khoản nhất với 15,85 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm mạnh 7,7% xuống 12.000 đồng.

Các mã giảm mạnh khác có NDN giảm 8,2% xuống 22.300 đồng, khớp 8,3 triệu đơn vị; APS giảm 9,3% xuống 38.100 đồng, khớp gần 8 triệu đơn vị; DL1 giảm sàn xuống 12.300 đồng, khớp 7,47 triệu đơn vị…

Trong khi đó, UPCoM lại leo khá mạnh trong nửa đầu phiên chiều trước khi quay đầu đi xuống nhanh do chịu tác động từ 2 sàn niêm yết. Tuy nhiên, chốt phiên, chỉ số chính của thị trường này vẫn may mắn có sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,04%), lên 106,98 điểm với 159 mã tăng và 191 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 170 triệu đơn vị, giá trị 3.460 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,57 triệu đơn vị, giá trị 85 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng vẫn là nhóm tích cực nhất trên thị trường này với BVB tăng 5,6% lên 22.600 đồng, khớp 12,28 triệu đơn vị. ABB tăng 5,4% lên 23.300 đồng, khớp 8,67 triệu đơn vị. SGB tăng 2,8% lên 18.400 đồng; KLB tăng 2,5% lên 24.600 đồng; NAB tăng 8,2% lên 22.400 đồng; PGB tăng 7,9% lên 26.000 đồng…

Trong khi đó, HHV và BSR, 2 mã có thanh khoản đứng trên BVB lại giảm mạnh 5,0% xuống 20.700 đồng và 2,4% xuống 24.200 đồng. Thanh khoản lần lượt là 13,5 triệu đơn vị và 12,6 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo chỉ số này, nhưng mức tăng nhẹ hơn. VN30-Index hôm nay đi ngược với VN-Index nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng. Chốt phiên, VN30-Index tăng 9,30 điểm (+0,61%), lên 1.530,65 điểm với 13 mã tăng, ít hơn so với 15 mã giảm, cùng 2 mã đứng giá. Trong khi đó, hợp đồng đáo hạn tháng 11 tăng 4,4 điểm (+0,29%), lên 1.528,5 điểm, thanh khoản 166.803 hợp đồng, khối lượng mở 36.083 hợp đồng.

Tin bài liên quan