Giao dịch chứng khoán chiều 5/5: Sắc đỏ bao trùm, VHM nhấc VN-Index lên mốc 1.360 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 5/5: Sắc đỏ bao trùm, VHM nhấc VN-Index lên mốc 1.360 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp sắc đỏ chiếm áp đảo trên thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip hồi phục cuối phiên chiều đã dẫn dắt VN-Index dành lại mốc 1.360 điểm. Trong đó, đáng chú ý là mã lớn VHM tăng sát trần.

Thêm môt phiên giao dịch khá ấn tượng khi VN-Index leo dốc một mạch 30 điểm chỉ trong phiên chiều từ mức 1.331,41 điểm lên mức chốt phiên ở mức xấp xiwr 1.361 điểm cuối phiên.

Sự khởi sắc này giúp thanh khoản thị trường cải thiện đôi chút so với cả quãng thời gian ảm đạm trước đó, tuy nhiên, xét trong cả phiên hôm nay thì thanh khoản thị trường vẫn đang nằm ở vùng thấp nhất trong 1 năm trở lại đây.

Dòng tiền có lý do thận trọng sau một nhịp rơi khá dài và mạnh, lực mua ít tham gia đu bám nên ngoại trừ số ít mã có giao dịch đột biến còn hầu hết mức tăng là không mạnh. Lực bán giảm đi nhưng vẫn còn xuất phát từ việc không ít mã chưa rũ xong lượng margin lớn trước đó, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán lớn vẫn đang giảm khá mạnh, hay một số mã tăng nóng trước đó như nhóm thủy sản, hạ tầng khu công nghiệp... Ngoài ra, lực bán còn đến từ hoạt động cơ cấu lại danh mục chuyển dịch trở lại các nhóm cổ phiếu phòng thủ.

Điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là một số mã bluchip tăng khá mạnh, đặc biệt là bộ 3 gồm VHM, TPB và MSN, đã giúp thị trường gần như “đòi lại” những gì để mất trong phiên hôm qua. Ngoài ra, nhóm ngân hàng phục hồi trở lại cũng hỗ trợ VN-Index có được sắc xanh ở cuối phiên.

Về tổng thể thị trường, số mã giảm điểm vẫn đang áp đảo, tuy nhiên chuỗi rung lắc ở các phiên gần đây cho thấy thị trường đang có hy vọng tạo đáy ngắn hạn. Chỉ khi đà giảm được ngắt thì hy vọng phục hồi mới có thể mở ra.

Chốt phiên, VN-Index tăng 12 điểm (+0,89%) lên 1.60,68 điểm với 160 mã tăng, trong khi có 272 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 531 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch đạt 15.361 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,84 triệu đơn vị, giá trị 930,38 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 hỗ trợ khá tốt cho thị trường khi kết phiên tăng hơn 15 điểm và vượt xa mốc 1.400 điểm. Trong đó, cổ phiếu lớn VHM là điểm tựa chính đóng góp vào chỉ số chung của thị trường khi kết phiên tăng 6,7% lên sát mức giá trần và cũng là vùng đỉnh của ngày, đứng tại mốc 68.800 đồng/CP.

Không chỉ tăng mạnh về giá, thanh khoản của VHM cũng vọt tăng với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 7,5 triệu đơn vị, là mức thanh khoản cao nhất trong khoảng 2 tháng qua của cổ phiếu này, vượt xa mức trung bình 10 phiên gần đây đạt 5,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh VHM, cổ phiếu TPB cũng có mức tăng ấn tượng, là điểm sáng của ngành ngân hàng. Sau diễn biến tích cực của phiên sáng, lực cầu tăng mạnh đã giúp TPB khoe sắc tím khi kết phiên tăng 6,88% lên mức giá trần 34.200 đồng/CP, cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 7,8 triệu đơn vị.

Nhiều mã bluechip tăng tốt khác đều đóng cửa tại vùng giá cao nhất trong ngày như MSN tăng 5,2% lên 119.000 đồng/CP, SAB tăng 3,6% lên 169.400 đồng/CP, CTG tăng 3,3% lên 27.900 đồng/CP, BID tăng 2,6% lên 38.200 đồng/CP.

Trái lại, trong nhóm VN30 vẫn chỉ còn 7 mã giảm điểm, trong đó đáng chú ý là SSI giảm 3,1% xuống mức 31.000 đồng/Cp và PLX giảm 2,2% xuống 47.600 đồng/Cp, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ trên dưới 0,5%.

Trái với diễn biến tích cực từ nhóm cổ phiếu bluechip, nhiều mã vừa và nhỏ tiếp tục suy yếu và giảm mạnh bởi áp lực bán tiếp tục dâng cao. Cụ thể như FLC, HQC, DIG, HBC, ASM, TTF, AMD, LDG… giảm hơn 4%.

Xét về nhóm ngành, dòng bank là động lực tăng chính của thị trường. Bên cạnh TPB tăng kịch trần, nhiều mã khác trong ngành cũng có diễn biến tích cực như CTG tăng 3,33%, BID tăng 2,55%, VCB và TCB cùng tăng 1,4%, VIB tăng 3,47%, EIB tăng 2,04%..., chỉ còn VPB, ACB, SSB, SHB, LPB điều chỉnh giảm nhẹ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn chủ yếu giao dịch dưới mốc tham chiếu với các mã đầu ngành như SSI, HCM, VCI, VND đều mất điểm, ngoại trừ một số mã như FTS, ORS xanh nhạt.

Ở nhóm cổ phiếu thép, trong khi HPG nhích nhẹ trên mốc tham chiếu thì HSG tiếp tục giảm sâu và thoát nằm sàn về cuối phiên. Đóng cửa, HSG giảm 6,5% xuống mức 24.650 đồng/CP và thanh khoản cao nhất trong ngành, đạt xấp xỉ 17,6 triệu đơn vị, vượt HPG khớp 13,82 triệu đơn vị và kết phiên nhích 0,1% lên 42.050 đồng/CP.

Ở nhóm bất động sản, bên cạnh anh cả VHM tăng mạnh, các mã lớn khác trong ngành như VIC, NVL, BCM chỉ nhích nhẹ, còn lại sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế như KDH, KBC, DIG, BCG, TCH, ITA, HBC, IJC…

Một số mã nóng trong phiên hôm qua như VCG hay POW đã nhanh chóng hạ nhiệt và may mắn còn giữ được sắc xanh nhạt. Kết phiên, POW chỉ tăng 0,7% lên 14.150 đồng/CP và khớp hơn 13 triệu đơn vị, còn VCG tăng 0,5% lên 31.500 đồng/CP và khớp 4,74 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau cú rơi mở đầu phiên chiều, lực cầu gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip cũng đã giúp thị trường hãm đà giảm mạnh.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,22 điểm (-0,62%), xuống 358,75 điểm với 82 mã tăng (6 mã trần), 129 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,2 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 1.559,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 4,5 triệu đơn vị, giá trị 162,83 tỷ đồng, trong đó đáng kể là HTP thỏa thuận 4 triệu đơn vị, giá trị 148 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kết phiên giảm hơn 4 điểm về mốc 632 điểm khi có 17 mã giảm và 11 mã tăng.

Một số mã giảm mạnh như L14 giảm 6,6%, CEO giảm 3,9%, DTD giảm 3,5%, VCS giảm 3,1%, SHS có thời điểm bị đạp về mức giá sàn nhưng nhờ lực cầu bắt đáy tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này thu hẹp đà giảm đáng kể và kết phiên chỉ còn giảm 1,6%, đứng tại mức 18.400 đồng/CP...

Trong khi ở chiều ngược lại, cổ phiếu chứng khoán MBS bất ngờ tăng vọt trong đợt khớp ATC, đi ngược xu hướng chung của ngành và kết phiên tăng 3,1% lên mức giá cao nhất ngày 30.300 đồng/CP.

Cổ phiếu bất động sản IDC thu hẹp biên độ tăng và kết phiên đứng tại mức 57.200 đồng/CP, tăng 2%. Ngoài ra, các mã BCC, THD, PVS tăng hơn 1%.

Trong đó, PVS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 11,2 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,272 xuống 103,82 điểm với 166 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,46 triệu đơn vị, giá trị 671 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn nửa triệu đơn vị, giá trị hơn 15 tỷ đồng.

Cặp dầu khí BSR và OIL vẫn giữ được sắc xanh. Trong đó, BSR thu hẹp biên độ đáng kể khi chỉ còn tăng 0,5% lên mức 21.900 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt 7,16 triệu đơn vị. Còn OIL có phần tích cực hơn khi kết phiên tăng 2,2% lên 14.100 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu phân bón, trong khi DPM, DCM đã le lói sắc xanh thì DDV tiếp tục giảm sâu do áp lực bán mạnh. Kết phiên, DDV giảm 7,5% xuống 23.300 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng kết phiên trong sắc đỏ như VGI giảm 4,2%, VGT giảm 1,9%, MSR giảm 1,9%, QNS giảm gần 1%...

Cổ phiếu C4G đã lấy lại mốc tham chiếu sau thời gian rung lắc. Kết phiên, C4G đứng tại mức 17.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 4,25 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau BSR.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tăng và 1 hợp đồng giảm nhẹ. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 5 là VN30F2205 tăng 19,5 điểm (+1,4%) lên 1.402,5 điểm với 231.018 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 30.610 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên CFPT2203 dẫn đầu thanh khoản, kết phiên tăng 1,2% lên 4.300 đồng/CQ và khớp hơn 1,54 triệu đơn vị. Tiếp theo là CHPG2203 khớp 1,52 triệu đơn vị và kết phiên giảm 1,1% xuống 870 đồng/CQ.

Tin bài liên quan