Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/4: Ồ ạt xả hàng, VN-Index có thêm phiên lao dốc

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/4: Ồ ạt xả hàng, VN-Index có thêm phiên lao dốc

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Lực bán ồ ạt trong phiên chiều cho thấy, đà hồi phục trong phiên sáng dường như chỉ là phiên bulltrap. VN-Index có thêm phiên lao dốc với các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường đang bước vào xu hướng giảm dài hạn.

Sau phiên lao dốc hôm qua, VN-Index được kéo tăng hơn 7 điểm trong phiên sáng nay. Dù thị trường trở nên cân bằng hơn, nhưng sự hồi phục của VN-Index sáng nay chủ yếu nhờ vào các mã trụ.

Đà hồi phục này phần nào đó đã thúc "lòng tham" ở một số nhà đầu tư để xuống tiền bắt đáy, hoặc quân bình giá. Tuy nhiên, phần đông vẫn tỏ ra thận trọng và tỏ ra rất cảnh giác về phiên bulltrap khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với phiên sáng qua.

Sự cảnh giác này đã đúng trong phiên chiều nay. Trong ít phút đầu, thêm ít lực cầu kéo giá ở một số mã trụ giúp VN-Index nới rộng thêm đà tăng, phá mức đỉnh của ngày thiết lập trong phiên sáng. Tuy nhiên, "cơn ác mộng" đã nhanh chóng ấp đến chỉ sau 3 phút thăng hoa đầu phiên chiều.

Lực bán ồ ạt được tung ra, đầu tiên là ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, sau đó lan rộng ra khắp bảng điện tử, tạo hiệu ứng "hòn tuyết lăn", kích hoạt lệnh giải chấp khiến VN-Index lao dốc mạnh theo chiều thẳng đứng, đánh mất hơn 30 điểm, từ mức đỉnh của ngày 1.442 điểm, xuống ngưỡng 1.408 điểm. Dù nỗ lực trở lại sau đó, nhưng áp lực bán gia tăng mạnh trở lại trong đợt ATC khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index bị đẩy hẳn ra xa dải dưới đường bolliger, xuyên thủng luôn đường trung bình cộng 100 (MA100), xuyên thủng vùng hỗ trợ mạnh 1.440 điểm (+/-) - vốn luôn giúp VN-Index bật trở lại kể từ cuối năm 2021. Đường MACD phân kỳ, còn đường RSI giảm mạnh xuống ngưỡng 30, trong khi đường xu hướng ADX tăng mạnh cho thấy, thị trường đang bước vào xu hướng giảm dài hạn.

Nhiều nhà đầu tư tham gia bắt đáy phiên sáng với kỳ vọng thị trường sẽ hội trở lại khi chạm vùng 1.440 điểm giống như các đợt trước, đã cảm cảm thấy bang hoàng khi chứng khiến VN-Index lao dốc với gần 100 mã giảm sàn trong phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HOSE có 101 mã tăng và 371 mã giảm (98 mã giảm sàn), VN-Index giảm 26,15 điểm (-1,83%), xuống 1.406,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 702,3 triệu đơn vị, giá trị 22.656,5 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36 triệu đơn vị, giá trị 1.760,1 tỷ đồng.

Nhóm bluechip trong rổ VN30 sau phiên sáng khá cân bằng, đã chỉ còn 3 mã tăng là VJC +3,5% lên 143.100 đồng, KDH +1,6% lên 50.100 đồng, HPG +1,5% lên 43.300 đồng, cùng BID và VCB đứng tham chiếu.

Còn lại đều giảm, trong đó, POW giảm sàn -6,9% xuống 13.500 đồng, SSI cũng giảm về gần giá sàn -6,7% xuống 35.000 đồng.

Các cổ phiếu STB -5,2% xuống 27.500 đồng, GVR -4,9% xuống 35.000 đồng, TPB -4,5% xuống 36.200 đồng, PNJ -3,7% xuống 118.900 đồng.

Các cổ phiếu FPT, MBB, ACB, PLX giảm từ 3% đến 3,6%, các mã VPB, PDR, TCB, MWG, MSN giảm từ 2,3% đến 2,8%. Nhóm NVL, HDB, SAB, VIC, GAS, VNM, VHM, CTG, VRE, BVH may mắn chỉ giảm nhẹ từ 0,4% đến 1,6%.

Thanh khoản VPB tốt nhất nhóm với hơn 24 triệu đơn vị khớp lệnh và cũng dẫn đầu sàn HOSE, theo sau ngay là HPG với 19 triệu đơn vị, các mã POW, SSI, MBB, STB khớp từ 11,65 triệu đến 15,8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, PGD, PDN, AAM, HU1 và TPC là những cổ phiếu tăng giá hàng đầu khi đều kết phiên ở mức giá trần, nhưng thanh khoản khá thấp, với AAM cao nhất cũng chỉ có hơn 105.000 đơn vị khớp lệnh.

Ngược dòng thị trường vẫn là những cái tên nổi bật ở phiên sáng, nhưng phần lớn cũng đã hạ thấp độ cao.

Như ở nhóm thủy sản ngoài AAM nêu trên, ACL +4,3% lên 29.000 đồng; nhóm phân bón, hóa chất là DCM +2,3% lên 44.500 đồng, DPM +4,3% lên 75.100 đồng, DGC +4% lên 254.800 đồng, BFC +1,9% lên 41.900 đồng, CSV +3,5% lên 59.000 đồng; nhóm logistics với HAH +4,3% lên 107.400 đồng, GMD +2,5% lên 57.500 đồng, VNL +1,2% lên 25.500 đồng...

Một vài sắc xanh khác tại PVD, PVT, TCM, KDC, BTP, FRT...

Trái lại, khó có thể điểm hết tên nhóm gần 100 mã giảm sàn, nhưng những cái tên đáng kể như HQC, ITA, FLC, HNG, LCG, ASM, APH, TTF, ROS, HBC, HAI, CII, VCG, LPB, FIT, NKG, AAA, HHV, TCH, DLG, FCN, AMD...khi nhóm này thuộc top các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, khớp từ 4,3 triệu đến 12,7 triệu đơn vị.

Trong đó, FLC dư bán sàn hơn 10,5 triệu đơn vị, ROS dư bán sàn hơn 6,7 triệu đơn vị, HQC dư bán sàn hơn 4 triệu đơn vị...

Giảm sâu khác ở các mã thanh khoản cao khác như GEX -6,4% xuống 29.750 đồng, khớp lệnh đứng thứ ba trên HOSE với 17,43 triệu đơn vị; VND -6,8% xuống 30.000 đồng, khớp 15,76 triệu đơn vị, HAG -6,5% xuống 10.850 đồng, khớp 15,6 triệu đơn vị, DXG -6,5% xuống 35.800 đồng, khớp 10,1 triệu đơn vị...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng lao dốc và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày khi lực cung gia tăng dữ dội.

Chốt phiên, sàn HNX có 68 mã tăng và 183 mã giảm (52 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 10,42 điểm (-2,59%), xuống 392,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,1 triệu đơn vị, giá trị 2.105,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,24 triệu đơn vị, giá trị 242,1 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu KLF, TVC, BII, ART, APS, IDJ, DL1, MBG, KVC, DST, LIG, PVL, VKV, DVG, HHG...đều đã “lau sàn”. Các cổ phiếu giảm sâu khác như TNG -6,4%, HUT -5%, SHS -5,4%, TAR -8,6%, AMV -4,1%, MBS -5%, IPA -9,8%, PLC -7,8%, các mã CEO, IDC may mắn chỉ giảm nhẹ hơn 1%.

Một vài cổ phiếu còn xanh là LAS +6,3% lên 20.100 đồng, PVC +3,9% lên 24.000 đồng, SDG +9,6% lên 39.900 đồng, NDN nhích nhẹ 0,7%.

Thanh khoản kể trên cũng thuộc nhóm cao nhất sàn, khớp từ 0,87 triệu đến 5,89 triệu đơn vị.

Khớp lệnh cao nhất phiên này là PVS, giá cổ phiếu có thời điểm tăng hơn 5%, nhưng đã về tham chiếu 30.000 đồng khi đóng cửa.

Trên UpCoM, sắc đỏ cũng phủ rộng khiến UpCoM-Index chìm dần về dưới tham chiếu và chỉ tránh được mức đáy trong ngày ở những phút cuối.

Chốt phiên, với 129 mã tăng và 206 mã giảm (14 mã giảm sàn), UpCoM-Index giảm 1,89 điểm (-1,72%), xuống 108,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,4 triệu đơn vị, giá trị 1.100,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,51 triệu đơn vị, giá trị 191,3 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu VHG, CDO nằm trong số những đại diện giảm giá đáng kể nhất, khi đều về giá sàn tại 6.000 đồng và 4.500 đồng, trong đó, VHG khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 6 triệu đơn vị.

Phía sau là những cổ phiếu SBS -10,4% xuống 11.200 đồng, G36 -10,2% xuống 14.900 đồng, C4G -8,7% xuống 19.000 đồng, TCI -6,2% xuống 13.700 đồng.

Các cổ phiếu ABB, VGI, DDV, LMH, BVB, LTG, VAB giảm từ 3,6% đến hơn 5%. Trong khi BSR và OIL giảm nhẹ hơn 1%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 19 điểm (-1,29%), xuống 1.454,1 điểm, khớp lệnh hơn 191.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 42.700 đơn vị.

Ngoài ra, Hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 05 năm tháng 06/2022 - GB05F2206 còn giảm sàn về 107.029 đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm đa số, với CSTB2110 và CTCB2105 phiên này giao dịch hơn 1,75 triệu và 1,58 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong đó, CSTB2110 giảm 77% xuống 20 đồng/cq, còn CTCB2105 giảm hơn 16% xuống 280 đồng/cq.

Tin bài liên quan