Giao dịch chứng khoán phiên chiều 30/6: Lực bán gia tăng, VN-Index rơi xuống dưới 1.200 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 30/6: Lực bán gia tăng, VN-Index rơi xuống dưới 1.200 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên cuối cùng của quý II khép lại với hoạt động chốt NAV đã tương đối bất ngờ, sau khi giao dịch ảm đạm trong phiên sáng đã chịu lực bán dâng cao trong phiên chiều khiến VN-Index lao dốc, mất hơn 20 điểm, đóng cửa dưới mốc 1.200 điểm.

Sau phiên sáng khá nhàm chán, thị trường bước vào phiên chiều với lực cung dần gia tăng và lan rộng khắp bảng điện tử và càng giao dịch, lực bán lại càng mạnh hơn khiến VN-Index rơi dần xuống dưới tham chiếu, giảm mạnh hơn 20 điểm, để mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm khi đóng cửa.

Hôm nay là ngày chốt NAV quý II của các quỹ và tổ chức đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lực cầu bắt đáy sẽ gia tăng tại các vùng hỗ trợ như 1.210 điểm, 1.200 điểm, nhằm giúp các quỹ làm đẹp sổ sách, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Sau khi lình xình trong phiên sáng, bước sang phiên chiều, lực cung bất ngờ gia tăng, đẩy VN-Index đi xuống, qua hết hưỡng hỗ trợ này đến ngưỡng khác, nhưng dòng tiền bắt đáy không nhập cuộc, trong khi lực cung gia tăng mạnh, nhất là lực bán chốt lời ở các mã tăng nóng thời gian qua khiến VN-Index cứ thế lao dần xuống dưới ngưỡng 1.200 điểm khi chốt ngày giao dịch cuối cùng của quý II. Dòng tiền cũng không tham gia tích cực như kỳ vọng khiến thanh khoản sụt giảm trở lại và vẫn quẩn quanh trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 89 mã tăng và 371 mã giảm, VN-Index giảm 20,49 điểm (-1,68%), xuống 1.197,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 510,2 triệu đơn vị, giá trị 11.326,7 tỷ đồng, giảm gần 9% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,6 triệu đơn vị, giá trị 1.081,3 tỷ đồng.

Như vậy, phiên cuối cùng của tháng 6 đã kết thúc và VN-Index ghi nhận giảm 95,08 điểm trong tháng này, tương ứng -7,35%.

Còn tính trong quý II, VN-Index giảm tới 294,55 điểm, tương đương -19,7% và từ đầu năm 2022 đã giảm hơn 300,6 điểm, tương đương -20,06%.

Trở lại với phiên này, áp lực bán mạnh hơn ở mọi nơi, trong đó, các bluechip trong VN30 chỉ còn VIC, SAB và VRE nhích nhẹ.

Còn lại chìm trong sắc đỏ và không ít nới rộng đà giảm như STB -4,9% xuống 21.500 đồng, SSI -4,8% xuống 18.800 đồng, BVH -4,5% xuống 52.500 đồng, FPT -4,2% xuống 86.200 đồng, TCB -3,3% xuống 33.550 đồng, VPB -3,3% xuống 29.000 đồng.

Các cổ phiếu MBB, HPG, MWG, CTG mất 2% đến 2,6%, nhóm giảm thấp hơn, từ 1,3% đến 1,9% có GAS, GVR, HDB, VJC, PLX, MSN, VHM.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sàn HOSE có 27 mã giảm sàn, trong đó, những cái tên đáng kể như APG, FIT, HQC, ITA, BCG, DLG, HAI, VCI, ROS, AMD, CTS, khi đều có thanh khoản cao, như ITA khớp 9,52 triệu đơn vị, ROS khớp 8,19 triệu đơn vị, HQC khớp 7,1 triệu đơn vị, BCG khớp 5,26 triệu đơn vị…

Nhiều cổ phiếu cũng đua nhau giảm sâu ở khắp các nhóm ngành như công ty chứng khoán, bất động sản, dầu khí logistic, thủy sản, nông nghiệp, nguyên vật liệu…như PVD, KHG, AAA, KSB, NHA, HHV, HBC, JVC, PSH, VDS, VOS, GMD, DAG, AGR, FCN, NKG, SCR, LDG, VND, CII, DIG, VIX với mức giảm từ 4,6% đến 6,8%.

Trong đó, VND giảm 6,2% xuống 17.400 đồng, thanh khoản cao nhất sàn với hơn 32 triệu đơn vị khớp lệnh.

Còn VIX và DIG là những cổ phiếu giảm mạnh nhất, với VIX -6,9% xuống 8.950 đồng, khớp 5,3 triệu đơn vị và DIG -6,8% xuống 35.400 đồng, khớp hơn 11 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, TVS và QBS vẫn là hai điểm sáng lớn khi giữ vững sắc tím từ phiên sáng, nhưng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 0,19 triệu và 0,29 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu có thanh khoản khá và tăng vẫn là những cổ phiếu ở nhóm điện, nước, hóa chất như cuối phiên sáng là TV2, PGV, GEG, SHP, TDM, DMP, DCM, CSV, trong đó, ngoài CSV +4% lên 44.700 đồng, thì còn lại gần như chỉ nhích nhẹ.

Một vài cổ phiếu riêng lẻ bất ngờ bật lên như SBT +6,6% lên 18.650 đồng, DXS +6,4% lên 18.400 đồng, TGG từ giá sàn đã tăng vọt 6,1% lên 6.800 đồng, BCM +3,9% lên 67.000 đồng, FCM +3,2% lên 4.850 đồng, FTS +3% lên 36.200 đồng.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng ngay sau giờ nghỉ trưa cũng đã khiến chỉ số HNX-Index cũng rơi nhanh xuống dưới tham chiếu và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index giảm 4,66 điểm (-1,65%), xuống 277,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,64 triệu đơn vị, giá trị 1.074,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,3 triệu đơn vị, giá trị 55,3 tỷ đồng.

Lác đác một vài cổ phiếu còn xanh như HDA, LAS, TVD, TC6, cùng TAR, NBC, BRC đứng tham chiếu.

Còn lại cũng đều giảm, với những BII, ITQ, L14 giảm sàn, SHS -8,1% xuống 14.600 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 7,11 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác còn có CEO -9,6% xuống 26.300 đồng, IDJ và APS cùng mất 8,6%, HUT -7,4%, PVC -6,9%, ART -6,3%, MBS -5,6%, PVS -4,4%...

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lao nhanh về dưới tham chiếu, nhưng bất ngờ có nhịp nảy mạnh vào những phút cuối, thu hẹp đáng kể đà giảm khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,34%), xuống 88,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,6 triệu đơn vị, giá trị 575,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 48,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý phiên này là YBC, khi tăng vọt 11,3% lên 10.800 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị và PXL +9,8% lên 9.600 đồng.

Trong khi đó, BSR -1% xuống 28.500 đồng, khớp lệnh vẫn cao nhất UpCoM với hơn 8 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2207 đáo hạn gần nhất giảm 20,4 điểm, tương đương -1,62% xuống 1.240,1 điểm, khớp lệnh hơn 256.900 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm. Phiên này có ba mã khớp hơn 1 triệu đơn vị thì CSTB2211 giảm 14,3% xuống 540 đồng/cq, khớp 1,45 triệu đơn vị; CPOW2203 giảm 7,9% xuống 700 đồng/cq, khớp 1,32 triệu đơn vị và CVNM2204 tăng 1,3% lên 770 đồng/cq, khớp 1,17 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan