Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/10: Bán tháo ồ ạt, VN-Index về mức thấp nhất 20 tháng

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/10: Bán tháo ồ ạt, VN-Index về mức thấp nhất 20 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực mua không xuất hiện đã tạo áp lực cho những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, kết quả trong phiên chiều tình trạng bán tháo đã xảy ra.

Ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, một số room chứng khoán thậm chí đã phải khuyến nghị khách hàng của mình cắt lỗ, điều ít thấy trong giai đoạn trước đây. Lý do được đưa ra là thị trường đang chịu tác động bất lợi từ kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu, bất chấp chấp những kết quả tăng trưởng lạc quan quý III của kinh tế Việt Nam.

Trên bình diện thế giới, nỗi lo vỡ nợ lan rộng, không chỉ là vỡ nợ ở các nền kinh tế quy mô nhỏ như Srilanka mà giờ đây cảnh báo đang xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn, có sức ảnh hưởng tới dòng chảy kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều. Đặc biệt, kỷ nguyên tiền rẻ chấm dứt với việc các ngân hàng trung ương liên tiếp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cũng như bảo vệ đồng tiền nội địa khiến chứng khoán toàn cầu cũng lao dốc mạnh…

Trong bối cảnh chung đó, có một sự “lo xa” nhất định với các doanh nghiệp tại Việt Nam cho kết quả kinh doanh quý IV tới đây và xa hơn nữa. Với độ mở kinh tế lớn, khi nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn gặp vấn đề thì sự ảnh hưởng khó tránh khỏi.

Đáng chú ý, sự quan ngại này tác động cả về 2 phía nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt và nhà đầu tư cầm cổ phiếu. Với những nhà đầu tư đã kịp thoát giai đoạn trước, chưa có động lực tham gia lại thị trường thời điểm này dù giá cổ phiếu đa phần đã chiết khấu khoảng 70% so với mức đỉnh, lý do thì không mới “giá đã rẻ còn có thể rẻ hơn”. Với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, trong một thị trường xấu thì lý do khiến “tôi phải bán cổ phiếu” đặc biệt nhiều, nhiều như lúc phải mua cổ phiếu khi thị trường tốt, phổ biến là bán để mua rẻ hơn, bán để tránh kịch bản bị forcesell tài khoản, xấu thế thì phải bán thôi,… dù bán thời điểm này thì chẳng nhà đầu tư nào có lãi.

Kết quả là phiên hôm nay, VN-Index mất 45,67 điểm (4.03%), trên sàn HOSE có 147 mã giảm sàn trong khi đó chỉ có 43 mã tăng điểm. Chỉ số này về mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Thị trường rơi vào trạng thái “xấu kép”, giá giảm nhưng thanh khoản thấp. Nếu như phiên cuối tuần trước, lực bắt đáy khi VN-Index xuống mức 1.100 điểm giúp thanh khoản sàn HOSE lên tới hơn 17.000 tỷ đồng thì phiên hôm nay, tức là chỉ sau 1 phiên, VN-Index đã rơi xuống rất xa mốc 1.100 điểm với la liệt cổ phiếu nằm sàn thì lực cầu cũng chỉ ở mức khiêm tốn hơn 11.000 tỷ đồng trên HOSE. Nhà đầu tư bắt đáy phiên cuối tuần trước đa phần đã thấy tài khoản “đỏ lừ”.

Đáy kỹ thuật đã bị phá vỡ và đáy mới được hình thành gọi tên 1.000 điểm cho VN-Index. Xét về trung hạn từ khi thị trường rời khỏi mức đỉnh 1.530 điểm thì VN-Index đã giảm 444 điểm, tương đương với 29%, trên đồ thị kỹ thuật thì thị trường đang ở con sóng giảm cuối cùng của mô hình elliott (5 nhịp trong xu hướng giảm).

Như vậy về kỹ thuật thì thị trường đã giảm đến mức phổ biến 25-30% cho một đợt điều chỉnh mạnh (chưa đến mức khủng hoảng), sóng giảm đã hoàn thành, và nếu kết hợp với quy luật “mọi tin xấu rồi cũng sẽ qua” nhờ những biện pháp mạnh của nhiều nền kinh tế lớn thì rất có, có thể thôi, một sóng tăng sẽ sớm hình thành.

Đóng cửa, sàn HOSE chỉ có 43 mã tăng và 449 mã giảm, VN-Index giảm 45,67 điểm (-4,03%) xuống 1.086,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 729,67 triệu đơn vị, giá trị 17.135,77 tỷ đồng, giảm 24,28% về khối lượng và 33,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 30/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,4 triệu đơn vị, giá trị 2.072,8 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn đi trước thị trường khi giảm tới hơn 50 điểm, lùi về sát mốc 1.100 điểm. Trong đó, chỉ có duy nhất VIC lội ngược dòng thành công nhờ lực cầu tăng mạnh trong đợt khớp ATC với mức tăng chỉ 0,9%; còn lại đều mất điểm.

Đáng chú ý, cổ phiếu VHM tiếp tục thu hẹp đà giảm sau nhịp lao dốc về mức giá sàn ở đầu phiên sáng. Đóng cửa, VHM chỉ còn giảm 0,6%, đứng tại mức giá 50.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 4,22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, có tới gần 1/2 số mã kết phiên nằm sàn như BVH, CTG, BID, TCB, HPG, SSI, KDH, MWG… Các mã khác như MSN, FPT, VCB cũng giảm mạnh trên 3%.

Xét về nhóm ngành, ngành tài chính đang dẫn đầu về mức giảm. Trong đó, nhóm bảo hiểm với sự góp mặt của BVH, MIG, BMI, PTI, VNR đều đóng cửa ở mức giá sàn; ngoài ra, PVI giảm 8,89%, PRE giảm 6,95%, BIC giảm 4,44%...

Nhóm chứng khoán có tới khoảng 1/2 số mã nằm sàn, điển hình như HCM, VCI, VND, SSI, VIX, VDS, FTS, BSI…, trong đó VND và SSI vẫn thuộc top 5 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đều đạt gần 16 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, không có nổi mã nào thắng thị trường. Bên cạnh các mã BID, CTG, TCB, STB giảm sàn, các mã khác cũng giảm mạnh như MBB giảm 6,5%, VPB giảm 5,56%, OCB giảm 6,21%, VCB giảm 3,55%, SHB giảm 4,42%... Trong đó, các mã có thanh khoản tốt là VPB khớp 24,72 triệu đơn vị, STB khớp 14,94 triệu đơn vị, MBB và SHB khớp trên dưới 9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép với HPG, HSG, NKG đều trong trạng thái dư bán sàn. Trong đó, HPG có thanh khoản lớn nhất thị trường, với hơn 33,57 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn hơn 0,1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu rộng nhất thị trường là bất động sản cũng trong xu hướng chung với hàng loạt mã như VCG, KBC, DXG, LCG, DIG, VGC, CTD, DPG, CII, HHV, SZC… đều giảm sàn.

Trên sàn HNX, lực bán tháo cũng khiến thị trường giao dịch tiêu cực hơn trong phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 169 mã giảm (44 mã nằm sàn), HNX-Index giảm 12,09 điểm (-4,83%) xuống 238,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 1.066 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,1 triệu đơn vị, giá trị 75,78 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giảm tới hơn 26 điểm, thủng mốc 400 điểm khi toàn bộ 30 mã đều giảm. Trong đó, các mã CEO, SHS, L14, TNG, PVC, TAR, MBS đều đóng cửa nằm sàn, với SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt xấp xỉ 10,66 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu IDC dù thoát sắc xanh mắt mèo nhưng đóng cửa cũng giảm tới 9,5% xuống gần mức giá sàn 45.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 5,75 triệu đơn vị.

Tương tự, PVS cũng đóng cửa giảm mạnh 7,8% xuống mức giá 21.400 đồng/CP và là 1 trong 3 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã khác trong top 10 mã thanh khoản cao nhất sàn HNX cũng đều giảm mạnh như HUT giảm 2,3% xuống 21.500 đồng/CP và khớp 2,79 triệu đơn vị; còn KLF, TNG, MBS, TAR, BII, PVC đều giảm sàn và khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Cũng như sàn HOSE, nhóm chứng khoán trên sàn HNX cũng la liệt nằm sàn như SHS, APS, MBS, ART, VIG, EVS.

Trên UPCoM, thị trường cũng trải qua phiên “đổ máu”.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,2 điểm (-2,59%), xuống 82,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 26,65 triệu đơn vị, giá trị 411 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,3 triệu đơn vị, giá trị 96,83 tỷ đồng.

Trái ngược phiên sáng nay, bộ 3 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường đều lùi sâu dưới mốc tham chiếu do áp lực bán gia tăng.

Trong đó, BSR giảm 4% xuống 19.000 đồng/CP và khớp 5,64 triệu đơn vị; C4G giảm 8,5% xuống 10.800 đồng/CP và khớp 1,68 triệu đơn vị; còn ABB giảm 3% xuống 9.700 đồng/CP và khớp 1,58 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác như OIL, CEN, LMH, VHG cũng đều nới rộng biên độ giảm mạnh.

Trái lại, cổ phiếu chứng khoán DSC tiếp tục lội ngược dòng thành công sau diễn biến tăng mạnh hơn 36% trong tháng 9. Đóng cửa phiên hôm nay, DSC tăng 5,68% lên mức 33.500 đồng/CP và khớp 1,54 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm, với VN30F2210 giảm 47,4 điểm, tương ứng giảm 4,1% xuống 1.102,6 điểm, khớp lệnh hơn 366.990 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao phủ trên diện rộng. Trong đó, CKDH2213 dẫn đầu thanh khoản đạt hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 53,6% xuống 130 đồng/CQ.

Tiếp theo là CHPG2216 và CKDH2207 đều khớp hơn 1,77 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt giảm 22,5% xuống 1.310 đồng/CQ và 50% xuống 10 đồng/CQ.

Tin bài liên quan