Giao dịch chứng khoán phiên sáng 23/4: Lực cầu yếu, thị trường quay đầu giảm trở lại

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 23/4: Lực cầu yếu, thị trường quay đầu giảm trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù nỗ lực duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của TCB, nhưng lực cầu yếu khiến VN-Index quay đầu giảm trở lại trong phiên sáng nay.

Trong phiên hôm qua, thị trường hồi phục ngay từ khá sớm, nhưng đà tăng chủ yếu xuất phát từ lực bán được tiết chế, trong khi lực cầu tham gia khá yếu bởi tâm lý thận trọng của bên mua.

Tuy nhiên, giao dịch có phần tích cực hơn trong phiên chiều khi chạm gần 1.195 điểm, tương đương tăng gần 20 điểm, trước khi lùi về 1.190 điểm khi đóng cửa.

Mặc dù vậy, thanh khoản lại rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng 2,5 tháng qua, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn bao trùm và đây có thể chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật sau chuỗi 4 phiên lao dốc mạnh trước đó.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 23/4, sự thận trọng đã quay trở lại và nhà đầu tư chủ yếu mua bán dừng lại ở mức thăm dò, khiến VN-Index chỉ giằng co với biên độ hẹp quanh tham chiếu.

Lác đác một vài cái tên đáng chú ý, nhưng đa phần vẫn là những mã vừa và nhỏ, có tính đầu cơ ngắn hạn cao như ST8, QBS, TNT hay những cái tên khác như CMG, TVB tăng trên dưới 5%, nhưng khớp lệnh cũng chỉ trên dưới 1 triệu đơn vị mỗi mã.

Đáng kể nhất có lẽ là bluechip TCB, khi vượt trội so với phần còn lại trong nhóm VN30 với mức tăng hơn 4% sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 và đang là cổ phiếu giúp VN-Index bật lên sau nhịp giảm về dưới 1.185 điểm vào giữa phiên.

Theo đó, Techcombank đã báo cáo lợi nhuận trước thuế quý I/2024 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thu nhập lãi thuần của Techcombank đạt 8.500 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực và chi phí vốn được cải thiện. Biên lãi thuần (NIM) đạt mức 4,4%, so với 4,2% của quý IV/2023.

Nhịp hồi phục vào giữa phiên là không đủ khi gần như chỉ có TCB đóng vai trò làm lực đỡ chính, nhưng khi mã này hạ độ cao và tâm lý thận trọng duy trì đã khiến VN-Index thêm một lần đảo chiều nhanh và về dưới 1.185 điểm khi kết phiên. Thanh khoản vẫn chỉ dừng lại ở mức thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 121 mã tăng và 298 mã giảm, VN-Index giảm 5,95 điểm (-0,50%), xuống 1.184,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 312,5 triệu đơn vị, giá trị 6.948,6 tỷ đồng, tương đương so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 58,9 triệu đơn vị, giá trị 1.058,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu TCB từ mức tăng hơn 5% trong phiên đã chỉ còn +2,8% lên 46.500 đồng, nhưng vẫn là bluechip tăng tốt nhất trong rổ VN30 và là mã đóng góp chính cho VN-Index. Khớp lệnh TCB phiên sáng nay có hơn 9,51 triệu đơn vị.

Các mã khác còn tăng là MWG +2,4% lên 49.750 đồng, trong khi FPT và PLX nhích nhẹ hơn 1%. Hai sắc xanh còn lại là VPB và STB với mức tăng khiêm tốn.

Ở chiều ngược lại, không cổ phiếu nào giảm quá sâu, với BCM, MBB, VHM giảm mạnh nhất cũng chỉ mất hơn 2%. Tuy nhiên, khá nhiều cổ phiếu giảm là lực cản đối với thị trường, với 16 mã khác mang sắc đỏ. Trong đó, MBB và SHB dẫn đầu thanh khoản nhóm và cũng lớn nhất sàn với lần lượt 15,6 triệu và 9,56 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với lác đác vài cổ phiếu bật hẳn lên như ST8 +6,1% lên 8.510 đồng, PVP +5,2% lên 15.200 đồng, TVB +5,2% lên 7.540 đồng, CMG +4,7% lên 44.200 đồng. Thanh khoản các mã này cũng chỉ dao động từ 0,4 triệu đến hơn 1,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, các mã giảm dù có gần 300 mã, nhưng phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ một số cái tên như PSH -6% xuống 4.380 đồng, POM -4,4% xuống 2.830 đồng, QCG -3,9% xuống 16.000 đồng, NO1 -3,4% xuống 7.050 đồng…

Trên sàn HNX, nhiều mã giảm điểm, dù cũng đa phần giảm nhẹ ở các mã lớn đã khiến HNX-Index đảo chiều về dưới tham chiếu sau ít phút mở cửa tăng điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 49 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index giảm 1,5 điểm (-0,66%), xuống 223,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,2 triệu đơn vị, giá trị 382,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị 59,6 tỷ đồng.

Các mã lớn, nhỏ thanh khoản cao nhất đều giảm, như SHS, CEO, MBS, PVS, IDC, HUT, TNG, IDJ…dù mức giảm chỉ trên dưới 1,5%. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất cũng chỉ hơn 4,4 triệu đơn vị.

Khá nhiều cổ phiếu giằng co và về tham chiếu như AAV, DVM, PVC, FID, MST, API, AMV, DDG…khớp từ 0,19 triệu đến 0,66 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lùi về vùng gần tham chiếu sau nửa đầu phiên tăng khá tích cực.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,03%), lên 88,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,97 triệu đơn vị, giá trị 102,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,21 triệu đơn vị, giá trị 3,65 tỷ đồng.

Hai mã nhỏ hút giao dịch, với TS3 tăng trần +13,5% lên 5.900 đồng, khớp 0,22 triệu đơn vị. Trong khi AAH khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 4,07 triệu đơn vị và giảm sàn -13,1% xuống 3.300 đồng.

Tin bài liên quan